Tăng cường phòng, chống thiên tai trong các tháng cuối năm
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp, phương án ứng phó thiên tai, trực ban, theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ ứng phó với các sự cố thiên tai. Tuy nhiên, để chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh theo phương châm 'bốn tại chỗ' đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão các tháng cuối năm.
Triều cường ngày 18-10 đã gây ngập đường, sân vườn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một
Hỗ trợ kịp thời
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 trận thiên tai (18 trận mưa lớn, kèm dông lốc, 4 đợt triều cường, 1 đợt nắng nóng) làm chết 2 người do nước cuốn; 4 người bị thương nhẹ do cây đổ vào nhà; tốc mái, hư hỏng 48 căn nhà; ngập 5 phòng học, hư hỏng 7 nhà màng trồng dưa lưới, 3 chuồng trại chăn nuôi; thiệt hại 58,6 ha lúa, 31,85 ha hoa màu, gãy đổ 0,4 ha cây cao su đang khai thác; gãy đổ 4 trụ điện, 50 cây xanh; sập 4 cổng chào, pa nô, 151m tường rào và thiệt hại một số tài sản khác. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 2,639 tỷ đồng.
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp, phương án ứng phó thiên tai, trực ban, theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ ứng phó với các sự cố thiên tai; nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch, mương tiêu thoát nước, miệng thu nước, hố ga, hệ thống thoát nước đường; rào chắn miệng cống, hố móng công trình, chặt, cắt, tỉa cây xanh.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương kiểm tra rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương án ứng phó thiên tai; canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện qua lại, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực thường xuyên xảy ra ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; tuyệt đối không để bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, nhà nước.
Dông lốc ngày 3-11 làm đổ cây đè lên tường rào, công trình phụ của người dân trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đã kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân. Tính đến cuối tháng 10-2024, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 344 hộ dân sửa chữa nhà cửa, công trình phụ và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thăm hỏi, chia buồn với 2 gia đình có người bị chết, bị thương do thiên tai với tổng kinh phí 814,829 triệu đồng từ Quỹ “Phòng, chống thiên tai” tỉnh.
Không lơ là, chủ quan
Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ thiên tai làm hư hỏng, tốc mái 7 căn nhà và 1 chuồng gà; sập 71m tường rào; gãy đổ 3 cây xanh trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 216,5 triệu đồng.
Đỉnh triều cường cao lịch sử vào ngày 18-10 (1,8m tại trạm Thủ Dầu Một, cao hơn báo động III 0,2m) gây ngập 2.080m đường nội ô, đường bờ rạch thuộc TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An độ sâu ngập từ 0,05m đến 0,5m; bể 40m bờ rạch, tràn 2.397m bờ rạch, bờ bao, đê bao thuộc TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Bến Cát với chiều cao tràn từ 0,03m đến 0,15m gây ngập 0,7ha đất vườn, ảnh hưởng đến giao thông, cuộc sống của người dân.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời kỳ từ tháng 11-2024 đến tháng 1-2025, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%. Từ tháng 11-2024 đến tháng 1-2025, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông: 2,8 cơn, đổ bộ vào đất liền: 1,1 cơn).
Bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông. Mùa mưa có thể kết thúc muộn hơn bình thường, vào khoảng cuối tháng 11. Vùng hạ lưu sông Sài Gòn mực nước tại các trạm đang lên nhanh, mực nước cao nhất trong 3 tháng tới xuất hiện vào tuần giữa tháng 11,12 ở mức cao trên báo động III 10cm đến 16 cm. Mực nước diễn biến theo triều, mực nước đỉnh triều tại trạm Thủ Dầu Một sông Sài Gòn (gần cảng Bà Lụa) đạt mức 1,65-1,76m.
Đội xung kích phòng, chống thiên tai dọn dẹp cây xanh ngã đổ do dông lốc ngày 4-9 trên địa bàn huyện Phú Giáo
Nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, từ nửa cuối tháng 8 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai có thể xảy ra trong các tháng cuối năm.
Theo đó, các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn; tăng cường công tác cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân; chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp mưa, bão, lũ, dông lốc, xả lũ, triều cường, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, đặc biệt là phương án ứng phó với bão, xả lũ các hồ chứa và mưa lớn, dông lốc, sét đánh; phương án di dời, sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của người dân.
Song song đó, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, phòng, tránh đuối nước; hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến trên địa bàn như dông lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở bờ sông, hạn chế tâm lý chủ quan dẫn đến thiệt hại về người và tài sản; cảnh báo cho nhân dân, doanh nghiệp sinh sống, sản xuất ở các khu vực ven sông, suối đề cao cảnh giác với ngập lụt bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão; không để trẻ em chơi đùa, tự tắm ở ngoài trời mưa, trong các ao, hồ, sông, suối, cống dưới đê bao…
Nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, từ nửa cuối tháng 8 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai có thể xảy ra trong các tháng cuối năm.