UNRWA cần hơn 1 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu ở Gaza và Bờ Tây
Giám đốc Truyền thông của Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về cứu trợ và việc làm dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Juliette Touma ngày 15/2 cho biết, cơ quan này cần hơn 1 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động tại Dải Gaza và Bờ Tây.
![Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống miền bắc Dải Gaza ngày 23/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51485978/c8839bf2a8bc41e218ad.jpg)
Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống miền bắc Dải Gaza ngày 23/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Touma cho biết, UNRWA các hoạt động của cơ quan này trên khắp lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng bao gồm cung cấp viện trợ nhân đạo cứu người, trong đó có cung cấp các dịch vụ y tế cũng như vận hành trường học ở Bờ Tây...
Do đó, UNRWA kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, khu vực tư nhân bao gồm các cá nhân, các tổ chức từ thiện tiếp tục cung cấp tài trợ cho UNRWA.
Tháng 1/2024, Israel đã cung cấp dữ liệu cho UNRWA về cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023.
Sau đó, một số quốc gia đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã chỉ định một hội đồng đánh giá độc lập để xem xét các hoạt động của UNRWA.
Báo cáo điều tra của LHQ kết luận, Israel không cung cấp bằng chứng nào về việc các nhân viên của UNRWA bị cáo buộc là thành viên của các tổ chức khủng bố. Sau thông báo, nhiều quốc gia đã tiếp tục tài trợ cho cơ quan này.
Liên quan đến tình hình Gaza, bà Touma cho rằng việc duy trì lệnh ngừng bắn tại vùng lãnh thổ này là ưu tiên hàng đầu và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận.
Bà Touma nêu rõ: "Ở Gaza, nhu cầu cấp thiết nhất là duy trì lệnh ngừng bắn và sự an toàn cho người dân Gaza”. Trong khi đó, nhu cầu tại Bờ Tây là chăm sóc sức khỏe cơ bản và giáo dục.
Đồng thời, bà Touma cũng khẳng định UNRWA sẵn sàng cung cấp các dịch vụ được yêu cầu và nhấn mạnh UNRWA là cơ quan cứu trợ lớn nhất tại Gaza.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực từ ngày 19/1 vừa qua với vai trò trung gian hòa giải là Qatar, Ai Cập và Mỹ. Tuy nhiên gần đây, thỏa thuận có nguy cơ đổ vỡ do Israel và Hamas liên tục đổ lỗi cho nhau về việc tuân thủ thỏa thuận.