Đôn Châu - Phát huy tiềm năng kinh tế từng tiểu vùng sinh thái

Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Đôn Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định: Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với XDNTM và chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện của xã là một trong 03 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đột phá xuyên suốt và cấp bách; cùng với sự đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng, giao thông, chính là điều kiện thuận lợi để Đôn Châu liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã.

Là xã thuần nông, có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 80,9% dân số, với 11.820 nhân khẩu được chia cắt bởi Tỉnh lộ 914 thành 02 tiểu vùng sinh thái. Hướng Nam có 04 ấp, gồm: Bà Nhì, La Bang Kinh, La Bang Chợ và La Bang Chùa thuộc tiểu vùng sinh thái nước lợ, sinh kế của Nhân dân chủ yếu là nuôi trồng thủy sản; hướng Bắc có 06 ấp, gồm: Tà Rom A, Tà Rom B, Sa Văng, Mồ Côi, Bào Môn và Ba Sát thuộc tiểu vùng sinh thái nước ngọt, sinh kế của Nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Đảng ủy xã Đôn Châu, Hà Ngọc Chí cho biết: với đặc điểm địa lý tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sản xuất chuyên canh lúa, màu, thủy sản nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích; nhiệm kỳ qua, cấp ủy và chính chính quyền địa phương tập trung quy hoạch và cơ cấu lại nền kinh tế nông - ngư nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững. Chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng tiểu vùng của xã để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Đến nay, các ấp thuộc tiểu vùng sinh thái nước ngọt đã chuyển đổi được 200ha đất trồng lúa thương phẩm sang trồng lúa chất lượng cao (trong đó có 53,8ha lúa đạt chuẩn VietGAP); chuyển 126ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu các loại; xây dựng 14 mô hình trồng màu an toàn trong nhà lưới, với diện tích 1,58ha, số tiền hỗ trợ 1,3 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng nâng lên 19.505ha, tổng sản lượng 133.084 tấn, đạt 98,8% so với nghị quyết, bình quân giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt trên 112,74 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Kim Tấn Hoàng, ấp Ba Sát trồng màu trong nhà lưới phấn khởi, chia sẻ: tôi được Nhà nước hỗ trợ 01 nhà lưới, trị giá 100 triệu đồng; tôi thấy trồng màu trong nhà lưới có hiệu quả hơn bên ngoài, khâu chăm sóc dễ dàng, không bị sâu bệnh. Nhờ chính sách của tỉnh hỗ trợ cho dân, tôi rất mừng.

Nông dân Kiên Bình, ấp Tà Rom A cho biết: trước đây trồng lúa 01 năm 03 vụ, lợi nhuận khoảng 4,5 triệu đồng; giờ chuyển sang trồng màu 01 vụ lợi nhuận 10 triệu, 01 năm trồng 5 vụ được 50 triệu đồng; được Nhà nước hỗ trợ nhà lưới, đỡ tốn tiền phân bón, thuốc trừ sâu, chịu được mưa, nắng hơn vì có lớp lưới bên trên và thu được rau sạch tốt hơn trồng ngoài nhà lưới.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của nông dân Kiên Bình, ấp Tà Rom A.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của nông dân Kiên Bình, ấp Tà Rom A.

Song song đó, các ấp thuộc tiểu vùng sinh thái nước lợ chuyển đổi nuôi thủy sản từ quảng canh cải tiến sang thâm canh và thâm canh mật độ cao được 12,8ha, trong đó có 16 hộ nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP, với diện tích 3,05 ha, số tiền hỗ trợ 1,9 tỷ đồng. Từ đó, từng bước đa dạng hóa hình thức và đối tượng con nuôi được đầu tư mở rộng, mang lại hiệu quả, như mô hình nuôi cua biển, tôm càng xanh, nuôi các loài nhuyễn thể trên bãi bồi ven sông. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.718ha, sản lượng đạt 8.587 tấn, đạt 137% nghị quyết. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 666 tỷ đồng, tăng giá trị sản xuất bình quân 16,69%/năm.

Công chức Nông nghiệp - Môi trường xã Đôn Châu, Trầm Tấn Phát cho biết, 05 năm qua, địa phương luôn quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, chuyển đổi sản xuất, hàng năm đều kết hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, về sản xuất nuôi tôm thâm canh với mật độ cao; sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, trồng màu trong nhà lưới khép kín, các biện pháp phòng, trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp nông dân sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân.

Để hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Đôn Châu luôn thực hiện tốt chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong 05 năm qua đã hỗ trợ đầu tư 03 hộ nuôi thủy sản, 04 mô hình trồng trọt, 07 mô hình chăn nuôi với kinh phí 2,859 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của Phòng Nông nghiệp và Môi trường và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh hỗ trợ 3,678 tỷ đồng cho các mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, mô hình nuôi tôm VietGAP chất lượng cao, lúa chất lượng cao, trang trại bò.

Bài, ảnh: CẨM NAM

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/don-chau-phat-huy-tiem-nang-kinh-te-tung-tieu-vung-sinh-thai-45225.html
Zalo