Niêm yết giá - khỏi lo chặt chém
Tết đến là dịp vui nhưng cũng khiến nhiều người 'hết hồn' khi nhìn vào hóa đơn ăn uống. Vẫn là những bữa ăn chúng ta thường thấy, thường ăn nhưng giá cả thì lại tăng theo cấp số nhân.
Chặt chém: Nỗi ám ảnh ngày lễ
Dịp Tết vừa qua, báo chí thông tin tình trạng hàng quán tăng giá cao diễn ra nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận. Với các công cụ và mạng xã hội hiện nay, tất cả các hành vi buôn bán không lương thiện đều bị phơi bày, vì vậy các chủ quán phải lấy những trường hợp bị nêu tên, xử phạt để làm gương.
Anh Nguyễn Việt Hưng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Ngày lễ, Tết, các hàng quán thường muốn tăng cao doanh thu nhưng điều này cũng sẽ gây cảm giác khó chịu với khách hàng, nhất là những khách quen. Nếu như món ăn bị tăng giá gấp 10, 20 lần thì thực sự rất khó chịu".
Lo lắng sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút du khách, các địa phương có hàng quán bị "bêu" tên đều nhanh chóng vào cuộc xác minh để xử lý, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, xử lý sau khi có vi phạm không phải là cách tốt, mà phải thực hiện các biện pháp quản lý ngay từ đầu. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, bắt buộc hàng quán phải niêm yết giá, xử lý những trường hợp vi phạm, đó là ngăn chặn nạn "chặt chém" ngay từ đầu.
Niêm yết giá - khỏi lo chặt chém
Tại phố ẩm thực đêm Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) - nơi các quán ăn, cửa hàng dịch vụ và cà phê mở cửa 24/7, kể cả trong những ngày lễ Tết, luôn sẵn sàng phục vụ người dân Thủ đô và du khách từ khắp nơi.
Với du khách quốc tế, niêm yết giá là yếu tố quan trọng giúp họ cảm thấy thoải mái và yên tâm khi tận hưởng các dịch vụ tại đây. Đối với họ, việc "chặt chém" hay thổi giá không chỉ làm giảm niềm tin mà còn khiến họ quyết định không quay lại, đánh mất cơ hội giữ chân những khách hàng tiềm năng như họ.
Chị Laura Hildebrandt, du khách người Đức chia sẻ: "Đây là ngày thứ hai chúng tôi ở Hà Nội. Tôi nghĩ mọi thứ ở đây ổn vì chúng tôi có thể xem giá. Tôi nghĩ rằng việc tăng giá cao với khách du lịch nước ngoài sẽ khiến chúng tôi không thoải mái tại Việt Nam".
Anh Đào Xuân Trường, quản lý một nhà hàng tại phố Tống Duy Tân chia sẻ rằng, trong dịp Tết, từ ngày 28 Tết đến mùng 6 Tết, quán sẽ điều chỉnh giá thực đơn với mức tăng nhẹ từ 10%, dao động từ 5.000 đến 30.000 đồng tùy món. Việc điều chỉnh này nhằm bù đắp chi phí nhập hàng và trả lương cho đội ngũ nhân viên phục vụ khách hàng trong dịp lễ.
Anh Trường cho biết: "Vì hàng hóa nhập trong Tết đều tăng cao và những nhân viên đi làm vào những ngày này đều phải trả lương gấp 3 lần cho họ nên chúng tôi phải tăng giá. Giá cả đều được niêm yết trong menu để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn".
Để phát triển kinh tế đêm và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố hấp dẫn về văn hóa, ẩm thực và du lịch, việc niêm yết giá công khai đã và đang được triển khai đồng bộ tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các trung tâm lớn của Thủ đô Hà Nội. Điều này không chỉ giúp tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch mà còn góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách và người dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch và dịch vụ.
Niêm yết giá giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua hàng
Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), hầu hết các quầy hàng, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng cho đến thực phẩm, rau củ… đều không có bảng niêm yết giá. Theo lời các tiểu thương, lý do chủ yếu là vì số lượng mặt hàng quá lớn và kiểu kinh doanh truyền thống tại các chợ không giống như siêu thị, nơi giá cả đã được niêm yết sẵn. Một số người bán hàng thừa nhận rằng, việc niêm yết giá là điều khá phức tạp, bởi mỗi tiểu thương thường bán nhiều loại sản phẩm, giá cả hàng hóa thay đổi thường xuyên và thói quen mua bán truyền thống của người dân chỉ dựa vào giao dịch bằng miệng.
Việc niêm yết giá giúp người mua dễ dàng cân nhắc và quyết định trước khi mua, tránh được tình trạng bị "thổi giá" hay "chặt chém". Không ai muốn phải trả giá một món hàng với mỗi người một mức giá khác nhau hay phải kì kèo, tranh cãi về giá cả, điều này không chỉ làm mất thời gian mà còn dễ dẫn đến những tình huống thiếu văn hóa.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết: "Hiện nay các doanh nghiệp rất chủ động. Chính vì thế nguồn hàng và mặt hàng không thiếu. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh các mặt hàng người dân quan tâm tiêu dùng. Chúng tôi đã làm việc với 25 doanh nghiệp và yêu cầu ký cam kết tất cả hàng hóa trong dịp trước - sau - trong Tết bình ổn, không được tăng giá. Các doanh nghiệp cũng đã đồng hành với Sở Công Thương để phục vụ người dân tốt nhất".
Niêm yết giá là một bước đi quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ổn định thị trường. Nó không chỉ là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng quản lý thị trường thực thi chức năng giám sát giá cả, mà còn giúp ngăn chặn tình trạng bán phá giá hoặc tăng giá vượt mức thị trường. Bởi vậy, cả người tiêu dùng lẫn người bán hàng cần thay đổi thói quen trong việc kinh doanh và mua sắm, để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong giao dịch.