Những tờ 'hóa đơn chiến tranh' đang đè nặng nền kinh tế Israel

Cuộc chiến kéo dài hơn một năm đã khiến Israel chi tới 4,7 tỷ USD cho quân sự, đe dọa nền kinh tế đất nước.

Không chỉ gây ra những thiệt hại to lớn về sinh mạng và sự khổ đau, cuộc chiến của Israel với các nhóm Hamas và Hezbollah còn tiêu tốn rất nhiều chi phí. Điều này đang dấy lên lo ngại về tác động lâu dài của cuộc xung đột đối với nền kinh tế nước này.

 Binh lính Israel thuộc đơn vị pháo binh cất giữ đạn pháo tăng tại khu vực tập kết ở biên giới Israel-Gaza ở miền nam Israel, vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. Ảnh: AP/Leo Correa

Binh lính Israel thuộc đơn vị pháo binh cất giữ đạn pháo tăng tại khu vực tập kết ở biên giới Israel-Gaza ở miền nam Israel, vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. Ảnh: AP/Leo Correa

Chi tiêu quân sự đã tăng vọt, trong khi tăng trưởng kinh tế chững lại, đặc biệt ở những khu vực biên giới nguy hiểm đã bị sơ tán. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Israel có thể phải đối mặt với tình trạng đầu tư suy giảm và thuế cao hơn khi chính phủ phải cân đối giữa các chương trình xã hội và chi tiêu quân sự.

Chi phí quân sự tăng mạnh

Chính phủ Israel hiện chi nhiều hơn đáng kể cho quân sự, từ 1,8 tỷ USD trước khi Hamas tấn công vào ngày 7/10/2023, lên khoảng 4,7 tỷ USD vào cuối năm ngoái, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Các tổ chức như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu đã liệt kê Hamas là tổ chức khủng bố.

Theo viện này, năm ngoái Israel đã chi 27,5 tỷ USD cho quân sự, đứng thứ 15 trên toàn cầu, sau Ba Lan nhưng trước Canada và Tây Ban Nha. Tỷ lệ chi tiêu quân sự so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 5,3%, so với 3,4% của Mỹ và 1,5% của Đức.

Tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và lực lượng lao động

Trong ba tháng sau vụ tấn công của Hamas, sản lượng kinh tế của Israel giảm 5,6%, là mức giảm tồi tệ nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, nền kinh tế này đã có sự phục hồi nhẹ, với mức tăng trưởng 4% trong đầu năm nay, nhưng chỉ tăng 0,2% trong quý hai. Chiến tranh cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Gaza, nơi 90% dân số đã phải sơ tán và phần lớn lực lượng lao động bị thất nghiệp.

Tại Israel, nhiều gánh nặng kinh tế đã xuất hiện. Việc huy động quân sự và gia hạn nghĩa vụ quân sự đe dọa làm giảm lực lượng lao động. Bất ổn an ninh ngăn cản đầu tư kinh doanh mới, và việc gián đoạn các chuyến bay khiến ngành du lịch suy giảm.

Dù có chiến tranh, nền kinh tế Israel vẫn đứng vững với một hệ thống kinh tế đa dạng và phát triển cao. Thị trường lao động chặt chẽ và chỉ số chứng khoán TA-35 tăng 10,5% trong năm nay.

Ngay cả trong bối cảnh xung đột, các công ty công nghệ vẫn huy động được khoảng 2,5 tỷ USD vốn trong quý ba, theo ông Zvi Eckstein, người đứng đầu Viện Chính sách Kinh tế Aaron tại Đại học Reichman. Tỷ lệ nợ của Israel hiện ở mức 62% GDP, vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với nhiều nước châu Âu.

Trước chiến tranh, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Israel khoảng 3,8 tỷ USD mỗi năm. Kể từ khi xung đột bùng phát, Mỹ đã chi ít nhất 17,9 tỷ USD cho viện trợ quân sự, theo một báo cáo của dự án “Costs of War” tại Đại học Brown.

Bên cạnh viện trợ quân sự, Mỹ cũng đã cung cấp sự hỗ trợ tài chính quan trọng cho Israel trong thời kỳ khó khăn, như vào năm 2003 khi Quốc hội Mỹ phê duyệt 9 tỷ USD bảo lãnh tín dụng.

Trong giai đoạn tiếp theo, chính phủ Israel đã thành lập một ủy ban do cựu cố vấn an ninh quốc gia Jacob Nagel đứng đầu để đưa ra các khuyến nghị về ngân sách quốc phòng trong tương lai và đánh giá tác động của chi tiêu quốc phòng đối với nền kinh tế.

Theo ông Eckstein, một ngân sách bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu xã hội là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế sau chiến tranh và trang trải cho các chi phí quốc phòng ngày càng tăng.

Dũng Phan (Theo The Baltimore Sun)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-to-hoa-don-chien-tranh-dang-de-nang-nen-kinh-te-israel-post317890.html
Zalo