Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Làm sao để tận dụng AI hiệu quả?
AI ngày càng phát triển các công cụ hỗ trợ người dùng đọc sách nhưng làm thế nào để không bị phụ thuộc vào AI và giữ thói quen đọc sách truyền thống là vấn đề được đặt ra.

Học sinh Trường Nguyễn Siêu trong giờ đọc trên thư viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
AI đang hình thành lại cách đọc và tiếp nhận thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc mở ra các cánh cửa tri thức mới cho mọi người nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thông tin thiếu chính xác, làm con người trở nên lười đọc hơn, phụ thuộc vào AI…
Đây là những vấn đề được ông Kenny Nguyễn, Giám đốc kỹ thuật Công ty công nghệ Cốc Cốc đưa ra tại tọa đàm "AI và văn hóa đọc" trong khuôn khổ Ngày hội sách và văn hóa đọc, do Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) tổ chức hôm nay, 26/4. Với chủ đề thiết thực, tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh.
Những cách đọc mới
Theo ông Kenny Nguyễn, con người ngày càng bận rộn hơn, ít thời gian hơn trong việc đọc trong khi AI đang trở thành công cụ hữu hiệu có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc đọc. Theo đó, sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa đọc không chỉ thay đổi hình thức mà còn cả cách thức mà nội dung được truyền tải và tiêu thụ.
Với thời gian hạn hẹp, người đọc ngày càng chọn lựa nội dung ngắn gọn và dễ hiểu trong khi AI có thể giúp tóm tắt nội dung dài thành những điểm chính, tiết kiệm thời gian và nâng cao khả năng nhận thức.
Các thuật toán AI phân tích hành vi và sở thích đọc của người dùng để đưa ra các gợi ý sách phù hợp, cá nhân hóa hơn. AI cũng có thể hỗ trợ người dùng trong việc giải thích các khái niệm phức tạp khi đọc.
Công nghệ AI giúp cải thiện khả năng tiếp cận sách và tài liệu cho người khiếm thị thông qua các dịch vụ đọc và chuyển đổi định dạng.
Văn hóa đọc đang ngày càng phát triển trong kỷ nguyên số và các định dạng như ebook, audiobooks, và podcast đang trở thành xu hướng chủ đạo, chuyển từ nhìn đọc sang nghe đọc để phục vụ độc giả bận rộn, cho phép người đọc tiếp cận tri thức mọi lúc mọi. Người dùng cũng có thể cá nhân hóa trải nghiệm với việc tùy chỉnh về giọng đọc, âm lượng.
Tuy là công cụ hữu ích nhưng người dùng cũng cần lưu ý những mặt trái. Sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể dẫn đến việc người đọc không còn khả năng tư duy độc lập và đối mặt với thông tin. AI cũng có thể làm cho độc giả mất đi thói quen phân tích và phản biện đối với thông tin, dẫn đến việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sử dụng AI để tìm kiếm thông tin có thể dẫn đến việc người đọc chỉ tiếp cận những quan điểm một chiều, gây hạn chế trong tư duy. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ cũng làm giảm đi sự thoải mái, thư giãn mà việc đọc sách truyền thống mang lại.
Phải là độc giả thông minh
Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều học sinh cho biết đã sử dụng AI trong việc tìm kiếm thông tin, tóm tắt nội dung sách, giải các bài tập khó.
Tuy nhiên, các học sinh cho hay không thể hoàn toàn tin vào AI. “Em tìm hiểu về Truyện Kiều nhưng AI lại cho ra kết quả tác giả là Nguyễn Khải,” học sinh này dẫn chứng. Các em cũng chỉ ra những tác động tiêu cực từ AI như làm cho con người có xu hướng lười đọc, lười tư duy. Vì vậy, làm thế nào để tận dụng được AI nhưng vẫn khắc phục được các hạn chế.
Trả lời câu hỏi này, ông Kenny Nguyễn khuyên các học sinh dùng AI thông minh với nguyên tắc 3C: cân bằng, chủ động và có đạo đức.
Cụ thể, cần bằng giữa việc sử dụng công nghệ mới và việc giữ gìn giá trị của đọc sách truyền thống. Người đọc cũng nên chủ động tìm hiểu và lựa chọn sách một cách thông minh, không chỉ dựa vào gợi ý của AI. Bên cạnh đó, việc sử dụng AI cần dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức, đảm bảo rằng công nghệ thực sự phục vụ lợi ích của con người.
Nhấn mạnh việc AI ngày càng phát triển và trở thành xu hướng tất yếu, một phần quan trọng giúp cải thiện chất lượng sống của con người, trong đó có việc đọc sách, ông Kenny Nguyễn cho rằng cần tiếp cận một cách thông minh và có trách nhiệm, đảm bảo rằng công nghệ hỗ trợ chứ không thay thế vai trò của con người và không làm mất đi những giá trị truyền thống.
Cùng chia sẻ về vấn đề trí tuệ nhân tạo với văn hóa đọc, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cho hay đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và kỷ nguyên mới cũng là kỷ nguyên của AI, của thế hệ trẻ. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh sử dụng AI đúng cách, hiệu quả và có đạo đức là vô cùng quan trọng. Đó cũng là lý do trường chọn chủ đề này cho buổi tọa đàm trong chương trình ngày hội sách và văn hóa đọc.
“Trong kỷ nguyên AI, các em phải là những người đọc thông minh để có sự sàng lọc, từ đó có lối sống lành mạnh, tích cực, từ đó phát triển tốt bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xây dựng đất nước,” cô Nguyễn Thị Minh Thúy nói./.