Những ước mơ 'Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân'

Thầm lặng cống hiến, hy sinh… luôn là tinh thần thắp lửa trong trái tim người lính. Ngày nay, đang có một thế hệ những người lính trẻ tiếp bước cha anh, tỏa sáng bằng ước mơ, khát vọng.

Ở vùng biên càng hiểu sâu sắc tình yêu đất nước

Chúng tôi gặp Trung úy Hà Tấn Dũng (sinh năm 1997), Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Pác Bó thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng). Khoảnh khắc ấy, anh đang xúc động ôm vào ngực mình lá cờ Tổ quốc có dấu đảo Trường Sa được triển lãm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Hỏi ra mới biết, đó là nơi anh từng đóng quân, lúc mười tám đôi mươi cuộn trào sức sống.

Đời sống riêng tư của người lính trẻ là câu chuyện rất dài, chỉ có thể chia sẻ trong khoảnh khắc rảnh rỗi hiếm hoi với ai sẵn niềm đồng cảm. Bố anh - Đại úy Hà Quang Thép - từng công tác tại Tỉnh đội Tuyên Quang, nên duyên với mẹ anh là một cô gái Hà Nội đã chấp nhận xa gia đình theo chồng bám trụ miền cao. Cuộc sống tưởng chừng ấm êm dù bố thường xuyên bận công tác, mẹ vất vả chăm lo vun đắp gia đình, nhưng năm Hà Tấn Dũng mới học lớp 2 thì bố qua đời. Biến cố gia đình khiến mẹ và hai chị em Dũng gặp nhiều khó khăn. Mẹ anh quyết định đưa các con trở về Hà Nội. Ở tuổi đôi mươi, chàng trai trẻ tham gia nghĩa vụ quân sự ở Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân (Hải Phòng), được phân công ra đảo Trường Sa năm 2016-2017 xây bệnh xá. Nhớ lại thời điểm ấy, anh cay mắt thương mẹ, mỗi khi liên lạc về “câu được câu chăng”.

Hoàn thành nghĩa vụ, Hà Tấn Dũng học hệ dự bị đại học tại Học viện Hải quân một năm rồi thi đỗ Học viện Biên phòng. Đến nay, anh đã công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang được 3 năm, có gia đình nhỏ và con trai vừa tròn một tuổi. Căn nhà nhỏ ở quận Hoàng Mai đại gia đình đang ở vẫn chưa trả hết nợ. Nhưng trong mọi cuộc chuyện trò, tinh thần người lính đầy lạc quan, tin tưởng. Anh được đồn tạo điều kiện một tháng về thăm nhà một lần. Anh em đồng đội đều sẻ chia, ấm áp, ân cần. Trung úy Hà Tấn Dũng chia sẻ: “Chúng tôi công tác ở vùng biên, càng hiểu sâu sắc tình yêu quê hương đất nước. Mỗi ngày tuần tra, đứng gác cột mốc và trong từng nhiệm vụ, đều thấm thía hơn trách nhiệm của mình”.

Tự bồi dưỡng để dạy các con nuôi

Cùng công tác ở miền biên giới, Thượng úy Quán Anh Tuấn dù chưa lập gia đình vẫn luôn là người bố mẫu mực của các con là con nuôi bộ đội ở Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - điểm cực Bắc của Tổ quốc. Quán Anh Tuấn sinh năm 1996, quê ở tỉnh Phú Thọ. Năm 2021, anh tốt nghiệp thủ khoa khóa đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học tại Học viện Biên phòng, vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ở đơn vị, anh cũng gặt hái nhiều thành tích nổi bật: Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2024, Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang, giai đoạn 2019-2024, Giấy khen vì đã có thành tích trong điều tra, khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” ngày 15/8/2024, Giải ba toàn đoàn Hội thi dân vận khéo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong cuộc thi dân vận khéo do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức khu vực phía bắc, Giải ba Cuộc thi Báo cáo viên pháp luật do tỉnh Hà Giang tổ chức…

Từ khi tốt nghiệp, lên nhận công tác tại đồn đến nay, người lính trẻ đã dạy dỗ 5 “con” là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Hai “con” đã trưởng thành là Thò Mí Và, học sinh lớp 12 Trường Hữu nghị 80 Thò Thị Dính, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Mỏ - Địa chất; Thò Thị Súa, đã chuyển sang trường nội trú. Hiện anh đang dạy hai “con”: Lý Mí Nhù học lớp 4 và Thào Minh Phú học lớp 5. Nhà chỉ có hai chị em, bố mẹ cũng đã nhiều lần giục giã việc lập gia đình, nhưng thanh xuân của người lính biên phòng phần lớn dành cho nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân.

Hỏi đến chuyện riêng tư, Quán Anh Tuấn bộc bạch: “Một năm, bộ đội có 30 ngày phép, tôi chia ra 4 lần, mỗi lần khoảng 1 tuần về với gia đình. Bố mẹ giục thì cũng chưa cách nào cả. Chỉ mong nếu có duyên, gặp được người con gái ở bất cứ nơi đâu mà chia sẻ và thấu hiểu cho công việc của bộ đội thì tôi sẵn sàng”. Về việc nuôi dạy các “con”, anh trao đổi chân tình: “Các con thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại còn nhỏ nên chất lượng học tập, tiếp thu đôi khi còn chậm. Những năm qua, ngành giáo dục lại có nhiều cải cách nên bộ đội phải tự học hỏi, cập nhật để truyền đạt lại cho các con hiểu. Dù biết cách giải đề nhưng nếu không nắm bắt kịp thời thì chỉ đúng kết quả, quy trình lại chưa phù hợp”. Ở đồn biên phòng miền biên giới, các “bố” và các “con” tình cảm thắm thiết, gắn bó như trong một gia đình. Đơn vị có tổ nuôi dạy con nuôi, trực tiếp hướng dẫn, chăm lo cho các con. Nhiệm vụ bận rộn, nhưng ai có năng khiếu hát, đàn, thổi sáo, văn hóa, thể thao… sẽ nhiệt tình hướng dẫn các con ngoài giờ.

Đôi bạn Trần Việt Hoàng và Lâm Minh Thường.

Bạn thơ cùng mong cống hiến

Trần Việt Hoàng và Lâm Minh Thường sinh năm 2002 là bạn cùng Tiểu đội 16, lớp CT26D, Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng). Họ cũng là những tác giả trẻ đầy khát khao đang tạo được ấn tượng trên văn đàn. Trần Việt Hoàng quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, khi là học sinh lớp 12 đã đoạt Giải ba kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn. Bận rộn với chương trình học tập, rèn luyện trong môi trường quân ngũ, anh vẫn xuất bản đều đặn các tác phẩm: “Ngày chưa sương vội” (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2024), “Bay phía mùa” (trường ca, NXB Văn học, 2025); được trao Giải thưởng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2023; Tặng thưởng tác phẩm hay của Tạp chí sông Hương 2024. Còn Lâm Minh Thường người dân tộc Khmer, đã có nhiều sáng tác in trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Sông Hương… Là thí sinh trúng tuyển vào trường bằng khối A, Lâm Minh Thường bén duyên với sáng tác thơ ca một cách đặc biệt. Kiên trì tích lũy vốn sống, đặc biệt là vốn văn hóa dân tộc mình, anh có những trăn trở sâu sắc về đề tài văn hóa dân tộc mình và có những cách thể hiện mới mẻ. Cạnh đó là những dấu ấn về đề tài người lính hôm nay.

Có lẽ, trong môi trường quân ngũ, hiếm đôi bạn nào lại cùng thiết tha với thơ ca, đồng cảm chia sẻ, động viên nhau đến thế. Việt Hoàng chia sẻ chân thành: “Với Lâm Minh Thường, tôi là một người đồng chí, đồng đội khá đặc biệt. Có lẽ, sự đồng điệu trong quan điểm và mục tiêu trong học tập đã khiến tôi với Thường gần gũi nhau hơn. Mỗi sáng tác và sau này là bản thảo của mỗi cuốn sách tôi và Thường luôn đọc cho nhau, cùng nhau chia sẻ và đóng góp để hoàn thiện bản thảo”.

Những câu chuyện đã góp dấu ấn quan trọng trên hành trình của người lính trẻ. Dù ở nơi địa đầu Tổ quốc hay trên giảng đường, họ đều mang trong mình niềm tin vững chắc qua từng hành động thiết thực cho mình và cho thế hệ mai sau. Họ luôn khao khát vượt lên chính mình để ước mơ riêng hòa vào mạch nguồn chung: Niềm tự hào được phục vụ Tổ quốc, được “Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân”.

Thụy Phương/ Báo Nhân dân

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nhung-uoc-mo-gac-bien-troi-cho-to-quoc-vao-xuan-14937.html
Zalo