Những tấm lưới 'khai xuân'
Khi những cơn mưa cuối năm giăng kín trời, không gian se lạnh, biển dập dồn, cồn lên màu nước đục, ngư dân thường đánh bắt gần bờ, hoặc nghỉ ở nhà chờ sang năm mới, khi biển êm, sóng nhẹ hơn. Nhưng các làng biển không vì thế tĩnh lặng, bởi các nhà lại xúm vào đan, vá lưới đánh cá. Nghề đan lưới làm quanh năm, nhưng những tấm lưới hoàn thành trước Tết mới “khai xuân” vụ đánh bắt mới.
Giữa tiếng mưa rả rích, tiếng ì oạp của sóng biển, căn nhà của ông Trần Đức Thành và bà Đồng Thị Nghị ở Tổ dân phố 2 Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) rộn ràng tiếng nói cười, tiếng lách cách đạp chì kẹp lưới. Dưới sàn nhà, những cuộn cước óng như lụa; đám lưới đan dở bồng bềnh như mây… Mùa này, ông Thành nghỉ đi biển, ở nhà phụ bà Nghị đan lưới, chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm. Vừa thoăn thoắt đan, bà Nghị vừa rỉ rả kể, bà có gần 30 năm theo nghề này. Hồi trước, đã là người làng biển, trẻ em hay người già đều biết đan lưới. Đan lưới không khó, nhưng đan được tấm lưới phát huy hiệu quả trên biển mới là cái tài của người thợ. Lưới thả xuống biển phải có độ chùng, độ giãn vừa phải để cá vào lưới không quậy, không phá lưới thoát ra.
Lưới có nhiều loại: Lưới 2 (kích thước mắt lưới khoảng 4 - 5cm); lưới 3 (mắt lưới khoảng 3,8 - 4,2cm)… Lưới nhặt (mắt lưới nhỏ) dùng để đánh bắt gần bờ, lưới thưa (mắt lưới to) để đánh bắt xa bờ. Loại lưới thưa, mỗi ngày, thợ đan được 50 - 60m (1kg cước); lưới nhặt chỉ đan được chừng 15m (khoảng 3 lạng cước). Một tấm lưới 3 với chiều dài đủ gắn khoảng 200 phao phải đan miệt mài nửa tháng mới xong. Kích thước của tấm lưới cũng không cố định, tùy thuộc đánh bắt ở vùng biển nông hay sâu; có chỗ dùng lưới cao 1,5 - 2m, dài 600 - 700m; có nơi cần lưới cao 3,5m, dài 70m. Chiếc thuyền nhỏ của nhà ông Thành cần 12 tấm lưới; thuyền đi khơi có khi cần cả trăm tấm lưới… Vì vậy, người thợ phải chăm chỉ đan mới kịp có đủ lưới trước mùa biển êm. Với tiền công đan khoảng 200.000 đồng/kg cước, thợ đan lưới đủ chi dùng hằng ngày, lại tận dụng được thời gian rảnh rỗi.
Đan lưới nặng công nên ngày nay, nhiều người chọn mua lưới dệt sẵn về ráp. Nhưng nghề đan lưới không mai một, bởi nhu cầu vá lưới của ngư dân rất cao. Sau mỗi chuyến biển, chủ ghe đều cần thợ đan lưới kiểm tra, vá lại những chỗ rách. “Nghe dễ mà kỳ thực không dễ gì”, ông Võ Văn Bồng (73 tuổi, Tổ dân phố 2 Trường Hải, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) đúc kết từ 25 năm kinh nghiệm. Người vá lưới phải biết chọn loại chỉ phù hợp với tấm lưới; biết bắt đầu vá từ đâu; vá bao nhiêu mắt; vá sao để lưới căng đều, không lùng bùng; đồng thời phải kiên trì tìm cho hết những vết rách, bởi chỉ có vậy miếng rách cũ mới không toác thêm khiến tấm lưới trở nên vô dụng. Một người thợ già có thể vá tấm lưới 100m trong khoảng 5 ngày. Nếu chăm chỉ, khéo nghề, mỗi ngày, thợ vá lưới có thể được trả công 350.000 đồng. Từ tháng 8 đến trước Tết là giai đoạn thợ đan, vá lưới khá bận rộn làm việc kiếm tiền tiêu Tết, cũng để người đi biển có lưới tốt, sẵn sàng cho vụ đánh bắt đầu năm mới.
Dẫu không lênh đênh trên biển, nhưng những người thợ cũng phải vất vả đan, vá lưới để có tấm lưới lành lặn, giúp ghe, tàu đầy cá tôm. Ông Thành bảo, dù lưới dệt sẵn bán nhiều, nhưng độ bền không thể bằng lưới đan tay; khi lưới rách vài chỗ cũng không thể thay mới cả tấm lưới. Công việc của thợ đan, vá lưới vì vậy luôn gắn bó với nghề đánh bắt hải sản, như hậu phương với tiền tuyến. “Một chuyến biển thành công nhờ rất nhiều yếu tố: Biển êm, gió thuận, kinh nghiệm đánh bắt…, và có cả phần kỹ thuật đan, vá lưới của người ở nhà. Lưới tốt cũng bảo đảm mẻ lưới cất lên đầy cá tôm, người làng biển mới ấm no”, vợ ông Bồng nói.
THIỀU HOA - THANH TRÚC