Khám phá kênh Nhà Lê hơn nghìn năm tuổi ở Nghệ An
Kênh Nhà Lê được đào từ thế kỷ X, trở thành tuyến đường thủy dài gần 500km kết nối các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Kênh Nhà Lê được vua Lê Đại Hành cho đào từ năm 983, qua nhiều triều đại tạo thành một tuyến đường thủy dài gần 500km, kết nối Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. (Ảnh: Phạm Tâm).

Đoạn kênh Nhà Lê tại Nghệ An dài hơn 130km. Mỗi đoạn kênh lại được đặt những tên riêng như: Kênh Mơ, kênh Dâu, kênh Mỹ Giang, kênh Sắt, sông Vinh…

Trong quá trình đào kênh Nhà Lê, đoạn kênh Sắt (Nghệ An) là kỳ công, gian nan, vất vả nhất. Các thế hệ ông cha phải mất đến hơn 800 năm, đoạn kênh này mới được khơi thông.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kênh Nhà Lê được ví như "đường mòn Hồ Chí Minh" trên sông, trở thành một trong những tuyến đường vận chuyển lương thực, vũ khí vào miền Nam.

Từ năm 1965-1968, không quân Mỹ ném hơn 700.000 tấn bom vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, cơ sở kinh tế và khu dân cư.

Năm 1996, ngành giao thông vận tải cho xây dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê tại xã Hải Lộc (Nghệ An), nằm sát Quốc lộ 1A.

Hai bức phù điêu tại đài tưởng niệm thể hiện cảnh dân phu đang nạo vét kênh (ảnh trên) và cảnh các chiến sĩ chèo thuyền vận chuyển hàng hóa dưới "mưa bom, bão đạn" của quân thù (ảnh dưới).

Ngày nay, kênh Nhà Lê chuyển mình, trở thành huyết mạch dân sinh, tưới tiêu cho đồng ruộng và là nền tảng cho sự phát triển của các làng mạc, đô thị sầm uất.

Sông Vinh còn có tên gọi là sông Cồn Mộc, sông Cửa Tiền vì sông chảy qua trước mặt Cửa Tiền thành cổ Nghệ An, đồng thời cũng là nguồn nước cung cấp cho hệ thống kênh hào bảo vệ quanh thành.

Đến xã Hưng Nguyên, kênh Nhà Lê đổ nước ra sông Lam ở ngã ba Yên Lạc. Đây là nơi tọa lạc đền Ông Hoàng Mười linh thiêng - một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ Mẫu tứ phủ ở Việt Nam.

Năm 2016, kênh Nhà Lê đoạn qua Nghệ An được Bộ VH,TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.