Niềm vui bên bãi bờ

Từng đoàn thanh niên đi dọc phía bãi bờ, ngó sóng vỗ, mỗi người chọn một vị trí, canh thời điểm buông câu.

Câu cá vạt là thú vui của nhiều thanh niên miệt biển

Câu cá vạt là thú vui của nhiều thanh niên miệt biển

1. Trời nắng như đổ lửa, Vũ bận bộ áo quần mùa đông, che kín mặt, ngồi bên mép sóng, canh cá đớp mồi. Để câu cá ven bờ, Vũ đầu tư hẳn bộ cần câu 1 triệu đồng. Trừ những ngày mưa, Vũ thường dành thời gian vào cuối tuần để buông câu như là thú vui. Trên dải dây câu chừng 5m, Vũ buộc 10 lưỡi câu. Cứ khoảng 10 - 15 phút thả câu, anh lại thu dây. Hôm ấy, dù rất nỗ lực, nhưng thành quả của anh chỉ khoảng 10 con cá ong to bằng 2 ngón tay người lớn…

Vốn là con nhà ngư, nhưng Lê Văn Vũ (thôn 10, Điền Hòa, Phong Điền) không theo nghiệp biển. Anh lang bạt khắp các tỉnh, thành phía nam mưu sinh. Đến lúc “cạn nguồn”, Vũ trở về quê kiếm kế sinh nhai tại một công ty ở Khu Công nghiệp Phong Điền. Với Vũ, câu cá vạt biển chỉ là thú vui lúc nhàn rỗi.

Trong hội câu cá vạt biển với Vũ, Hồ Lưỡng là người nổi tiếng hơn cả. Nổi tiếng bởi Lưỡng là tay câu cự phách, buông câu phát nào, cá cắn câu phát đó. Từ là thú vui tao nhã, nhiều thời điểm, thành quả của Lưỡng tạo ra thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Lưỡng vốn là ngư dân, chừng mười năm trước, anh theo cha vượt sóng vươn khơi. Nhưng khi con sóng dần bạc theo năm tháng, anh cũng giã từ luôn nghề của chính tổ tiên truyền lại. Bởi quá quen với con sóng, nên khi nhắc đến câu cá ven bờ, Lưỡng tỏ ra rành mạch.

 Thành quả sau đợt buông câu

Thành quả sau đợt buông câu

Lúc đầu đến với thú vui này, cần câu của anh cũng chỉ là đọt tre dài chừng 5 mét, một ít lưỡi câu, cước, chì kẹp và phao. “Câu cá vạt phải chịu khó, ngoài chịu đựng với thời tiết cần sự kiên nhẫn. Lúc đầu mới đi câu, ngồi cả ngày ở bờ biển chỉ được vài, ba con”, Lưỡng nói. Bây giờ, Lưỡng đã là tay câu chuyên nghiệp. Anh rõ từng con nước, từng mùa vụ. “Mùa biển êm câu con cá ngát, cá hanh, cá ong; mùa biển động câu con cá đối”, Lưỡng chia sẻ.

Theo Lưỡng, tùy theo mùa câu và kích cỡ các loại cá mà sử dụng lưỡi câu tóm dây câu phù hợp. Mùa câu cá nhỏ chỉ cần dùng lưỡi nhỏ, mùa biển động, sóng vỗ mạnh thì dùng loại lưỡi câu lớn hơn. Dẫu trời trao anh phận “sát ngư” nhưng với Lưỡng, câu cá chỉ thú vui, anh không xem là kế sinh nhai tạo nên thu nhập nuôi sống gia đình. Anh Lưỡng cho biết: “Giã từ nghề biển từ lâu, bây giờ tôi đã mở cửa hàng nhỏ kinh doanh, buôn bán. Lúc rảnh rỗi mới xuống biển câu cá để tìm niềm vui”.

Không chỉ Vũ, Lưỡng khắp các vùng ven biển bãi ngang vùng Ngũ Điền (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… không khó để tìm thấy những thanh niên đôi mươi kiếm niềm vui phía bãi bờ. Có người đầu tư cả chục triệu đồng cho bộ ngư cụ câu cá, dành thời gian hàng chục tiếng đồng hồ mỗi ngày để đi dọc theo bờ biển, chọn vị trí buông câu. Không chỉ câu cá, lúc màn đêm buông xuống, họ còn rủ nhau kéo cá ven bờ, tiếng í ới gọi nhau râm ran cả một vùng.

2. Mỗi lần đi về phía biển, dẫu không nói ra nhưng tôi có thể cảm nhận trên ánh mắt của những ngư dân lão luyện là lắm nỗi niềm. Dọc dài bờ biển các địa phương vùng bãi ngang, thuyền nan đã thưa dần theo năm tháng. Những chiếc thuyền còn lại, hoặc cũ kỹ nằm chỏng chơ ngó sóng hoặc bén nước chỉ khi vào mùa.

Những lão ngư mình trần, đầu đội nắng dường như đã lạc về miền ký ức. Lớp trẻ bây giờ mấy ai theo sóng biển? “Thôi thì đành chấp nhận, tụi nhỏ kiếm những công việc khác có thu nhập ổn định hơn để kiếm tiền lo cho gia đình thì cũng tốt chứ sao. Theo nghề biển bây giờ khó, quá khó”, ngư dân Lê Văn Hòa (thôn 10, Điền Hòa, Phong Điền) nói.

Người trẻ không mặn mà theo biển - thực trạng đã trở nên phổ biến tại các miệt biển. Nhưng nói người trẻ bỏ biển thì không đúng. Bởi đâu đó, họ thỉnh thoảng họ vẫn kéo rùng, kéo dạ vùng biển nông; câu cá nục, cá ong bằng dây lang màu xanh, tím, đỏ. Nhiều người bảo đó như thể là giữ nghề biển. Với tôi, dù không sai nhưng chưa hẳn đúng. Tôi chỉ gọi đó là nhịp sống giữa trùng khơi.

Những ngón nghề biển như đề cập ở trên hầu hết là những nghề cổ của ngư dân vùng lộng. Những nghề này đã từng mang lại cho ngư dân thu nhập cao. Ví như mỗi mùa rùng, mùa dạ, ở vùng biển bãi ngang, cảnh dân làng xôm tụ, chật kín bãi bờ; vợ chồng, con cái nối đuôi kéo rùng bắt cá duội, cá me. Bây giờ, người trẻ kéo rùng chỉ thỏa mãn đam mê với con nước. Hay từ thú vui câu cá vạt ven bờ, ngày trước ngư dân phát triển thành nghề bủa câu; họ tóm lưỡi câu thành hàng dài thả trên mặt nước, không khác gì bủa lưới. Với nhiều ngư dân, nghề bủa câu mang lại hiệu quả cao. “Mùa hè bủa câu cá dũa, cá cờ; mùa đông thì thả câu cá thu, cá ngừ to bằng bắp chân”, ông Hòa nói.

Rời biển khi cơn gió chiều thổi từng cơn, con sóng màu bàng bạc rì rào vỗ bờ. Cỡ chục thanh niên xuống biển với tấm lưới dài chừng 30m, họ kéo cá đêm để hy vọng thưởng thức được vị mặn của con sóng và cảm nhận những cơn gió biển thổi vào da để làm dịu mát cơn nóng ngày hè.

Ấy là một phần của nhịp sống mới giữa những bộn bề của nghề biển thời nay.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/niem-vui-ben-bai-bo-142478.html
Zalo