Niên đại của 2 chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh: 'Tuổi đời' có thể lên tới hơn 1000 năm
Sau hơn nửa năm kể từ khi được một hộ dân phát hiện và hơn 1 tháng kể từ khi cơ quan chức năng tiến hành khảo cổ để làm rõ giá trị lịch sử, niên đại của 2 chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh đã dần được xác định.
Trên thực tế 2 chiếc thuyền cổ này được một hộ dân ở khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh phát hiện từ cuối năm 2024 khi gia đình này tiến hành sửa sang lại chiếc ao trong khuôn viên nhà. Quá trình máy múc nạo vét bùn có chạm vào một vật thể lạ ở khu vực dưới đáy ao với chiều dài lên tới hàng chục mét. Do gia chủ vốn yêu thích và có ít nhiều kiến thức về cổ vật nên đã quyết định tạm dừng việc nạo vét ao và thông báo việc này với chính quyền địa phương.
Tuy nhiên phải đến cuối tháng 3-2025, thông tin về 2 chiếc thuyền này mới được lan truyền rộng rãi, sau khi Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xác định cần phải tiến hành công tác khai quật, khảo cổ khẩn cấp. Dựa trên đánh giá ban đầu từ các chuyên gia, có tới 2 chiếc thuyền tại khu vực này và cả hai đều là dạng thuyền lớn, có thiết kế độc đáo và giá trị về mặt khảo cổ học. Đáng chú ý, khu vực này nằm trên dòng sông Dâu - một nhánh của sông Đuống chảy sát bờ phía Tây của thành Luy Lâu xưa.
Mặc dù bị vùi sâu dưới lớp nước, bùn, đất lâu năm song hiện trạng hình dáng cả 2 chiếc thuyền vẫn gần như được lưu giữ nguyên vẹn. Cả hai đều có kích cỡ tương đối lớn: mỗi thuyền có chiều dài lên tới 16m, chiều ngang khoảng 2m, được chia thành 6 khoang. Đặc biệt, cả hai thuyền được liên kết với nhau rất kiên cố bằng một thanh gỗ giằng cố định ở trên mũi thuyền. Trong lịch sử phát lộ các di vật khảo cổ trong nước thì đây là hai chiếc thuyền có kích cỡ thuộc vào hàng lớn nhất. Trên mỗi khoang thuyền vẫn còn một số vật liệu lắng xuống và bám chặt vào cạnh, đáy thuyền. Phía Viện Khảo cổ học cho biết, kích cỡ lớn và kết cấu độc đáo chính là điều đặc biệt của 2 chiếc thuyền này, khác với những thuyền buôn nhỏ, nông, có kết cấu độc mộc thông thường.

Mới đây, phía Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh đã có thông tin ban đầu về 2 chiếc thuyền cổ trên. Cụ thể, qua công tác khai quật và khảo cổ, các chuyên gia xác định, "dấu tích thuyền" gồm 2 khối nguyên vẹn, cách nhau 2,3m và được đấu nối bằng tấm gỗ ở phần đầu.
Trong đó, tổng 2 khối dài trên 16m, rộng 1,95 - 2,2m và có lòng sâu nhất chừng 2,15m. Phần đầu thuyền có một tấm ván hình chữ T dài gần 6,5m dùng để khóa chặt hai thân thuyền, còn phần đuôi có các cấu trúc được cho là nơi gắn bánh lái. Phần thân thuyền được ghép từ 7-8 lớp ván, mỗi tấm rộng 22-34cm, dày trung bình 4,5cm. Hai thân thuyền cấu trúc tương tự, chia thành 6 khoang.
Các nhà nghiên cứu xác định đáy thuyền có kết cấu độc mộc được chế tác từ thân cây nguyên khối, đường kính rộng nhất gần 1m. Do vậy cây gỗ phải có đường kính trên 1m mới có thể dùng để chế tạo.
"Dấu tích thuyền gồm 2 khối nằm nguyên vẹn, thuộc phạm vi lòng sông Dâu có hướng vuông góc với dòng chảy của sông (thuyền nằm theo hướng Đông-Tây, dòng chảy sông Dâu theo hướng Bắc-Nam) và lệch về phía Tây so với dấu tích của sông Dâu còn nhận diện được trên hiện trạng hiện nay. Hai khối kết cấu này có quy mô tương tự, nằm cách nhau 2,3m (vị trí gần nhất, chính giữa)." - báo cáo từ Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh nêu rõ
Sau hơn 1 tháng tiến hành công tác khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích để có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật chế tạo của thuyền. Đặc biệt, kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền. Đó là vị trí nối giữa phần đáy độc mộc và ván bửng được khóa chặt với nhau, cố định bằng 4 trụ gỗ có kích thước tương tự nhau 5cmx5cm. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thấy được trong kỹ thuật đóng tàu thuyền cổ ở Việt Nam và thế giới.
Trước đó khi chia sẻ về kết cấu và vật liệu đóng thuyền, TS Phạm Văn Triệu cho biết, liên kết giữa 2 lòng thuyền được đánh giá là cực kỳ chắc chắn, kiên cố bằng kỹ thuật ghép mộng trình độ kỹ thuật cao. Đáng nói, toàn bộ đinh đóng thuyền đều bằng gỗ, không có bất cứ chỗ đinh nào bằng kim loại.
Trong quá trình khảo vừa qua, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cũng đã mời các chuyên gia đến khảo cứu về di vật và nhóm chuyên gia đồng nhất quan điểm đôi thuyền cổ này nhiều khả năng có niên đại từ thế kỷ 11-14, tương ứng với thời Lý, Trần trên cơ sở phân tích phần đáy thuyền có kết cấu độc mộc, kỹ thuật mộng ghép thể hiện sự tiếp nối văn hóa từ thời Đông Sơn. Mặc dù vậy kết quả chính xác về "tuổi đời" của thuyền cổ còn phải chờ kết quả phân tích đồng vị Carbon.
Trên cơ sở thực trạng xuất lộ di tích, hiện trường khai quật và kiến nghị của Viện Khảo cổ học, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thực hiện phương án giữ nguyên trạng tại chỗ di tích thuyền cổ tại hiện trường, đây là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.