Gene 'lạ' giúp hải nữ Jeju lặn sâu 10 m đến 80 tuổi

Một nghiên cứu mới công bố tiết lộ bí mật giúp các hải nữ (haenyeo) tại đảo Jeju, Hàn Quốc duy trì khả năng lặn biển đến 80 tuổi trong điều kiện khắc nghiệt.

 Người mẹ hải nữ trong bộ phim nổi tiếng "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt". Ảnh: Netflix.

Người mẹ hải nữ trong bộ phim nổi tiếng "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt". Ảnh: Netflix.

Từ tuổi thiếu niên, các hải nữ ở đảo Jeju – hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc – đã bắt đầu cuộc sống mưu sinh bằng nghề lặn biển.

Không sử dụng bình dưỡng khí hay thiết bị hỗ trợ, họ lặn sâu tới 10 m để bắt bào ngư, nhím biển, bạch tuộc... suốt nhiều giờ mỗi ngày, khoảng 90 ngày mỗi năm. Họ tiếp tục công việc ngay cả khi đang mang thai và có thể lặn đến khi ngoài 80 tuổi.

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học Utah (Mỹ) phát hiện hải nữ mang những đặc điểm di truyền khác biệt so với người dân Hàn Quốc sống trên đất liền. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Reports vào ngày 2/5.

"Điều đáng kinh ngạc không chỉ là việc họ vẫn lặn ở tuổi cao, mà còn là cách họ thực hiện – cực kỳ mạnh mẽ và bền bỉ", nhà di truyền học Melissa Ilardo, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với Live Science.

Kỹ năng lặn dưới biển không cần bình dưỡng khí là truyền thống lâu đời của cộng đồng hải nữ. Ảnh: Peter Ash Lee/CNN.

Kỹ năng lặn dưới biển không cần bình dưỡng khí là truyền thống lâu đời của cộng đồng hải nữ. Ảnh: Peter Ash Lee/CNN.

Khác với các nhóm thợ lặn ở vùng nhiệt đới như người Bajau tại Indonesia mà Ilardo từng nghiên cứu – nơi nước biển ấm áp khoảng 26°C – vùng biển quanh Jeju vào mùa đông có thể xuống dưới 12,8 độ C, đủ lạnh để gây hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, các hải nữ vẫn đều đặn lặn mỗi ngày bất chấp thời tiết.

Để tìm hiểu bí mật sức bền này, nhóm nghiên cứu đã so sánh gene của 30 hải nữ với 30 phụ nữ không theo nghề lặn ở Jeju và 31 phụ nữ từ đất liền Hàn Quốc.

Kết quả cho thấy người dân Jeju, dù có lặn hay không, đều mang bộ gene khác biệt đáng kể so với người Hàn Quốc sống trên đất liền – có thể do đặc điểm di truyền cục bộ của cư dân đảo.

Một biến thể gene nổi bật mà nhóm phát hiện liên quan đến protein sarcoglycan zeta, tác động đến khả năng cảm nhận lạnh. Biến thể này xuất hiện nhiều hơn ở người Jeju và có thể giải thích khả năng chịu lạnh vượt trội của các hải nữ.

Ngoài ra, khoảng 1/3 phụ nữ ở Jeju sở hữu một biến thể gene tạo ra protein liên quan điều hòa phản ứng viêm của mạch máu. Trong khi đó, chỉ 7% phụ nữ đất liền có biến thể này.

Biến thể này có thể giúp hạ huyết áp tâm trương (áp lực giữa hai nhịp tim) – yếu tố quan trọng khi cơ thể chịu áp lực khi lặn, giúp bảo vệ các hải nữ khỏi chứng tăng huyết áp do lặn – vốn đặc biệt nguy hiểm trong thai kỳ. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn cần thêm nghiên cứu để xác thực.

Dù vậy, không phải mọi khác biệt giữa nhóm thợ lặn và người không lặn đều đến từ gene. Nhà di truyền học Melissa Ilardo cho biết, khả năng giảm nhịp tim khi lặn – có trường hợp giảm hơn 40 nhịp chỉ trong 15 giây – có thể là kết quả của quá trình rèn luyện lâu dài, không phải do di truyền.

Chuyên gia nhân học Cara Ocobock từ Đại học Notre Dame (Mỹ) cho rằng cơ thể con người có thể thích nghi với điều kiện khắc nghiệt theo 2 cách: tiến hóa di truyền qua nhiều thế hệ hoặc thích nghi sinh lý trong đời sống cá nhân.

"Ngay cả trong một nhóm đã có truyền thống lặn qua nhiều thế hệ, vẫn có sự khác biệt cá nhân về mức độ thích nghi", Ocobock nhận định.

Theo bà, việc hiểu được cách các nhóm người thích nghi với môi trường cực đoan có thể giúp con người chuẩn bị tốt hơn trước những thách thức mà biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai.

Châu Sa

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gene-la-giup-hai-nu-jeju-lan-sau-10-m-den-80-tuoi-post1550825.html
Zalo