Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 6/1 - 11/1
Nhu cầu mạnh mẽ của Châu Âu đối với dầu thô Guyana; nhập khẩu dầu nhiên liệu của Trung Quốc chậm lại vào đầu năm... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.
Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:
1. Một cuộc khảo sát của công ty luật Haynes Boone LLC cho thấy các ngân hàng đang chuẩn bị cho giá dầu giảm xuống dưới 60 USD/thùng vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Cuộc khảo sát 26 chủ ngân hàng cho thấy họ dự kiến giá WTI sẽ giảm xuống còn 58,62 USD/thùng vào năm 2027, thấp hơn gần 20 USD so với giá trong ngày là 76,22 USD vào trưa ngày 8/1.
2. Công ty Thăm dò và Khai thác lớn nhất Ấn Độ, ONGC đã thuê ông lớn BP làm nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho nỗ lực thúc đẩy khai thác tại mỏ dầu lớn nhất Ấn Độ.
Ấn Độ đang tìm cách tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc cao vào nhập khẩu.
3. Nhu cầu mạnh mẽ của Châu Âu đối với dầu thô Guyana đã đẩy xuất khẩu dầu của quốc gia Nam Mỹ này tăng vọt 54% trong năm ngoái, trong đó Châu Âu chiếm phần lớn các lô hàng, Reuters đưa tin.
Xuất khẩu dầu thô từ Guyana đạt trung bình khoảng 582.000 thùng/ngày trong năm ngoái, do ExxonMobil và các đối tác Hess Corp và CNOOC của Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh khai thác từ Lô Stabroek ngoài khơi, nơi phát hiện hơn 11 tỷ thùng dầu tương đương.
4. Do thuế nhập khẩu tăng, nhập khẩu dầu mazut của Trung Quốc sẽ chậm lại vào đầu năm, điều này có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận lọc dầu của các nhà máy lọc dầu tư nhân tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Kể từ ngày 1/1/2025, Trung Quốc sẽ tăng thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu từ 1% lên 3%. Do đó, nhập khẩu dầu nhiên liệu của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại vào đầu năm nay, các nguồn tin thương mại nói với Reuters.
5. Trung Quốc hiện là nơi có trữ lượng lithium lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Chile nhờ một loạt phát hiện lớn.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc, bước đột phá của Trung Quốc trong hoạt động thăm dò lithium đã nâng tỷ trọng trữ lượng lithium toàn cầu của nước này từ 6% vào năm 2020 lên 16,5% hiện nay, vượt lên trên Australia, Argentina và Bolivia.
6. Năng lượng gió đã vượt qua khí đốt tự nhiên để lần đầu tiên trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất của Vương quốc Anh trong cả năm 2024, Cơ quan Điều hành Hệ thống Năng lượng Quốc gia (NESO) cho hay.
Năm ngoái, gió là nguồn phát điện lớn nhất trong năm kể từ trước đến nay, chiếm 30%, NESO cho biết trong đánh giá của mình.