Ninh Bình: Khai thác giá trị di sản để thúc đẩy phát triển bền vững
Tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa là điểm khác biệt giúp tỉnh Ninh Bình tự tin vươn ra thế giới. Di sản cần được khai thác có hiệu quả để biến tài nguyên di sản thành của cải vật chất, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương này.
Chiều 24/12, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức tổng kết công tác văn hóa, thể thao và gia đình năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025. Trong năm qua, lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Cùng với đó, các hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có sức ảnh hưởng sâu, rộng, góp phần bổ sung thêm các kết quả nghiên cứu, nhận diện làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa cùng sức ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử của vùng đất Ninh Bình.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được địa phương này đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Triển khai thực hiện các dự án tu bổ, chống xuống cấp đối với 23 di tích. Lập các hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; hồ sơ đề nghị được ghi danh 2 lễ hội thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các hoạt động trưng bày hiện vật, hướng dẫn tham quan tại các Bảo tàng, Thư viện tỉnh diễn ra sôi nổi. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh và nhiếp ảnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ cả bề rộng và chiều sâu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn ghi nhận, biểu dương những thành tích mà ngành Văn hóa và Thể thao của tỉnh này đã đạt được trong năm qua. Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của tỉnh, đồng chí nêu rõ: Ninh Bình có tài nguyên lớn nhất là di sản văn hóa, kinh đô Hoa Lư, mà hiện nay mới chỉ khai thác, phát huy được một phần nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo - một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực thì cần phải có chiến lược khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng kinh tế di sản, kinh tế thể thao.
Dấu mốc năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, hòa cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã gợi mở một số hướng đi cho ngành Văn hóa.
Trước hết là từ tiềm năng khác biệt và độc đáo của di sản văn hóa, phải xây dựng được chính sách kiến tạo và sáng tạo mới. Chuyển từ nghiên cứu phần nổi sang nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, làm rõ hơn những giá trị tinh túy của tài nguyên di sản, thông qua nhà khoa học, các chuyên gia bóc tách, đánh giá trữ lượng tài nguyên, cần tiến hành phân tích, đánh giá lại những giá trị đồ sộ và độc đáo của di sản văn hóa Ninh Bình để mọi người cùng nhận diện được giá trị to lớn, độc đáo của nó.
Ngành Văn hóa cần chuyển quan niệm từ phát triển văn hóa thể thao, tài nguyên đơn thuần sang phát triển văn hóa kép: Kinh tế di sản, kinh tế thể thao, kinh tế văn hóa… Để làm được điều này thì mô hình như thế nào, cơ chế ra sao để văn hóa thành tài nguyên, nguồn lực cần phải nghiên cứu tính toán kỹ. Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải coi trọng yếu tố nhân lực, nguồn lực về con người trong quá trình thực hiện. Cần chuyển từ tư duy sáng tạo văn hóa cổ điển sang tư duy của sáng tạo phục vụ công nghiệp văn hóa, để các sản phẩm có thể thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.