Những trang viết từ trái tim người lính

Những nhân chứng lịch sử của thời kỳ đấu tranh chống thực dân và đế quốc đã không còn nhiều. Điều họ mong muốn để lại cho đời không chỉ là thanh xuân hay những phần cơ thể đã hiến dâng cho Tổ quốc mà còn cả những miền ký ức về một thời hoa lửa. Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số và Trái tim người lính của CCB Nguyễn Đắc Tấn là một trong những miền ký ức ấy.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số và CCB Nguyễn Đắc Tấn chia sẻ về hai cuốn sách tại buổi tọa đàm. Ảnh: THIÊN LÝ

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số và CCB Nguyễn Đắc Tấn chia sẻ về hai cuốn sách tại buổi tọa đàm. Ảnh: THIÊN LÝ

Hai tác phẩm này vừa được hai tác giả đặc biệt giới thiệu trong buổi tọa đàm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975-1/4/2025) và Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại Thư viện tỉnh trong không khí trang trọng và xúc động.

Trang sử hào hùng

Nhớ và ghi lại là hồi ký thấm đẫm suy tư của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, vị thuyền trưởng kiên cường của những chuyến tàu Không số - dấu ấn sống động về một thời hoa lửa. Không chỉ tái hiện những tháng ngày sinh tử giữa trùng khơi bão tố, tác phẩm còn gửi gắm những suy ngẫm lặng thầm về lòng yêu nước và sự hy sinh của những con người “rạch biển Đông” để giữ vẹn hình hài Tổ quốc.

Với 300 trang, cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học liên kết với Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát hành năm 2024. Cuốn sách được chia thành hai phần chính: Phần đầu là những câu chuyện và hồi ký của chính Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, kể về những chuyến đi gian nan trên đường Hồ Chí Minh trên biển; phần thứ hai là các bài viết của nhiều tác giả khác, nhằm tôn vinh và khắc họa sự cống hiến của ông cho độc lập. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu một số bài thơ do chính ông sáng tác như một cách để ghi dấu ấn ký ức và tri ân đồng đội.

Viết Nhớ và ghi lại khi tuổi đã ngoài 90, anh hùng Hồ Đắc Thạnh không chỉ muốn ghi lại những trải nghiệm cá nhân mà còn gửi gắm thông điệp lớn lao đến thế hệ trẻ về giá trị của sự hy sinh và lòng dũng cảm. Cuốn sách không đơn thuần là hồi ký cá nhân mà còn là một phần lịch sử của dân tộc. Tác phẩm cũng là một lời nhắc nhở đầy day dứt: Hòa bình không tự nhiên mà có, mà được đánh đổi bằng cả máu, nước mắt, bằng những cuộc đời chưa kịp sống trọn vẹn.

Tại buổi tọa đàm, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh tâm sự: “Những tháng ngày trên con tàu vận chuyển vũ khí, cùng đồng đội vượt sóng biển Đông, nay đã trở thành ký ức không phai mờ. Tình cảm đồng chí, đồng đội, nghĩa quân dân sâu nặng vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm. Ý định ghi lại những kỷ niệm ấy đã nhiều lần ấp ủ nhưng mãi chưa thành hiện thực. Cho đến một ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính về thăm và thắp hương tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bến tàu Không số Vũng Rô. Thủ tướng nhắn nhủ rằng: “Bác phải cố nhớ và ghi lại những gì mà đoàn tàu Không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt tại bến Vũng Rô này. Nếu chậm trễ thì thế hệ con cháu mai sau sẽ không hiểu được thế hệ cha ông các cháu đã đánh giặc giành lại độc lập tự do thống nhất nước nhà như thế nào và lịch sử nước nhà sẽ có một khoảng trống”. Lời ấy như ngọn lửa, thắp sáng niềm cảm hứng, thôi thúc tôi viết nên những dòng hồi ức về những ngày lửa đạn, về những hy sinh anh dũng, để lịch sử không bị lãng quên. Mỗi câu chữ, mỗi ký ức đều là minh chứng cho ý chí quật cường, lòng yêu nước nồng nàn của thế hệ cha ông”.

Hai cuốn sách, hai cách kể chuyện khác nhau nhưng cùng chung một sợi dây kết nối. Đó là ký ức, là lòng biết ơn, là trách nhiệm của chúng ta hôm nay trong việc ghi nhớ và lan tỏa những giá trị ấy đến các thế hệ mai sau.

Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh Võ Thị Nguyễn Huệ

Nếu Nhớ và ghi lại là câu chuyện về những con tàu Không số lặng lẽ ra khơi, mang theo sứ mệnh lịch sử, thì Trái tim người lính của CCB Nguyễn Đắc Tấn lại là một bản trường ca đa góc cạnh về người lính trên chiến trường, trong đời thường. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng tác giả mà là câu chuyện của cả một thế hệ, của những con người đã dám sống, dám chiến đấu và dám hy sinh vì một Việt Nam độc lập, tự do.

Với 216 trang, tác phẩm Trái tim người lính không chỉ thuật lại những trận đánh mà còn tái hiện chân thực hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ. Họ là biểu tượng của một dân tộc quả cảm, nơi từng giọt máu đổ xuống không chỉ để giành lấy độc lập mà còn để khẳng định khát vọng tự do, để mai sau có quyền sống và mơ ước.

Trái tim người lính không đi theo một bố cục chương mục truyền thống mà là tập hợp những bài viết chân thực, giàu cảm xúc của tác giả về những kỷ niệm không thể phai nhòa trong cuộc đời người lính. Tác phẩm mở đầu bằng Từ làng quê ra đi, nơi những chàng trai trẻ của Hòa Đồng tạm biệt mái nhà thân thuộc để khoác lên mình bộ quân phục, mang theo niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng. Họ ra đi không chỉ với vũ khí trên vai mà còn với trái tim nhiệt huyết, với tình yêu quê hương sâu sắc và sự kiên định trước mọi thử thách.

Tiếp nối dòng chảy ký ức, các bài viết: Hai lần gặp Bác, Theo dấu chân Sư đoàn 305, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi với mùa xuân dân tộc, Chiếc khăn chung thủy, Mối tình trên mảnh đất Triệu Voi hay Ma Zưng đi xem hội chợ đã hun đúc nên chiều sâu văn hóa và hình thành Trái tim người lính - một trái tim luôn mãnh liệt nhịp đập yêu thương, nghĩa tình và trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.

CCB Nguyễn Đắc Tấn thổ lộ: “Lòng tôi luôn quặn thắt nhớ về những hy sinh, những mất mát, những người con ưu tú ngã xuống, những CCB mang thương tích, những người mẹ tảo tần chờ con mãi không về... Tất cả như khắc sâu vào tâm khảm. Tôi thầm ước nguyện phải làm điều gì đó để thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn, trân trọng sự hy sinh cao cả ấy, hun đúc lòng yêu nước. Và rồi, cuốn truyện ký Trái tim người lính ra đời như một lời tri ân sâu sắc".

Cuốn sách Nhớ và ghi lại và Trái tim người lính. Ảnh: THIÊN LÝ

Cuốn sách Nhớ và ghi lại và Trái tim người lính. Ảnh: THIÊN LÝ

Bồi đắp tình yêu quê hương

Lắng nghe câu chuyện xúc động của các tác giả, lòng các em học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tràn đầy cảm xúc. “Qua lời kể của hai bác, chúng cháu càng thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và hạnh phúc hôm nay. Cuộc sống yên bình, đất nước thống nhất là kết quả của biết bao hy sinh, mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của thế hệ các bác, các bậc tiền bối cách mạng. Họ đã không tiếc tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những hy sinh thầm lặng ấy, những câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của các anh hùng dân tộc, đã trở thành bài học quý giá, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ chúng cháu. Chúng cháu nguyện nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức, tích cực đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng cháu nguyện xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, để tiếp nối truyền thống anh hùng, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh. Những trang viết từ trái tim người lính sẽ mãi là nguồn sáng soi đường cho chúng cháu trên con đường phía trước”, em Trần Thiên Triệu nói.

Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh - đại diện đơn vị tổ chức nhìn nhận: Cuốn sách Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số là một hành trình ký ức được viết nên bằng tất cả sự chân thành và trân trọng. Cuốn sách không chỉ giúp độc giả nhìn lại những câu chuyện của một thời đã qua, mà còn là lời nhắc nhở rằng mỗi ký ức, mỗi trang viết đều mang trong mình sứ mệnh gìn giữ và truyền tải những giá trị không thể phai mờ theo thời gian. Trong khi đó, cuốn sách Trái tim người lính của CCB Nguyễn Đắc Tấn là tiếng nói của những con người đã đi qua những tháng năm gian khó, mang trong mình lý tưởng, lòng quả cảm và cả những tâm tư sâu kín của một người lính - những điều không dễ dàng nói ra, rất đáng được lắng nghe và trân trọng.

“Hai cuốn sách, hai cách kể chuyện khác nhau nhưng cùng chung một sợi dây kết nối. Đó là ký ức, là lòng biết ơn, là trách nhiệm của chúng ta hôm nay trong việc ghi nhớ và lan tỏa những giá trị ấy đến các thế hệ mai sau. Chính vì vậy, buổi tọa đàm là cơ hội để chúng ta lắng nghe những câu chuyện hậu trường đầy xúc cảm từ các tác giả, những chia sẻ chân thành từ các nhà nghiên cứu và cả những cảm nhận sâu sắc từ độc giả. Hơn hết, đây cũng là dịp để thế hệ trẻ chúng ta cùng suy ngẫm: Điều gì đã làm nên sức mạnh của ký ức? Và chúng ta, với tư cách là những người tiếp nhận, có thể làm gì và lan tỏa những giá trị ấy!”, bà Huệ bày tỏ.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/van-nghe/202503/nhung-trang-viet-tu-trai-tim-nguoi-linh-c45643c/
Zalo