Niềm vui mới trên mảnh đất An Cư
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, người dân xã An Cư có nhiều kỳ vọng về quá trình đổi mới của quê hương. Về An Cư những ngày này sẽ thấy không khí phấn khởi trên những tuyến đường trải nhựa phẳng phiu, những cánh đồng chuẩn bị thu hoạch.

Công trình thủy lợi vùng cao giúp người dân trồng lúa quanh năm.
Cuộc sống đổi thay
Thư thả thăm ruộng trở về trong buổi sớm mai, ông Chau Thi, người dân xã An Cư tỏ vẻ hài lòng và tin tưởng sẽ có vụ mùa bội thu bởi cây lúa đang oằn bông chờ gặt. Hiện giá lúa dao động từ 6.300 - 6.500 đồng/kg nên ông đang trông ngóng mùa thu hoạch từng ngày. Theo ông nhờ sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương nhiều năm qua, đời sống đồng bào Khmer nơi đây tốt hơn trước.
“Trước kia, người dân ở đây chỉ trồng lúa mùa trên mỗi năm một vụ. Từ ngày có trạm bơm 3/2, nhiều người trồng 2 vụ, 3 vụ mỗi năm nên đời sống đỡ hơn nhiều lắm. Đồng bào Khmer rất biết ơn Nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi cải thiện đời sống”, ông Chau Thi nói.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, những tuyến đường nhựa mới khang trang đi qua phum, sóc. Đôi bò nghĩa tình được trao cho hộ nghèo làm kế sinh nhai. Những ngôi nhà đại đoàn kết ấm cúng được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đồng bào Khmer thực sự được an cư trên vùng đất An Cư.
“Nhà nước tạo điều kiện để đồng bào Khmer có nước trồng lúa quanh năm, dạy nghề cho phụ nữ để có thêm nguồn thu chăm lo cho gia đình. Mấy cháu thanh niên được hỗ trợ, giới thiệu làm công nhân trong, ngoài tỉnh, nên đời sống ổn định lắm. Nhiều gia đình nhờ “đi công ty” mà xây được nhà mới, sắm sửa đủ thứ tiện nghi”, bà Neàng Riêu, ngụ ấp Bà Đen, xã An Cư tâm sự.
Trong câu chuyện của người phụ nữ Khmer ấy, chúng tôi thấy được sự hân hoan, phấn khởi với cuộc sống hôm nay. Về An Cư những dịp Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta sẽ thấy không khí đổi mới trên phum, sóc. Bà Neàng Riêu khẳng định, nhờ đời sống kinh tế khá lên giúp những dịp lễ, tết của đồng bào Khmer ngày càng vui tươi hơn. Những ngôi chùa được xây mới với kiến trúc đẹp mắt phản ánh rõ sự vươn lên của đồng bào Khmer cả về vật chất lẫn tinh thần.
Phát huy tiềm năng
Hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo trước đây, xã An Cư hiện tại tận dụng điều kiện sẵn có, khắc phục khó khăn để phấn đấu vươn lên. Về hạ tầng giao thông, xã có các tuyến đường quan trọng đi qua như đường tỉnh 948, đường tỉnh 949, hương lộ 11… tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi những công trình này được thi công hoàn chỉnh giúp người dân đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã An Cư Nguyễn Thanh Tuyền thông tin, với sự phát triển về dịch vụ, du lịch hiện nay cũng tạo sức bật cho kinh tế - xã hội địa phương. “Phòng sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân xã vận động người dân phát triển các hình thức mua bán nhỏ, kinh doanh đặc sản vùng Bảy Núi dọc theo các tuyến giao thông chính để phục vụ du khách. An Cư không có đất đai màu mỡ, nhưng sở hữu phong cảnh hữu tình nên có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái đặc thù. Thực tế, du khách rất thích loại hình du lịch sinh thái nên người dân địa phương có thể tận dụng ưu thế này”, ông Nguyễn Thanh Tuyền phân tích.
Ngoài ra, ông Tuyền đề xuất ý tưởng phát triển các điểm du lịch văn hóa, kết hợp với biểu diễn nghệ thuật truyền thống cùng hoạt động ẩm thực đặc trưng của đồng bào Khmer. Nếu tiềm năng này được quan tâm phát triển giúp nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào Khmer tại địa phương. Về hoạt động sản xuất nông nghiệp, địa phương tiếp tục khai thác các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất của người dân. Khi cụm công trình thủy lợi vùng cao Bảy Núi hoàn thành giúp người dân xã An Cư có thêm điều kiện sản xuất trong mùa khô, góp phần giải tỏa “cơn khát” cho vùng đất từng được gọi là “sa mạc trắng” ngày nào.
Thời gian tới, UBND xã An Cư tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo hộ nghèo, tiếp tục thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát… nhằm tạo động lực để người dân cùng góp bàn tay xây dựng quê hương An Cư ngày càng đổi mới.