Những yếu tố định hình cục diện Trung Đông năm 2025

Trung Đông trở thành điểm nóng bậc nhất thế giới trong năm 2024, liệu những căng thẳng ở khu vực có hạ nhiệt và những yếu tố nào sẽ định hình cục diện Trung Đông năm 2025?

Trải qua năm 2024 đầy sóng gió với nhiều cuộc xung đột chưa có hồi kết giữa các bên, Trung Đông đang bước vào năm 2025 với rất nhiều bất định ở Syria, Iran, Dải Gaza,... Liệu những vấn đề nào sẽ định hình cục diện Trung Đông năm 2025?

 Những yếu tố định hình cục diện Trung Đông năm 2025. Ảnh: THE NEW ARAB

Những yếu tố định hình cục diện Trung Đông năm 2025. Ảnh: THE NEW ARAB

Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu Israel ở Syria?

Cuộc tấn công chớp nhoáng của lực lượng đối lập Syria do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào ngày 8-12-2024. Diễn biến này được xem là một “cơn địa chấn địa chính trị” lớn, dự kiến sẽ mang lại những thay đổi quan trọng cho Trung Đông.

Theo tờ The New Arab, hướng tới năm 2025, quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria sẽ là yếu tố cần được theo dõi sát sao trong bối cảnh nhiều lực lượng bên ngoài muốn can thiệp vào quá trình này.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang có những động thái để tranh thủ lợi ích và ảnh hưởng trong khi Syria bước vào quá trình chuyển giao quyền lực.

 Không quân Israel tại đỉnh núi Hermon (phía Syria) ngày 12-12-2024. Ảnh: LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ISRAEL

Không quân Israel tại đỉnh núi Hermon (phía Syria) ngày 12-12-2024. Ảnh: LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ISRAEL

“Thổ Nhĩ Kỳ đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng trên các khu vực trải dài từ Sừng châu Phi đến Levant (Cận Đông) và Afghanistan, củng cố vai trò như một thế lực đáng gờm trong khu vực. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, thông qua việc ủng hộ nhóm HTS, đã tăng vị thế của Ankara, thậm chí vượt qua cả Tehran” - theo bà Veena Ali-Khan, nhà nghiên cứu tại viện The Century Foundation (Mỹ).

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng Israel đang phải đối mặt nhiều bất định từ tương lai của Syria. Dưới góc nhìn của Tel Aviv, dường như không có thực thể nào quản lý Syria sẽ thân thiện với Israel.

Do đó, lãnh đạo Israel có vẻ quyết tâm duy trì Syria ở trạng thái yếu kém so với sức mạnh quân sự của Israel tại Levant hoặc Trung Đông nói chung. Điều này phần nào lý giải chiến lược của Israel trong việc không kích hàng trăm mục tiêu khắp Syria sau ngày 8-12-2024, đồng thời mở rộng chiếm giữ các vùng lãnh thổ Syria ngoài phần đất mà Israel đã chiếm đóng từ năm 1967.

“Israel sẽ cố gắng củng cố sự hiện diện tại miền nam Syria và lo ngại sự trỗi dậy của một chính quyền Hồi giáo dòng Sunni bảo thủ ở Damascus” - nhà báo người Jordan, ông Osama al-Sharif, nói với The New Arab.

Với những xung đột lợi ích giữa Ankara và Tel Aviv tại Syria, Dải Gaza, cùng các vấn đề khác, năm 2025 có thể chứng kiến căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Israel leo thang. Dù Israel hài lòng khi thấy “Trục kháng chiến” của Iran chịu thất bại nghiêm trọng sau khi liên minh do HTS dẫn đầu kiểm soát Damascus và phần lớn Syria, nhưng Tel Aviv có thể lo lắng về vai trò của Ankara tại Syria.

Năm nay, chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể phải dành nhiều nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn sự cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ-Israel tại Syria leo thang. Rõ ràng Washington không muốn chứng kiến kịch bản đối đầu giữa một đồng minh NATO và Tel Aviv vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, với phong cách của ông Trump, rất khó dự đoán cách chính quyền Mỹ sẽ ứng phó các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Ankara có khả năng thuyết phục được đội ngũ của ông Trump rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thế lực có ảnh hưởng lớn tại Levant, và bất kỳ chính sách đối ngoại thành công nào của Mỹ tại Syria đều cần có sự hợp tác với Ankara, cũng như cân nhắc lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh hiện nay, cách mà chính quyền sắp tới của ông Trump cân bằng hỗ trợ của Mỹ dành cho lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo trong khi vẫn giữ cam kết duy trì liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ là điều đáng chú ý, theo bà Caroline Rose, Giám đốc tại Viện Chính sách và Chiến lược New Lines (Mỹ).

Xung đột Iran-Israel

Năm qua, “cuộc chiến trong bóng tối” giữa Iran và Israel đã nhường chỗ cho những đối đầu trực tiếp, đẩy Trung Đông vào tình trạng bất ổn và nguy hiểm chưa từng thấy. Hướng đến năm 2025, một trong những yếu tố đáng lo ngại nhất ở khu vực sẽ là khả năng leo thang hơn nữa trong xung đột giữa Tehran và Tel Aviv.

“Nguy cơ xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa Israel và Iran chưa bao giờ gần đến thế. Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Israel có thể cảm thấy được khích lệ để vượt qua những lằn ranh đỏ lâu đời, bao gồm việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran” - theo chuyên gia Ali-Khan.

“Một sự leo thang như vậy không chỉ phá hủy hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran mà còn có thể kéo Washington vào cuộc xung đột của Israel với Tehran, tạo tiền đề cho một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn và khó kiểm soát hơn” - nữ chuyên gia nói thêm.

Khi các diễn biến xung đột vẫn còn gay gắt, việc theo dõi các bước đi của Iran sẽ là điều then chốt.

Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ thúc đẩy một chiến lược “áp lực tối đa” lên Iran, dù không bao gồm sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ.

Một chiến lược như vậy sẽ gần như chắc chắn nâng cao sự tự tin của Israel trong việc tiếp tục đối phó với “Trục kháng chiến” của Iran sau các chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, Lebanon, và Syria trong năm 2023 và 2024.

“Với việc Israel coi các chiến dịch ở Lebanon và Syria là thành công, nước này có thể chuyển trọng tâm sang Iraq và Yemen, tăng cường các hoạt động ở những đấu trường cuối cùng của 'Trục kháng chiến'. Điều này có thể giống chiến lược tại Lebanon - các cuộc không kích chính xác, các vụ ám sát và nỗ lực làm tê liệt các cấu trúc lãnh đạo [của Hezbollah]” - bà Ali-Khan nêu quan điểm.

Ông Erwin van Veen - nhà nghiên cứu tại trung tâm Nghiên cứu Xung đột Clingendael (Hà Lan) - có đánh giá tương tự. “Hiện tại, Israel dường như đang say sưa với những thành công quân sự của mình trước Hezbollah (Lebanon), Iran, và cơ sở hạ tầng quân sự của Syria. Rõ ràng Israel từ lâu mong muốn tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran” - theo ông van Veen.

“Điều đó có thể xảy ra sau lễ nhậm chức của ông Trump, nhằm buộc tân tổng thống phải đối mặt tình huống đã rồi. Iran chắc chắn sẽ đáp trả, và một cuộc xung đột cường độ cao trong khu vực có khả năng bùng phát” - chuyên gia này cảnh báo.

Dải Gaza và Bờ Tây

Năm 2025 có thể chứng kiến những diễn biến quan trọng tại các vùng lãnh thổ Palestine đang bị chiếm đóng với những tác động không chỉ đối với người Palestine mà còn đối với Ai Cập, Jordan và các quốc gia khác trong khu vực.

Gần 15 tháng trôi qua kể từ khi Israel phát động chiến dịch ở Gaza nhưng tương lai tại vùng đất này vẫn chưa rõ ràng. Dù ông Trump đã bày tỏ mong muốn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kết thúc chiến sự trước khi ông nhậm chức, nhưng không có gì đảm bảo rằng khả năng này sẽ xảy ra.

 Lực lượng an ninh Palestine canh gác tại trại tị nạn Jenin (Bờ Tây) vào tháng 12-2024. Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh Palestine canh gác tại trại tị nạn Jenin (Bờ Tây) vào tháng 12-2024. Ảnh: AFP

Một mối lo ngại khác là chính quyền ông Trump có thể ủng hộ việc chính phủ Israel sáp nhập Bờ Tây và Gaza, khiến người Palestine ở Bờ Tây phải sang Jordan và những người ở Gaza bị đẩy qua Ai Cập. Kịch bản này có thể gây ra bất ổn lớn tại hai quốc gia láng giềng.

“Chính sách ủng hộ Israel vô điều kiện có thể phản tác dụng, làm gia tăng căng thẳng và bất ổn” - TS Ali Bakir tại ĐH Qatar cảnh báo.

Yemen

Sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad tại Syria cho thấy nhóm Houthis (Yemen) sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với Iran.

Trong năm 2025, Israel có khả năng tăng cường các chiến dịch quân sự nhắm vào Houthis, tương tự cách Tel Aviv đã làm với Hezbollah (Lebanon), Hamas (Dải Gaza), và các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Israel và Houthis tại Yemen sẽ khác so với cuộc chiến với Hezbollah.

 Khói bốc lên sau một cuộc không kích vào thủ đô Sanaa (Yemen) ngày 31-12-2024. Ảnh: AFP

Khói bốc lên sau một cuộc không kích vào thủ đô Sanaa (Yemen) ngày 31-12-2024. Ảnh: AFP

Vì diện tích của Yemen lớn gấp 44 lần Lebanon và vị trí địa lý xa Israel hơn nhiều, Houthis có những lợi thế đáng kể. Ngoài ra, Houthis đã nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân Yemen nhờ các cuộc tấn công ở Biển Đỏ dưới danh nghĩa ủng hộ người Palestine tại Gaza.

Trong năm 2025, Houthis được cho là sẽ tiếp tục là đồng minh thân cận của Iran, nhưng nhóm này cũng sẽ tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.

“Biển Đỏ đang nhanh chóng trở thành một điểm nóng quan trọng trong cuộc đấu tranh quyền lực toàn cầu, phát triển thành một chiến trường chính có ảnh hưởng. Một cuộc đối đầu giữa một bên là liên minh Mỹ, Israel, có thể được sự hỗ trợ từ một số đồng minh vùng Vịnh, và một bên là Houthis, Iran và Nga, ngày càng có khả năng xảy ra” - bà Ali-Khan nói.

Cần theo dõi những quyết định của Iran trong năm 2025

Năm 2025, Trung Đông sẽ tiếp tục là một khu vực sôi động của thế giới. Khi các diễn biến xung đột vẫn còn gay gắt, việc theo dõi các bước đi của Iran sẽ là điều then chốt.

Theo giới phân tích, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan cần tập trung vào cách Iran đối phó với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump cũng như nỗ lực tái lập “Trục kháng chiến”.

Cách Iran đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria, nơi mà tầm ảnh hưởng của Tehran có khả năng suy giảm nghiêm trọng so với những năm gần đây, cũng sẽ cần được giám sát chặt chẽ.

Năm 2025 có thể là thời điểm mà Iran đưa ra những động thái táo bạo và quyết đoán sau những tổn thất của 12 tháng qua.

“Chiến lược của Iran hậu ông al-Assad đang ở thời điểm chín muồi để được hiệu chỉnh sâu sắc. Quá trình này có thể dẫn đến nhiều kết quả khác nhau” - theo chuyên gia van Veen.

Vị chuyên gia gợi ý một số kịch bản tiềm năng cho Iran trong năm 2025, bao gồm: tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân, tái đàm phán với Mỹ, nỗ lực tái xây dựng "Trục kháng chiến" hoặc tập trung nhiều hơn vào khu vực lân cận và giải quyết căng thẳng với Israel.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-yeu-to-dinh-hinh-cuc-dien-trung-dong-nam-2025-post827990.html
Zalo