Niềm tin để người dân vùng thiên tai đứng dậy
Bão số 3 (Yagi) và các trận mưa lũ đang ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Bắc; đặc biệt là các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai… Trong những trận cuồng phong dữ dội đó, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta lại một lần bừng sáng. Đó là niềm tin, là ngọn lửa tình người ấm áp để người dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị ứng phó từ Trung ương đến các địa phương nhưng chỉ sau hơn một ngày đổ bộ, bão Yagi đã để lại những hậu quả nặng nề khiến nhiều người thương vong; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, cầu phà gãy đổ, các di tích văn hóa bị đổ, tốc mái, hư hại nặng nề…
Khi cơn cuồng nộ của thiên nhiên ập đến cũng là lúc con người nhận ra bản thân quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Và sau bão, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân đã được thể hiện rõ và cảm động nhất.
Người ta bắt gặp nhiều hình ảnh những chiếc ô tô nối dài che chắn gió dìu những chiếc xe máy qua cầu. Nhiều người vô gia cư, không nơi nương tựa, cô độc trong mưa gió bão được lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng chức năng, tổ dân phố đưa về tạm lánh tại đồn công an, nhà văn hóa khu phố, thôn, xóm, được cung cấp thức ăn, nước uống và chỗ trú ẩn an toàn...
Ngay tại tâm bão Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), một chủ khách sạn nhỏ đã đăng thông tin lên mạng xã hội kèm địa chỉ, số điện thoại để những người dân không có nhà ở kiên cố tìm được khách sạn của gia đình mình đến lưu trú. Vậy là đã có hơn 40 người của nhiều hộ dân tại đảo Cô Tô tới khách sạn của vị chủ khách sạn tốt bụng này trú ẩn, được lo ăn uống và chỗ nghỉ an toàn.
Tại Hà Nội, ngay trong đêm 6/9, đã có 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai (Hoàng Mai) được chính quyền di dời đến Trường tiểu học Tân Mai, cách đó 300m để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Giữa gió thổi, mưa tạt, những bát mì tôm nóng hổi, tấm chăn mỏng nặng nghĩa tình đã được trao tận tay người dân để không ai thiếu thốn. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các nhà tập thể cũ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của các khu Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã cũng đã được di dời nhằm bảo đảm an toàn. Người dân, ai cũng ấm lòng...
Rồi sáng 8/9, ngay sau bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại. Do đó phải khẩn trương triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún. không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh. Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp bị thiệt hại theo tinh thần: Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đang nỗ lực ở mức cao nhất trong khắc phục hậu quả của bão nhằm ổn định sản xuất, sớm trở lại cuộc sống bình thường…
Thiên tai bất định, biến đổi khó lường và dù có chủ động nắm bắt, phòng tránh cỡ nào thì cũng khó kéo giảm được sự tàn phá khốc liệt của nó. Không chỉ bão số 3 mà trong các đợt thiên tai, nhất là khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày một khốc liệt, tinh thần tương thân tương ái, đạo lý lá lành đùm lá rách của dân tộc lại càng sáng rõ. Những nghĩa cử cao đẹp khiến chúng ta ấm lòng. Đó là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin để người dân vùng thiên tai đứng dậy, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong gian nan, nghĩa đồng bào đã đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Như ngọn lửa sưởi ấm lòng người.