Những tác động từ cuộc khủng hoảng của Boeing đối với nước Mỹ

Boeing đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trị giá hàng chục tỷ đô la, ảnh hưởng đến công ty, nhân viên, nhà cung cấp, các hãng hàng không và cả nền kinh tế Mỹ.

Sau khi 33.000 thành viên của Hiệp hội Cơ khí Quốc tế đình công chống lại công ty một tháng trước, Boeing đã không thể giao đủ máy bay như đã hứa. Từ đó ảnh hưởng đến các hãng hàng không, đặc biệt là trong các chuyến bay nội địa ở Mỹ.

 Máy bay Boeing 737 MAX. Ảnh: AP

Máy bay Boeing 737 MAX. Ảnh: AP

Những thách thức tài chính mà Boeing đang đối mặt, vốn đã tồn tại từ trước cuộc đình công, đặt ra những lo ngại sâu sắc về tác động đến ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Thiệt hại kinh tế, sa thải công nhân

Hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX xảy ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cướp đi sinh mạng của 346 người và khiến hãng máy bay này phải ngừng hoạt động trong 20 tháng.

Kể từ thời điểm đó, Boeing đã gánh chịu một khoản lỗ lên đến hơn 33 tỷ đô la và tình hình tài chính của hãng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor's, cuộc đình công bắt đầu từ ngày 13 tháng 9 đã khiến công ty mất thêm 1 tỷ đô la mỗi tháng. Việc ngừng sản xuất 737 Max, vốn là dòng máy bay mang lại doanh thu chính cho Boeing, đã cắt đứt nguồn thu nhập ổn định của hãng.

Trước áp lực khủng hoảng, Boeing đang nỗ lực huy động một nguồn vốn lên đến 25 tỷ đô la. Phương án này bao gồm việc vay thêm, phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Song song đó, để giảm thiểu chi phí, công ty quyết định cắt giảm 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương khoảng 17.000 người. Bên cạnh đó, 33.000 công nhân đang đình công cũng sẽ phải đối mặt với việc giảm thu nhập khi chỉ nhận được một phần nhỏ lương thông qua trợ cấp đình công từ công đoàn.

Tác động đến cả nền kinh tế Mỹ và nguy cơ phá sản

Khủng hoảng tài chính tại Boeing không chỉ là tin xấu riêng cho công ty mà còn là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của quốc gia, Boeing đóng góp tới 79 tỷ USD mỗi năm và tạo ra 1,6 triệu việc làm tại Mỹ.

Việc cắt giảm chi tiêu của công ty và các nhân viên bị sa thải sẽ gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là ở Washington. Ngoài ra, hơn 10.000 nhà cung cấp trên toàn quốc cũng sẽ chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng này.

Theo phân tích của Anderson Economic Group, tổng tổn thất từ cuộc đình công của nhân viên Boeing, nhà cung cấp, công ty và chính quyền địa phương đã đạt khoảng 5 tỷ đô la trong tháng đầu tiên.

Việc xếp hạng tín dụng của Boeing có nguy cơ bị hạ xuống mức "rác" sẽ đẩy công ty vào một tình huống tài chính vô cùng khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vay vốn của Boeing sẽ tăng lên đáng kể, gây áp lực lớn lên dòng tiền của công ty.

Hơn nữa, nguy cơ vỡ nợ và phá sản sẽ gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc nộp đơn xin phá sản không nhất thiết dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của một doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn như General Motors đã từng trải qua quá trình này và sau đó phục hồi thành công.

Dẫu vậy, khả năng Boeing buộc phải phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại được đánh giá là không cao. Lý do chính là vị thế độc quyền của Boeing và Airbus trên thị trường máy bay phản lực cỡ lớn. Cả hai hãng gần như là những lựa chọn duy nhất cho các hãng hàng không toàn cầu.

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-tac-dong-tu-cuoc-khung-hoang-cua-boeing-doi-voi-nuoc-my-post317255.html
Zalo