Những thế hệ cán bộ mới sẽ xuất hiện
Việc luật hóa khuyến khích cả những người ngoài Đảng, bộ máy của chính quyền sẽ xuất hiện nguồn bổ sung có chất lượng cán bộ, đảng viên mới cho Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) - nhìn nhận, Kết luận 14 của Bộ Chính trị hay Nghị định 73 của Chính phủ đều xoay quanh hai vấn đề: Một là khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Hai là bảo vệ những cán bộ này như thế nào.
Bày tỏ sự quan tâm đến việc khuyến khích, theo ông Hà, khuyến khích là những ý tưởng mới mà mình đề xuất, những công việc mới mà mình thực hiện phải được lãnh đạo, tập thể ghi nhận, đánh giá đúng sai, chưa hay thì được uốn nắn, tốt rồi thì được khen thưởng, vinh danh…
Được làm đã là sự khuyến khích về tinh thần rất lớn. Được đánh giá đúng qua các hình thức khen ngợi trước tập thể, được xếp loại thi đua, được vinh danh bằng giấy khen, bằng khen, giải thưởng… Đó là sự khuyến khích về mặt tinh thần.
Còn được nâng lương trước thời hạn, được thưởng bằng tiền, bằng hiện vật là sự khuyến khích bằng vật chất cũng rất đáng quý. Nhưng được học tập bồi dưỡng, được đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm thì sự khuyến khích đó càng cao hơn, là động lực lớn lao hơn đối với cán bộ, đảng viên.
Bởi, họ thấy được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, cơ quan, tập thể vào kết quả năng động, sáng tạo, vào sự trưởng thành của mình. Đây là sự khuyến khích để tạo hưng phấn về mặt nghề nghiệp, về mặt chính trị.
Chính vì thế, theo ông Hà, khi có Nghị định 73 thì các cơ quan Đảng, Nhà nước đã có những tiêu chí cụ thể về năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn để đánh giá cán bộ.
"Việc cần làm ngay trong kỳ tổng kết cuối năm nay là các cơ quan nên đưa tiêu chuẩn năng động, sáng tạo vì lợi ích chung vào đánh giá cán bộ. Cấp ủy, lãnh đạo chính quyển cũng cần đưa tiêu chuẩn này vào việc bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ trong giai đoạn sau này. Đó mới là sự thực hiện nhanh nhất, nghiêm túc nhất, đúng đắn nhất Kết luận 14 và Nghị định 73", ông Hà chốt lại.
Trong khi đó ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định, khi khơi gợi, tạo ra cơ chế khuyến khích, bảo vệ theo đúng tinh thần Kết luận c14 và Nghị định 73 sẽ là điều kiện tốt để các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức khu vực công đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ.
Một mặt, chúng ta có khung, khổ pháp lý để đánh giá, để khuyến khích những con người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong bộ máy công quyền.
Mặt khác, có cơ sở để loại bỏ được những cán bộ không có tư duy đổi mới, thậm chí hèn nhát có tư tưởng "mũ ni che tai", "không làm thì không phải chịu trách nhiệm, làm nhiều thì sai nhiều, làm ít thì sai ít, không làm thì không sai".
Nhưng điều mà ông Tiến kỳ vọng hơn nữa, khi chủ trương được luật hóa thì chúng ta sẽ bổ sung được những con người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung các cơ quan của Đảng, bộ máy của Nhà nước.
"Kết luận 14 với phạm vi điều chỉnh là đảng viên, Nghị định 73 hướng tới cán bộ, công chức, viên chức. Còn khi nâng tầm lên ở mức cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước là Quốc hội ban hành thì phạm vi điều chỉnh sẽ là toàn dân", PSG.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ươn - nói.
Ông Phúc giải thích, đừng hiểu luật hóa ở tầm mức Quốc hội là phải xây dựng ngay hẳn một đạo luật mà trước mắt để áp dụng được ngay thì qua sơ kết, tổng kết có thể sửa đổi một vài điểm trong các đạo luật đã có, ban hành một Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đã đánh giá đầy đủ và thực tế cho phép thì nghiên cứu, soạn thảo và cho ra đời đạo luật mới.
Ông Phúc mong muốn việc khuyến khích, bảo vệ người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung không nên chỉ dừng lại ở khu vực công, mà cần mở rộng ra phạm vi toàn xã hội. Đó cũng là điều mà Kết luận 14 muốn hướng tới.
Ông nêu lên thực tế ở khu vực tư nhân rất nhiều người có tư duy năng động, đổi mới sáng tạo và cho rằng nếu chúng ta xây dựng cơ chế để khuyến khích, bảo vệ được họ thì tác động chủ trương của Đảng sẽ lan tỏa rộng lớn và mạnh mẽ hơn rất nhiều, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng có thêm nguồn bổ sung đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Hà cũng cho rằng, một Đảng, một Nhà nước tiến bộ thì làm sao phải phát huy cho bằng được khát vọng được nghĩ, được làm, được cống hiến từ mọi đảng viên, cán bộ trong bộ máy của mình và rộng hơn là của toàn thể Nhân dân.
Ông Hà cho biết, ý kiến lớn thì có tác dụng lớn, ý kiến nhỏ, đề xuất nhỏ thì có tác dụng nhỏ, miễn làm thế nào để từ cán bộ cấp cao đến người dân bình thường đều có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
"Bao giờ cũng vậy, một người nghĩ không bằng trăm, nghìn, triệu người cùng nghĩ. Ai cũng thấy có trách nhiệm của mình trong đó thì rõ ràng tạo nên được một đội ngũ lớn. Nó lan tỏa, tạo xung lực, động lực cho cả một thế hệ. Qua quá trình, sẽ xuất hiện những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, bổ sung vào bộ máy chính quyền", ông Hà nhấn mạnh.
Trong bối cảnh một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa được công bố có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả đó giúp cử tri và Nhân dân hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của những người được Quốc hội giao trọng trách.
Đồng thời, chúng ta kỳ vọng kết quả lấy phiếu tín nhiệm tạo được tính lan tỏa trong việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám giải quyết những việc khó, những vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước mong mỏi.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, một trong những điểm mới mẻ của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là quan tâm đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…
Bà Yên đánh giá, đây là những bước tiến mới cho thấy giá trị của việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn, hiệu quả hơn; biện pháp áp dụng với người có tín nhiệm thấp cũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn.
"Thông qua kết quả tín nhiệm sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Từ đó, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm toàn diện hơn", bà Yên nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các ĐBQH với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực, phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng là sự ghi nhận, động viên của các đại biểu đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu.
"Kết quả phiếu tín nhiệm cũng là căn cứ để các cán bộ tự soi, tự sửa, nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại của chính mình và ở các ngành, lĩnh vực để kịp thời có giải pháp khắc phục", bà Nga nói.
Bà cũng cho rằng, kết quả này với tiêu chí dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cũng sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan Trung ương sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp, đúng năng lực.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - rất tâm đắc với sự đổi mới trong việc lấy phiếu tín nhiệm vừa diễn ra tại Quốc hội.
Theo ông, khi các đơn vị chưa đồng bộ, chưa thống nhất, thậm chí có nơi còn chưa đưa tiêu chí dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong việc đánh giá khi Kết luận 14 đã ra đời thì việc đưa tiêu chí này vào kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm 2023 chính là hình mẫu từ cơ quan quyền lực cao nhất.