Những tin giả kỳ lạ nhất được lưu truyền trong năm 2024

Người nhập cư bị cáo buộc ăn thịt thú cưng, dế trong sô cô la, Tổng thống Ukraine mua ô tô của Hitler... Đây đều là những tin giả lan truyền mạnh mẽ trong năm 2024.

Theo DW, những bản tin dưới đây dù không chứa đựng chút sự thật nào nhưng vẫn thu hút sự chú ý của nhiều người xem.

Dế nguyên con trong sô cô la

Sô cô la phiên bản đặc biệt có dế dành cho vận động viên là tin giả được thảo luận nhiều. Quay trở lại năm 2023, công ty Đức Rittersport đã công bố một bức ảnh trên Instagram về một thanh sô cô la có "dế nguyên con" bên trong, nói một cách khác là sô cô la giàu protein.

Loại kẹo mới này được cho là gây xôn xao khi nó tái xuất ngay trước thềm cuộc bầu cử châu Âu năm 2024. Trong thời gian này, nhiều thông tin sai lệch được chia sẻ về việc Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng.

Tuy nhiên, công ty Rittersport cho hay, bức ảnh đó chỉ là một trò đùa. Cho tới giờ, Rittersport vẫn chưa sản xuất ra loại sô cô la nào như vậy và nó chỉ đơn giản là trò đùa tiếp thị.

Người nhập cư ăn thịt thú cưng của dân bản địa

Đây là một trong những tin giả lớn nhất trong năm 2024. Những người nhập cư vào Mỹ bị cáo buộc ăn thịt thú cưng như chó, mèo hoặc ngỗng trời và những lời đồn đoán dường như không có giới hạn.

Mọi chuyện bắt đầu từ một bài đăng trên Facebook và bị ông Donald Trump thổi phồng trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình với Phó Tổng thống Mỹ Karmala Harris. Khi đó, ông Trump nói, những người nhập cư ở Springfield đã ăn thịt thú cưng của dân địa phương. Trong đêm đó, cáo buộc như vậy không chỉ được đưa ra có một lần.

Người dùng mạng xã hội sau đó đã lan truyền thông tin rằng những người nhập cư Haiti ở Springfield Ohio đã đánh cắp thú cưng của dân địa phương hoặc bắt động vật hoang dã ở công viên để ăn thịt. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố này. Cả cảnh sát và quan chức Ohio đều phủ nhận những cáo buộc như vậy.

Một cuộc điều tra của các phương tiện truyền thông về những trường hợp người nhập cư ăn thịt thú cưng đều không nhận được bằng chứng nào. Tuy nhiên, các tuyên bố vô căn cứ vẫn lan truyền trên các kênh cực hữu.

Tổng thống Ukraine mua ô tô cũ của Hitler

Theo thông tin sai lệch lan truyền trên mạng, gia đình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bị cáo buộc chi tiền để mua những hiện vật lịch sử đắt tiền như ngôi nhà của Vua Anh Charles hay chiếc ô tô thể thao trị giá hàng triệu USD. Trong năm 2024, ông Zelensky bị cáo buộc mua chiếc Mercedes từng thuộc sở hữu của Hitler với giá 15 triệu USD.

Bài đăng với nội dung trên đã lan truyền ngay sau khi Mỹ tuyên bố viện trợ bổ sung cho Ukraine gần 8 tỷ USD. Tuy nhiên, mọi thông tin trên đều không chính xác. Thông qua tìm kiếm bằng hình ảnh, chiếc Mercedes được cho là Tổng thống Ukraine mua thực chất được chụp tại một triển lãm xe cổ năm 2014 và được dán trước văn phòng của Tổng thống Ukraine. Do đó, không có bằng chứng nào về việc ông Zelensky mua xe của Hitler.

Trực thăng của Tổng thống Iran bị tia laser ngoài vũ trụ bắn rơi

Khi chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Amir Abdollahian bị rơi, người dùng mạng xã hội X đưa tin rằng tia laser ngoài vũ trụ là thủ phạm. Tuy nhiên, dù công nghệ laser trong ngành công nghiệp quân sự đã phát triển nhanh chóng nhưng các chuyên gia cho rằng không có vũ khí laser nào có thể bắn rơi một chiếc trực thăng từ ngoài không gian.

Thao túng bão Helene

Năm nay, một số người tin rằng bão Helene ở Mỹ đã bị thao túng và điều hướng theo một hướng nhất định. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố này. Hơn nữa, hiện không có công nghệ nào điều khiển một cơn bão.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-tin-gia-ky-la-nhat-duoc-luu-truyen-trong-nam-2024-2356280.html
Zalo