Những ký ức khó quên
Cứ mỗi dịp tháng 4, dư âm của ngày giải phóng lại ùa về trong ký ức của nhiều người con Phú Yên. Được tham gia và chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng quê nhà là niềm vinh dự lớn lao đối với cuộc đời binh nghiệp của bất kỳ người lính Cụ Hồ nào và của những người dân sống trong niềm vui ngày chiến thắng.
ÔNG TRẦN VĂN THU, ỦY VIÊN THƯ KÝ UBND CÁCH MẠNG LÂM THỜI PHÚ YÊN:
Niềm vui lớn chưa từng có

Ông Trần Văn Thu
Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, cảm xúc về một thời máu lửa lại ùa về trong trái tim đầy cảm xúc của người lính Trần Văn Thu (SN 1931) ở phường 2, TP Tuy Hòa. Ông kể cho chúng tôi nghe với giọng đầy tự hào.
Năm 1973, tôi là Ủy viên thư ký UBND cách mạng lâm thời Phú Yên. Đến đầu năm 1975, khoảng tháng 2, tôi được phân công tổ chức các lực lượng dân công, huy động người lên Gia Lai đưa vũ khí về chuẩn bị cho ngày giải phóng. Chúng tôi băng rừng lội suối, đi ròng rã gần 10 ngày, hành quân lên Gia Lai đưa được một lực lượng vũ khí đáng kể về Phú Yên. Khi ta giành chiến thắng ở chiến trường Tây Nguyên, quân địch thất thủ, tràn xuống Phú Yên, lúc này bộ đội ta đảm bảo đủ vũ khí để chặn đường quân địch.
Ngày 24/3, tôi được phân công tiếp quản Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), cùng với chính quyền cách mạng địa phương lúc này. Những đoàn hàng binh của địch từ Tây Nguyên xuống, nhiều người đói khát trình diện được chính quyền cách mạng và người dân địa phương cho thức ăn, nước uống, quần áo... Tiếp quản và bàn giao huyện Sơn Hòa cho chính quyền cách mạng địa phương, hòa trong khí thế tiến công với thắng lợi giòn giã, chúng tôi tiến về TX Tuy Hòa giải phóng tỉnh lỵ và toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975. Người dân khắp nơi đổ ra đường chào đón đoàn quân giải phóng, chính quyền cách mạng. Một khí thế tưng bừng, một niềm vui lớn chưa từng có.
Ông Thu nói: Hạnh phúc lúc đó nói sao cho hết. Bởi trong kháng chiến, đầu óc mù mịt, cứ lo kháng chiến chờ ngày thành công. Đến khi quân đội tiến về giải phóng Phú Yên, tôi cảm thấy quá hạnh phúc vì mình làm tròn trách nhiệm, góp phần làm nên chiến thắng. Tiếp đó, chính quyền cùng với toàn dân bắt tay ngay vào ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất, chăm lo đời sống, bảo vệ thành quả cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.
ÔNG VŨ THANH BÌNH, NGUYÊN BÍ THƯ CHI BỘ XÃ AN DÂN (HUYỆN TUY AN):
Cùng nhau giúp bà con ổn định cuộc sống

Ông Vũ Thanh Bình
Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với ông Vũ Thanh Bình ký ức về thời khắc góp phần làm nên chiến thắng, giải phóng Phú Yên, luôn là niềm tự hào.
Ông Bình kể: Trước khi giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975, tôi là Bí thư Chi bộ xã An Dân. Những ngày kháng chiến, địch đóng ở đầu cầu Ngân Sơn, tuyến đường lên xuống nối huyện Tuy An và Đồng Xuân đều có địch, với mật độ lực lượng của địch lớn gấp nhiều lần so với những địa bàn khác.
Khi nghe quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, quân địch cánh Bắc Tuy An bắt đầu lo lắng, hoang mang; bọn lính nghe ngóng tình hình.
Khi thấy địch có vẻ mất tinh thần, quân ta bắt đầu hành động, tiếp cận, đánh chặn đường lui của Tiểu đoàn 238 của địch từ Đồng Xuân xuống. Với đám địch còn lẩn trốn trong những rẫy mía, ta cho tổ nữ du kích giả dạng dân lên dụ địch ra, tập trung về thị trấn, thu giữ vũ trang. LLVT xã An Dân bắt gần 100 tên lính ngụy, sau chuyển giải cho huyện.
Những ngày đó, chúng tôi đứng trên quốc lộ ngang qua xã dùng loa gọi số tàn quân còn lẩn trốn trong các ruộng mía, trong rừng nên ra hàng, cách mạng khoan hồng. Đồng thời "loa loa" vận động, kêu gọi bà con yên tâm trở về làng cũ, không trở vô ấp chiến lược nữa, vì giải phóng rồi. Vì lúc đó, một số bà con xã An Dân bỏ nhà, theo xe hàng, mang theo nong nia, trẹt, thúng, áo quần… di cư, đi trốn. Trên đường đi, khi thấy quân giải phóng đứng trên đường vẫy tay, kêu quay về nhưng họ sợ, chạy một mạch. Một tuần sau, họ lại quay trở ra và hô to: “Trong kia giải phóng rồi, giải phóng rồi, bây giờ trở về quê”… Lúc đầu đi di cư họ lo sợ bao nhiêu thì khi trở về bà con vui mừng phấn khởi bấy nhiêu vì quê nhà đã thực sự giải phóng rồi.
Những ngày sau giải phóng cả xã bận rộn, nhưng rất vui. Trong xã hình thành một lực lượng thanh niên xung kích giúp đỡ bà con tháo gỡ bom mìn; tiếp tục kêu gọi, vận động bà con về làng cũ và chặt tre, chặt cây dựng lán trại, cất nhà mới cho họ. Bà con nông dân lúc đó chưa có máy cày chủ yếu dùng sức bò. Thanh niên về các thôn Bình Chính, Mỹ Long, Cần Lương khai hoang, cày ruộng, từng bước mở rộng đất đai, ổn định sản xuất. Đêm nào chúng tôi cũng họp dân để ổn định tư tưởng, củng cố tinh thần; nhắn nhủ bà con yên tâm vì địch đã thua trận, bị bắt và ra đầu hàng, lần này Phú Yên đã được giải phóng rồi, địch không còn trở lại như những năm trước.
Sau đó, anh em thanh niên được bổ sung vào LLVT, phụ nữ, nông dân xã cũng tham gia các tổ chức để hướng dẫn bà con khai hoang, phục hóa, xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, chăn nuôi.
50 năm sau ngày giải phóng, quê hương, đất nước ta đã "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Giờ đây, trong thời bình dù có khó khăn thế nào mọi người cũng phải cùng cố gắng vượt qua, vươn lên, chung tay xây dựng đất nước, quê nhà ngày càng phát triển.
BÀ NGUYỄN THỊ NGÂN, SINH NĂM 1936, PHƯỜNG 4, TP TUY HÒA:
Không bao giờ quên ngày giải phóng 1/4

Bà Nguyễn Thị Ngân
Ngày 1/4/1975, tỉnh Phú Yên được giải phóng, lúc đó tôi 34 tuổi. Trước ngày giải phóng, khu vực bến xe Tuy Hòa (cũ) nơi gia đình tôi sinh sống rất đông lính ngụy. Đa số lính tháo chạy từ Buôn Ma Thuột và các tỉnh Tây Nguyên xuống, không biết đi đâu nên ở bến xe chờ cơ hội bỏ trốn.
Sáng sớm 1/4, tôi mở cửa ra xem động tĩnh như thế nào, bỗng nghe tiếng đạn pháo, tiếng súng nổ liên hồi. Tụi lính ngụy bắt đầu chạy tán loạn. Cả nhà lúc đầu cũng sợ. Bà con xung quanh đùm túm, dắt nhau bỏ chạy, vợ chồng tôi cũng dẫn mấy đứa con chạy xuống chợ cá phường 6 (gần Tỉnh đường), chui xuống hầm nhà bà con tránh đạn. Lúc đó lo chạy bom đạn nên đồ đạc bỏ lại hết, suýt nữa là tôi bị lạc mất đứa con gái út mới 3 tuổi.
Đến khoảng 9, 10 giờ sáng 1/4, nghe có vẻ im ắng, các con tôi chui ra khỏi hầm để dò la tin tức. Lúc đó chúng tôi nghe rất rõ tiếng loa giải phóng của bộ đội ta: “Bà con dân chúng không nên chạy nữa, ai về nhà nấy, Tuy Hòa đã được giải phóng!”. Khoảnh khắc đó tôi không bao giờ quên. Tuy Hòa được giải phóng thật rồi. Sự thật sau hơn 20 năm chờ đợi mà cứ như trong mơ. Bà con và cả nhà tôi chui lên khỏi hầm, bước ra đường, ai cũng mừng rỡ. Lúc này đường phố đã im tiếng súng, chỉ có những chiến sĩ giải phóng quân cùng rất đông người dân đang cùng nhau trên đường trở về nhà. Gia đình chúng tôi cùng nhau trở về nhà trong lòng mừng vui khôn xiết.
Giây phút của ngày TX Tuy Hòa được giải phóng, không còn tiếng bom đạn thật là vui sướng. Bà con khu phố và chòm xóm yên tâm làm ăn, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.