Mong muốn sản xuất hệ thống phòng không Patriot ngay tại Ukraine đã được Tổng thống Volodymyr Zelensky đề cập trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Le Parisien của Pháp.
Ông Zelensky nhấn mạnh: "Tôi đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cung cấp giấy phép sản xuất Patriot, mặc dù vậy chưa có phản hồi. Chưa ai nói với tôi rằng Washington từ chối, nhưng cho đến nay Ukraine vẫn chưa nhận được gì cả".
Theo ông Zelensky, Ukraine buộc phải đưa ra yêu cầu trên do có sự chậm trễ trong việc cung cấp các hệ thống Patriot, bất chấp việc Kyiv cần thêm nhiều tổ hợp bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước những cuộc tấn công tên lửa của Nga.
"Cho đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm chiến sự, Ukraine vẫn chưa nhận được số lượng hệ thống phòng không cần thiết. Tôi được biết là đối tác không đủ năng lực để sản xuất các tổ hợp Patriot khi nhiều đối tác trên thế giới cũng đang phải xếp hàng".
"Với tình hình trên, tôi đã yêu cầu hãy cung cấp cho Kyiv giấy phép và tài sản bị phong tỏa của Nga, chúng tôi sẽ sản xuất hệ thống phòng không Patriot và các loại vũ khí khác. Chúng tôi sẽ lấy số tiền này và chế tạo vũ khí”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Tuy vậy cần lưu ý, quá trình sản xuất hệ thống phòng không MIM-104 Patriot thực sự mất nhiều thời gian, điển hình như hợp đồng của Đức ký tháng 3/2024 để mua 4 khẩu đội, quy định rõ họ phải chờ tới năm 2027 để nhận lô đầu tiên và hoàn thành việc giao hàng vào năm 2029.
Qua những lời nói trên, chưa thể biết Tổng thống Zelensky đang nói về việc sản xuất toàn bộ hệ thống phòng không Patriot hay chỉ riêng tên lửa đánh chặn, nhưng tình hình chế tạo đạn dược hiện cũng không khả quan, khi nhu cầu của khách hàng chưa thể được đáp ứng.
Đơn vị sản xuất tên lửa PAC-3 MSE là Lockheed Martin chỉ bàn giao khoảng 500 tên lửa phòng không trong năm nay và có kế hoạch tăng sản lượng lên 650 quả vào giữa năm 2027. Với loại đạn đánh chặn này, tổ hợp Patriot có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Raytheon là đơn vị sản xuất tên lửa phòng không tầm xa GEM-T, chỉ có thể giao 240 quả đạn mỗi năm. Loại đạn này chỉ có khả năng bắn hạ hiệu quả các mục tiêu khí động học như tên lửa hành trình và máy bay, nhưng tầm bắn hiệu quả lại đạt tới 160 km.
Trước tình hình trên, có thể thấy rõ rằng việc sản xuất các thành phần cấu thành tổ hợp phòng không Patriot không phải là vấn đề xin phép của chỉ một doanh nghiệp, mà phải bao gồm một gói giấy phép và thỏa thuận chắc chắn.
Ngay cả tổ hợp Patriot cũng được sản xuất bởi một nhóm công ty, trong đó Raytheon chỉ là nhà thầu chính, do vậy việc Ukraine nhận được quyền chế tạo tại chỗ là gần như bất khả thi.
Đặc biệt hơn, kể cả khi nhận được giấy phép đi nữa thì năng lực hiện tại của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cũng khó lòng đáp ứng, bởi vì cơ sở vật chất đã bị phá hủy nặng nề.
Nhưng đáng nói nhất, hiện chưa có tiền lệ nào về việc chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống phòng không Patriot cho các quốc gia đối tác của Mỹ. Thay vào đó, việc chế tạo tên lửa được triển khai ở một số nơi trên thế giới.
Điển hình như trong năm nay, công ty quốc phòng châu Âu MBDA đã bắt đầu xây dựng tổ hợp nhà máy ở Đức để sản xuất tên lửa GEM-T cùng đối tác Mỹ, đây có thể là cách mà Ukraine cố gắng theo đuổi.
Việt Dũng
Theo Le Parisien