Những tấm gương vượt khó, đổi mới dạy học vì giáo dục vùng cao
Những giáo viên người địa phương đang ngày càng trở thành lực lượng nòng cốt trong việc dạy học ở những nơi vùng cao, vùng xa. Lực lượng này ngày một dồi dào và chính họ là những người truyền cảm hứng cho học trò của mình vượt khó, vươn lên để học tập tốt.
Điểm tựa tinh thần cho học sinh
Chất lượng giáo dục vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn ngày càng được nâng cao đó là kết quả của chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước và sự phấn đấu vươn lên của giáo viên, đặc biệt là tâm huyết của nhiều giáo viên người địa phương hằng ngày bám trường, bám lớp vì học sinh thân yêu.
Điểm mạnh của các giáo viên xuất thân từ vùng núi cao, họ đã quá hiểu những khó khăn, thiệt thòi của trẻ em quê mình. Bản thân thầy cô đã là một tấm gương vượt khó, vươn lên. Vì vậy, chính thầy cô là những tấm gương sáng cho học sinh.
Câu chuyện của thầy Nùng Văn Ran (SN 1988, dân tộc Tày), là một câu chuyện điển hình. Thầy Ran sinh ra trong gia đình bố mẹ nông dân, đông anh em ở vùng núi cao Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Tuổi thơ của thầy đã quen với khó khăn, vất vả nên thầy nỗ lực phấn đấu theo học sư phạm mong một ngày trở thành giáo viên, để được tự mình đem ánh sáng tri thức về với đồng bào vùng dân tộc trên chính quê hương mình.
Bằng những nỗ lực vượt khó, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, thầy Ran được đi dạy học. Nhớ lại những ngày đầu đi dạy học, thầy Ran kể, năm học 2014 - 2015 khi ra trường, thầy được phân công giảng dạy tại điểm trường Nhìu Sang trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Bản Nhùng.
Để được đến điểm trường này, thầy Ran và các thầy cô khác phải vượt quãng đường núi cao. “Vào mùa mưa đường trơn buổi sáng đi làm các thầy cô phải tập trung giúp nhau đẩy xe qua những đoạn dốc đá. Có hôm các thầy cô phải đi bộ leo đồi để đến điểm trường. Khi đi qua khe suối mùa nước lũ, có những lần bị trôi dép, trôi cả cặp sách công tác. Đến điểm trường các thầy cô đều bị ướt” – thầy Nùng Văn Ran kể.
Giờ đây, thầy Ran được điều về dạy học gần nhà hơn, là giáo viên - Tổ trưởng chuyên môn Trường PTDTBT TH&THCS Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Đặc thù học sinh vùng cao ngoài đi học xa, nhiều em bố mẹ đi làm xa nên ở nhà với ông bà. Chính vì thế, tuổi thơ của các em không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn cả tinh thần. Hiểu được học trò của mình thiệt thòi, nên thầy Nùng Văn Ran và các giáo viên luôn động viên, chia sẻ và gần gũi với các em như người cha, người mẹ. Có nhiều lúc, nhiều em ngại học, sợ học nên những giáo viên như thầy Ran phải đến từng nhà để vận động, động viên các em tới trường. Chính sự ấm áp và thấu hiểu hoàn cảnh của học trò nên những giáo viên người vùng cao như thầy Ran trở thành tấm gương cho các em vượt khó, vươn lên trong học tập.
Không ngừng đổi mới phương pháp
Cũng như thầy Ran, cô Ninh Thị Ngọc Sen (SN 1989, dân tộc Tày) cũng là một giáo viên người vùng cao, một tấm gương vượt khó truyền cảm hứng cho chính học sinh của mình. Cô Sen hiện nay công tác tại Trường THPT Sơn Động số 1 (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Suốt 13 năm dạy học, cô gắn bó với ngôi trường ở khu vực xa nhất của tỉnh Bắc Giang, cô Sen không ngừng trăn trở làm sao để học sinh miền núi nơi quê mình yêu thích môn học tiếng Anh, để từ đó có nhiều cơ hội hơn cho chính bản thân mình.
Cô Sen tâm sự: Lý do cô dạy học ngoại ngữ bởi ngày còn bé cô Sen cũng như những người bạn ở quê không có điều kiện tiếp xúc với môn ngoại ngữ. Nhưng lớn lên được đi học tại trường dân tộc nội trú, cô Sen may mắn được tiếp cận với môn ngoại ngữ. Từ đó cô có cơ hội để mở mang kiến thức, có cơ hội để tìm hiểu được thế giới bên ngoài nhiều hơn. Cô Sen đam mê, yêu thích môn học này và quyết tâm để trở thành giáo viên ngoại ngữ.
Cô Sen chỉ mong nhiều học sinh vùng cao, con em dân tộc như cô yêu thích môn học Tiếng Anh hơn nhằm tạo cho mình thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn trong tương lai. Tâm sự về nghề, cô Sen chia sẻ: Học trò vùng cao, ý thức học tập ngoại ngữ chưa cao. Trước đây, môn Ngoại ngữ thi bắt buộc, nên học sinh cũng cố gắng học, nhưng giờ đây môn tiếng Anh không còn là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT nữa nên đại đa số các em tinh thần học tập bộ môn đi xuống. Chỉ còn số ít em muốn theo đuổi việc học lên đại học thì các em mới có ý thức để học Ngoại ngữ.
Nhiều em tâm sự, các em học tiếng Việt đã khó, giờ phải học thêm tiếng Anh. Trước thực trạng như vậy, cô Ninh Thị Ngọc Sen đã luôn trăn trở, tìm cách thay đổi phương pháp dạy học nhằm phù hợp hơn với học trò của mình. “Làm sao cho học sinh yêu thích trở lại môn ngoại ngữ. Làm cho tiếng Anh dễ hơn. Ở trong toàn tỉnh dạy tiếng Anh chỉ dùng chung một bộ sách cho cả miền xuôi, lẫn miền núi nên người giáo viên cũng phải điều chỉnh nội dung cho phù hợp với học sinh, lược bớt những phần khó đi, chỉ giữ lại những phần cơ bản để các em tiếp cận dễ hơn” – cô Sen chia sẻ. Cũng theo cô Sen, nhìn học sinh tiến bộ mỗi ngày, các em trưởng thành hơn đã là điều rất hạnh phúc đối với giáo viên vùng cao như cô.
Dạy học không chỉ bằng trí óc mà bằng cả con tim
Nói về giáo viên vùng cao vượt khó để dạy tốt, thì câu chuyện của cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng.
Cô Hạnh sinh ra và lớn lên trên vùng đất trồng quế Văn Yên - một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái. Từ nhỏ cô đã quen với vất vả thiệt thòi của trẻ em miền núi cao, trong cô cũng ấp ủ ước mơ thành giáo viên. Ước mơ đó ngày càng lớn hơn để rồi khi rời ghế phổ thông cô chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để theo học.
Cô Hạnh tâm sự, từ khi trở thành cô giáo, trong đầu cô luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”. Vì vậy, mỗi giờ học cô đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: Trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải. Phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học.
Không chỉ truyền thụ kiến thức, cô Hạnh luôn cũng tâm niệm, giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải dạy người cho các học sinh thân yêu. Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành học sinh tiêu biểu, những công dân có ích cho xã hội.
Suốt 34 năm qua, cô Hạnh đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, những đổi thay nhưng cô vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước. Năm học này, cô Hạnh vinh dự là giáo viên đầu tiên của tỉnh Yên Bái được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân vì: “Đã có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc”.
Những câu chuyện về các thầy cô giáo vùng cao, những giáo viên sinh ra và lớn lên trong khó khăn nay quay về đem ánh sáng tri thức đến với thế hệ trẻ trên chính quê hương mang tới nhiều cảm xúc. Điều này đã minh chứng cho sự đúng đắn trong chiến lược đào tạo nguồn giáo viên là con em đồng bào, con em địa phương để chính họ trở thành đầu tàu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho quê hương mình cũng là một hướng đi cho sự phát triển bền vững của giáo dục vùng cao.