Đình Thượng Chương Xá - Nơi lưu giữ giá trị văn hóa tâm linh vùng đất Tổ

Đình Thượng nằm tại xã Chương Xá, nay là xã Hùng Việt, tỉnh Phú Thọ - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Đây là ngôi đình cổ kính, thờ hai vị thành hoàng làng thời Hùng Vương là Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Đại Vương - những vị thần gắn liền với tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Đình tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, quay mặt về hướng Đông. Đây là một trong những công trình nằm trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa của xã Chương Xá, gồm: đình Hội Đồng, chùa Kim Bảo, đền Gò Thờ. Đặc biệt, khu vực đền Gò Thờ còn có quần thể 86 cây lộc vừng cổ thụ, được ước tính đã tồn tại hàng nghìn năm. Những thân cây cao lớn, rễ đan xen tạo thành một vòng kết giới tự nhiên, bao bọc ngôi đền thiêng nơi có ngôi mộ cổ công chúa Tiên Dung - con gái vua Hùng.

Toàn cảnh Đình Thượng Chương Xá - di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xã Hùng Việt

Toàn cảnh Đình Thượng Chương Xá - di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xã Hùng Việt

Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại, trước kia đình có quy mô kiến trúc bề thế, theo kết cấu kiểu chữ Công. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đình bị xuống cấp và đã được trùng tu, sửa chữa qua nhiều lần (năm 1914, năm 1997). Cho đến nay, sau nhiều lần trùng tu, đình Thượng có cấu trúc hình chữ Đinh (chuôi vồ), gồm tiền tế và hậu cung.

Gian tiền tế gồm 3 gian với 3 khuông cửa cuốn vòm để trống; bộ vì kiểu quá giang gối tường, tường xây đón mái, hàng hiên xây cột vuông. Tiền tế để trống, không bài trí ban thờ và được dùng làm nơi hội họp của dân làng. Hậu cung có 2 gian thờ dọc; thượng cung chiếm trọn phần giữa gian trong cùng, không tạo khám, là nơi bài trí các đồ thờ tự.

Một góc mái đình tám mái Đình Thượng Chương Xá - nét kiến trúc truyền thống độc đáo của đình làng Việt

Một góc mái đình tám mái Đình Thượng Chương Xá - nét kiến trúc truyền thống độc đáo của đình làng Việt

Đình Thượng Chương Xá còn lưu giữ một số đồ thờ tự cổ như: kiệu bát cống, ngai thờ, bát hương gỗ, sập thờ… Đặc biệt, hiện vẫn còn lưu giữ 4 đạo sắc phong có niên đại từ triều Nguyễn (2 đạo thời vua Thiệu Trị, 2 đạo thời vua Tự Đức). Đình Thượng Chương Xá được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 1999.

Gian thượng cung Đình Thượng Chương Xá - nơi đặt bài vị và đồ thờ tự các vị thành hoàng làng

Gian thượng cung Đình Thượng Chương Xá - nơi đặt bài vị và đồ thờ tự các vị thành hoàng làng

Hằng năm, nhằm tưởng nhớ công đức của các vị thần, người dân trong làng tổ chức lễ hội đình Thượng vào ngày mùng 3 và mùng 4 Tết. Phần lễ bao gồm các nghi thức tế thần trang nghiêm, trong đó nổi bật là phong tục mổ lợn đen - một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh cổ truyền.

Lợn tế thần được chọn nuôi từ đầu năm bởi một hộ dân trong làng, phải là giống lợn đen tuyền từ đầu đến móng chân, được chăm sóc bằng rau, cám hoặc thả vườn tự nhiên; tuyệt đối không sử dụng thức ăn tăng trọng. Sau một năm nuôi, lợn thường chỉ đạt trọng lượng khoảng 40 đến 50 cân. Lợn được mổ vào ngày mùng 3 Tết và tế thần vào sáng mùng 4.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: đấu vật, chọi gà, kéo co, đánh tổ tôm, cùng các tiết mục giao lưu văn nghệ, đặc biệt là hát Xoan - loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Lễ hội đình Thượng nói chung và phong tục mổ lợn đen tế thần nói riêng không chỉ thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là một nét đẹp độc đáo trong đời sống tinh thần của người dân Chương Xá, đồng thời làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

Trà Bình

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-thuong-chuong-xa-noi-luu-giu-gia-tri-van-hoa-tam-linh-vung-dat-to-a29494.html
Zalo