Những việc buổi sáng càng làm càng 'đầu độc' dạ dày

Rất nhiều thói quen buổi sáng tưởng vô hại lại ngấm ngầm gây suy giảm sức khỏe, đặc biệt là dạ dày.

Bỏ bữa sáng: Theo Health Digest, sau một đêm dài không ăn, dạ dày ở trạng thái trống rỗng nhưng vẫn tiếp tục tiết ra dịch vị để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Khi không có thức ăn đưa vào, lượng axit này sẽ tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, dễ gây kích ứng, viêm và tổn thương thành bao tử. Về lâu dài, thói quen nhịn ăn sáng có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, trào ngược axit, đau dạ dày mạn tính và rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, việc bỏ bữa sáng còn ảnh hưởng đến chuyển hóa đường huyết, làm tăng cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung vào buổi sáng và tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa nếu lặp lại thường xuyên. Ảnh: TheIndependent.

Ăn sáng với món cay nóng, ăn quá mặn, nhiều dầu mỡ: Theo Only My Health, đồ ăn cay có chứa capsaicin có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản, dạ dày, dẫn đến sưng. Thực phẩm nhiều dầu mỡ chứa lượng chất béo cao khó tiêu hóa, là tác nhân gây chướng bụng, chậm tiêu, đầy hơi, buồn nôn ở người bệnh viêm loét dạ dày. Trong khi đó, bữa ăn nhiều muối có thể ảnh hưởng dạ dày, nhất là ở người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Nó cũng kích thích viêm trên thành dạ dày khiến cơ quan này nhạy cảm hơn, tăng khả năng hình thành khối u ác tính. Ảnh: Docvita.

Không uống nước: Nhiều chuyên gia vẫn luôn khuyên mọi người nên uống một cốc nước ấm khi vừa thức dậy. Sau một đêm ngủ dài, cơ thể bị thiếu nước, khiến bạn trì trệ, tâm trạng kém, theo Insider. Uống nước thường xuyên, đầy đủ sẽ giúp bạn tươi tắn hơn, hỗ trợ tiêu hóa, giảm axit dạ dày, thải độc tố và ngăn ngừa táo bón. Nước cũng giúp phân hủy thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Bạn có thể để sẵn một cốc nước trên đầu giường trước khi đi ngủ để khi thức dậy sẽ nhớ uống nước. Ảnh: Sleepfoundation.

Chưa ăn gì đã uống trà, cà phê: Theo India Times, uống trà hoặc cà phê ngay khi thức dậy là một trong những thói quen tồi tệ nhất của nhiều người. Caffeine là chất mạnh được cơ thể hấp thụ rất nhanh, đặc biệt là khi bụng đói. Đồ uống chứa caffeine kích thích lớp lót dạ dày, làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit. Do đó, nên tránh trà và cà phê lúc bụng trống rỗng để bảo vệ niêm mạc dạ dày, đặc biệt là những người đang mắc bệnh dạ dày. Hãy cố gắng ăn sáng trước để giảm tác động của những đồ uống này lên dạ dày. Ảnh: Freepik.

Uống đồ uống lạnh buổi sáng: Đồ uống lạnh có thể gây sốc cho đường ruột, đặc biệt là vào buổi sáng, theo Medical News Today. Ngược lại, đồ uống ấm hoặc ở nhiệt độ phòng giúp cơ thể bạn dễ tiêu hóa hơn rất nhiều, đồng thời kích thích đường ruột khiến mọi thứ chuyển động tốt hơn nhiều so với đồ uống lạnh. Cơ thể bạn cũng không phải tiêu hao năng lượng để làm ấm đồ uống lạnh, điều này giúp giảm tiêu hao năng lượng của cơ thể. Ảnh: Verywellhealth.

Làm vội vàng mọi thứ: Nhiều người có thói quen ngủ nướng, đến sát giờ mới vội vàng dậy và cuống cuồng làm mọi thứ trước khi ra khỏi nhà, theo Vogue. Tuy nhiên, điều này có thể cản trở nhu động ruột và làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn hội chứng ruột kích thích (IBS). Vội vã khiến bạn không có thời gian thư giãn bản thân, thậm chí đôi khi không kịp đi vệ sinh vào buổi sáng. Việc này cũng làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng khác như đầy hơi, khó chịu ở bụng. Đặc biệt, vội vã vào buổi sáng còn khiến bạn ăn sáng vội vàng, nhai không đúng cách, tăng nguy cơ bị trào ngược axit dạ dày. Ảnh: Znews tạo bởi AI.

Lười vận động: Vận động tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột và dạ dày theo nhiều cách. Ngay cả khi chỉ là đi bộ 10 phút hoặc tập luyện tại nhà, bất kỳ hình thức vận động nào cũng làm tăng lưu lượng máu đến các cơ trong hệ tiêu hóa, giúp di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn. Hoạt động này cũng giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, theo Hindustan Times. Ảnh: Freepik.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-viec-buoi-sang-cang-lam-cang-dau-doc-da-day-post1554260.html
Zalo