Những trường hợp nào bị cúm cần đến ngay bệnh viện?

Số người mắc cúm đang tăng cao, mặc dù cúm là bệnh lành tính nhưng có thể gây biến chứng, đặc biệt với một số đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch...Bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, người có bệnh phổi, bệnh tim mãn tính thì nên đi viện khi bị cúm.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Đa số, người mắc cúm mùa đều diễn biến nhẹ như sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người và tự khỏi sau vài ngày mắc.

Tuy nhiên, với bất cứ bệnh lý nào đều có tỷ lệ diễn biến bất thường, bệnh cúm mùa cũng vậy, một số người mắc sẽ có biến chứng nặng. Diễn biến nặng ở cúm mùa như viêm phổi, tổn thương các cơ quan phủ tạng khác và tỷ lệ rất nhỏ dẫn đến tử vong.

Cúm A gây bệnh nặng do có thể tấn công phổi, đặc biệt nguy hiểm với người có bệnh hô hấp mạn tính, người có bệnh nền. (Ảnh: Thanh Đặng)

Cúm A gây bệnh nặng do có thể tấn công phổi, đặc biệt nguy hiểm với người có bệnh hô hấp mạn tính, người có bệnh nền. (Ảnh: Thanh Đặng)

Ở Việt Nam có 3 chủng cúm mùa bao gồm cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, cúm A thường gây ra dịch, cúm B thi thoảng có dịch và cúm C không bao giờ gây dịch.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân bị cúm biến chứng nặng, trong đó một người phải chạy ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Những bệnh nhân này đều có bệnh lý nền khác kèm theo cúm như huyết áp cao, bội nhiễm gây sốc nhiễm trùng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, người có bệnh phổi, bệnh tim mãn tính thì nên đi viện khi bị cúm.

Người khỏe mạnh bình thường nếu bị cúm thì sẽ tự khỏi sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, người bị cúm, nếu nhận thấy cơ thể diễn biến bất thường như khó thở, sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt mà không giảm nhiệt độ, mệt lả cũng cần đi viện thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Cúm lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa cúm bằng cách tiêm phòng hàng năm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Người dân cần sát khuẩn, vệ sinh hầu họng, giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày. Mọi người cần đeo khẩu trang, tránh những nơi quá đông người, tránh tiếp xúc những người có nguy ngờ bệnh cúm.

Bạn cũng cần vệ sinh tay thường xuyên, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để có sức đề kháng, tránh nhiễm lạnh ở người cao tuổi. Khi mắc cúm, bạn cần uống nhiều nước, đảm bảo đủ dinh dưỡng, dành thời gian nghỉ ngơi để tăng sức đề kháng chống chọi bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh cúm nguy hiểm do tính lây lan nhanh và gây dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Tiêm vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Ở người già, vắc xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.

Trong nước hiện đang giai đoạn mùa đông xuân, thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan như cúm. Người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người; giữ ấm cơ thể khi ra ngoài. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

Tuệ Lâm (t/h)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-truong-hop-nao-bi-cum-can-den-ngay-benh-vien-184290.html
Zalo