Ninh Bình: Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực quan trọng
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình cho thấy, trong mức tăng trưởng trong quý I/2025, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) đạt 4.496,8 tỷ đồng, tăng 6,95% đóng góp 2,32 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 3.534,2 tỷ đồng, tăng 5,83% đóng góp 1,54 điểm phần trăm)...
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh quý I năm 2025 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 13.754,1 tỷ đồng, tăng 9,06 % so với quý I năm 2024, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 06/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) đạt 4.496,8 tỷ đồng, tăng 6,95% đóng góp 2,32 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 3.534,2 tỷ đồng, tăng 5,83% đóng góp 1,54 điểm phần trăm); khu vực III (dịch vụ) đạt 6.043,7 tỷ đồng, tăng 12,79% đóng góp 5,43 điểm phần trăm.
Các sản phẩm công nghiệp chủ đạo tăng cao so với cùng kỳ
Tình hình sản xuất công nghiệp quý I trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn còn không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt lao động tay nghề cao.
Tính chung quý I năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 10,42%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 9,26%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,80%; sản xuất và phân phối điện giảm 44,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,01%.

Tính chung quý I năm 2025, chỉ số IIP toàn tỉnh Ninh Bình tăng 10,42%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,80%; sản xuất và phân phối điện giảm 44,91%
Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh ước đạt 24.257,7 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai khoáng ước đạt 265,1 tỷ đồng, tăng 12,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 23.800,9 tỷ đồng, tăng 9,2%; sản xuất và phân phối điện 140,5 tỷ đồng, giảm 45,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 51,2 tỷ đồng, tăng 0,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I năm 2025 của tỉnh Ninh Bình có mức tăng cao so với cùng kỳ: ngô ngọt đóng hộp 0,9 nghìn tấn, tăng 17,4%; dứa đóng hộp 2,5 nghìn tấn, tăng 39,9%; nước dứa tươi 1,4 triệu lít, tăng 13,6%; quần áo các loại 16,2 triệu cái, tăng 12,4%; phân Ure 0,1 triệu tấn, tăng 14,5%; phân NPK 29,6 nghìn tấn, tăng 23,8%; phân lân nung chảy 68,4 nghìn tấn, tăng 30,8%; xi măng và clanke 1,5 triệu tấn, tăng 16,0%; thanh nhôm, que nhôm, nhôm ở dạng hình 11,3 nghìn tấn, tăng 34,5%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 25,8 tấn, tăng 19,4%; modul camera 54,2 triệu tấn, tăng 11,5%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 11,7 nghìn cái, tăng 15,4%; xe ô tô chở hàng 2,6 nghìn chiếc, tăng 53,2%; búp bê 44,3 triệu con, tăng 13,2%; điện thương phẩm 0,6 tỷ Kwh, tăng 10,1%…
Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: Kính nổi 96,0 nghìn tấn, giảm 2,5%; thép cán các loại 68,4 nghìn tấn, giảm 8,2%; linh kiện điện tử 24,2 triệu cái, giảm 8,7%; tai nghe điện thoại di động 10,5 nghìn cái, giảm 93,3%; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, giảm 74,1%; cần gạt nước ô tô 1,5 triệu cái, giảm 2,3%; đồ chơi hình con vật 4,5 triệu con, giảm 28,6%; điện sản xuất 57,6 triệu Kwh, giảm 72,5%...
Hoạt động thương mại tiếp tục sôi động
Tính chung cả quý I năm 2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh đạt gần 25.117,9 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các nhóm có tốc độ tăng cao bao gồm: vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 203,0 tỷ đồng, tăng 26,6%; gỗ và vật liệu xây dựng 4.227,9 tỷ đồng, 31,3%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) 3.527,4 tỷ đồng, tăng 34,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) 336,4 tỷ đồng, tăng 37,7%; xăng, dầu các loại 2.188,3 tỷ đồng, tăng 22,3%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 244,3 tỷ đồng, tăng 22,3%; doanh thu sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.041,4 tỷ đồng, tăng 22,7%; hàng hóa khác 635,1 tỷ đồng, tăng 30,4%...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm nay của tỉnh Ninh Bình tăng 3,71% so với quý I năm 2024. Có 08/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 11,84%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,92%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,92%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,59% (lương thực tăng 4,19%; thực phẩm tăng 6,16%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,69%); may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,44%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,16%. Ba nhóm còn lại có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 3,36%; bưu chính viễn thông giảm 0,12%; giáo dục giảm 0,09%.
Một số điều chỉnh về giá cả hàng hóa trong địa bàn tỉnh Ninh Bình đã khiến CPI quý I năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá thịt lợn tăng cao 23,3%, thịt chế biến tăng 11,07% khi nguồn cung lợn hơi bị thiếu hụt; giá dịch vụ y tế tăng 15,87% theo Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 04/12/2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước thanh toán; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình; mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo đó mức đóng bảo hiểm y tế đã tăng 30,0%.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 3 và quý I năm nay tiếp tục diễn ra sôi động, duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Xuất, nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng khá
Tiếp đà phục hồi và tăng trưởng của năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình quý I năm 2025 tiếp tục tăng trưởng khá, tuy nhiên vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nguyên nhân là khủng hoảng tại Trung Đông ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, gia tăng rào cản kỹ thuật, các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới đã tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 849,8 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện ước đạt 233,3 triệu USD; giày dép các loại 191,7 triệu USD; xi măng và clanke 159,9 triệu USD; quần áo các loại 72,3 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 40,6 triệu USD; linh kiện điện tử 32,5 triệu USD...
Một số mặt hàng có mức xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 2,4 nghìn tấn, tăng 46,1%; nước dứa cô đặc 855,0 tấn, gấp 4,4 lần; sản phẩm cói khác 348,1 nghìn sản phẩm, tăng 33,8%; hàng thêu ren 70,5 nghìn chiếc, gấp 1,9 lần; xi măng, clanke 4,3 triệu tấn, tăng 20,2%; camera và linh kiện 59,5 triệu sản phẩm, tăng 26,6%; phân ure 45,7 nghìn tấn, gấp 3,2 lần; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 40,6 triệu USD, tăng 42,3%;...
Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút so với cùng kỳ như: Quần áo các loại 11,5 triệu chiếc, giảm 20,0%; thảm cói 3,9 nghìn m2, giảm 74,6%; giày dép các loại 13,0 triệu đôi, giảm 11,4%; kính quang học 291,5 nghìn chiếc, giảm 64,6%; phôi nhôm 4,4 nghìn tấn, giảm 18,0%; đồ chơi trẻ em 3,3 triệu chiếc, giảm 22,5%; linh kiện điện tử 32,6 triệu USD, giảm 4,8%.
Nhìn chung, 3 tháng đầu năm nay tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Ninh Bình ước đạt trên 784,7 triệu USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử gần 248,4 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 233,0 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 125,2 triệu USD; vải may mặc các loại 28,1 triệu USD; máy móc thiết bị 17,6 triệu USD; ô tô 15,4 triệu USD.