Những thói quen có hại cho mắt

Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng các thiết bị điện tử, tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài… đang dần trở thành những thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những thói quen tưởng chừng vô hại này lại đang âm thầm gây hại cho đôi mắt của bạn.

Lạm dụng thiết bị điện tử

Việc sử dụng máy tính, điện thoại,… là việc làm thường xuyên trong cuộc sống hiện nay, tuy nhiên quá lạm dụng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ cận thị ở người trẻ, gây mỏi mắt ở mọi lứa tuổi. Thêm vào đó, ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ gây mỏi, khô mắt và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng.

Vì vậy, nếu không thực sự cần thiết thì hãy không dùng điện thoại, máy tính. Cần bỏ thói quen sử dụng điện thoại trước khi lên giường ngủ. Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Điều chỉnh độ sáng màn hình ở mức vừa phải. Nếu phải làm việc máy tính nên nhắm mắt nghỉ ngơi 5-10 phút sau mỗi 30 phút làm việc với máy tính.

Thói quen dụi mắt

Khi xuất hiện các triệu chứng như ngứa mắt, có vật thể lạ bay vào mắt,… chúng ta thường có thói quen dụi mắt để làm dịu bớt cảm giác khó chịu. Đặc biệt với những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, thói quen này xảy ra thường xuyên hơn do mắt hay bị ngứa, đỏ và chảy nước mắt. Việc dụi mắt thường xuyên có thể làm trầy xước giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, dụi mắt còn làm tăng nguy cơ bị giác mạc chóp.

Việc dụi mắt thường xuyên có thể làm trầy xước giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Việc dụi mắt thường xuyên có thể làm trầy xước giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Vì vậy, nếu ngứa mắt hay có dị vật nên rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt. Nếu mắt có dị vật, hãy chớp mắt nhiều lần hoặc sử dụng nước mắt nhân tạo.Làm việc, đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu

Làm việc, đọc sách, sử dụng điện thoại trong điều kiện thiếu ánh sáng yếu sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây mỏi mắt và nhức đầu. Khi thiếu ánh sáng, mắt sẽ phải điều tiết nhiều. Việc đọc sách lâu mà không đủ ánh sáng sẽ khiến mỏi mắt, dần dần mắt sẽ mắc các tật khúc xạ hoặc gia tăng độ cận đối với người cận thị. Đây là thói quen gây hại cho mắt thường gặp ở nhiều lứa tuổi trong đó có thanh niên, học sinh,…

Không khám mắt định kỳ

Nhiều người thường cho rằng khám mắt định kỳ là tốn kém và không cần thiết. Tuy nhiên, việc không khám mắt thường xuyên sẽ khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm các bệnh lý về mắt (đục thủy tinh thể, bong võng mạc, glôcôm,…), điều chỉnh độ cận kính phù hợp với thị lực mắt giúp kiểm soát tiến triển của tật khúc xạ.

Việc khám mắt định kỳ được khuyến khích với từng độ tuổi:

Tuổi vị thành niên (6 – 17 tuổi): Ít nhất 6 tháng/lần.

Người trưởng thành (18 tuổi trở lên): Ít nhất 1 năm/lần.

Người có bệnh lý về mắt cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, duy trì tái khám tối thiểu 1 năm/lần kể cả khi đã điều trị bệnh thành công.

Lạm dụng thuốc nhỏ mắt

Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt sẽ gây giãn các mạch máu ở mắt khi tác dụng của thuốc giảm đi, tạo ra thành vòng luẩn quẩn: đỏ mắt, nhỏ thuốc, mắt càng đỏ và lại càng phải nhỏ thuốc. Thay vào đó, chúng ta cần cố gắng xác định nguyên nhân và đối phó với nó.

Ví dụ, nếu khô mắt do trời lạnh và dùng lò sưởi, hãy đầu tư vào máy tạo độ ẩm và đừng ngồi quá gần máy sưởi.

Bổ sung thêm nước bằng cách uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C, E và chất béo omega-3, như cá hồi. Đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi gió và lạnh.

Thuốc nhỏ mắt có thể dùng thường xuyên đến mức nào lại phụ thuộc vào từng loại. Thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản sẽ có thời hạn sử dụng lâu hơn. Tuy nhiên, chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt gây kích ứng mắt nhiều hơn. Các chuyên gia mắt khuyên không nên sử dụng loại thuốc nhỏ mắt này quá bốn lần một ngày. Thuốc nhỏ mắt không có chất bảo quản là tốt nhất cho những người có mắt nhạy cảm.

Không đeo kính râm khi ra đường

Nhiều người khi ra đường không có thói quen đeo kính ngay cả khi thời tiết nắng nóng. Thói quen này thực sự không tốt cho mắt, việc đeo kính chống bụi thì còn chống cả tia UV. Tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể gây tổn hại trực tiếp cho võng mạc, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. Việc mắt tiếp xúc quá lâu với tia tử ngoại có thể dẫn đến viêm giác mạc do biểu mô giác mạc bị tổn thương.

BS Nguyễn Thu Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-thoi-quen-co-hai-cho-mat-169250215190339742.htm
Zalo