Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua

Đầu năm 2025 nhiều quy định mới về giáo dục đã được ban hành như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quy định mới về dạy thêm, học thêm; Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát động phong trào dạy và học ngoại ngữ trong trường học...

Nghị quyết số 57-NQ/TW thôi thúc cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học đổi mới tư duy kiến tạo

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trang tin điện tử Dân vận trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Theo nhiều chuyên gia, Nghị quyết 57 – NQ/TW vừa ban hành lấy chuyển đổi số và công nghệ cao làm mũi nhọn phát triển và chấn hưng đất nước. Các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu của hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cột, vì vậy giáo dục đại học Việt Nam có cất cánh, đất nước mới cất cánh được. Cách tiếp cận và tư duy của các bộ ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học và toàn xã hội phải quyết liệt và mạnh mẽ như vậy, với tư duy mới, tầm nhìn mới để xây dựng Luật Giáo dục đại học, Luật KHCN và các thể chế chính sách mới. Có như vậy mới mong có những cải cách đột phá trong quá trình triển khai thực hiện.

Nghị quyết 57 – NQ/TW vừa là quyết tâm của Đảng, nhưng cũng thể hiện khát vọng của dân tộc, mong mỏi của nhân dân, các nhà khoa học – đặc biệt là các nhà khoa học trẻ; thôi thúc cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học đổi mới, với tư duy kiến tạo, phải tạo động lực và cơ hội cho mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nắm bắt nhanh cơ hội, mọi nguồn lực, không để sáng kiến nào bị bỏ sót, không để nhân tài nào bị lãng quên. Tất cả vì đất nước phát triển, quốc gia hưng thịnh, tiến nhanh, mạnh, vững chắc và bền vững.

Nghị quyết này sẽ đi vào lịch sử, và rất kịp thời, đúng thời điểm khi cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Là kim chỉ nam, định hướng cho chiến lược phát triển của các Đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, đích thân đồng chí Tổng Bí thư – người lãnh đạo cao nhất làm Tổng tư lệnh, làm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển KHCN và chuyển đổi số quốc gia. Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước, mặt khác, đồng chí Tổng Bí thư là con người có tầm nhìn, quyết liệt, ngắn gọn súc tích, nói ít làm nhiều, “thực chiến” – khiến cho tôi và đội ngũ các nhà khoa học rất phấn khởi, tuyệt đối tin tưởng vào sự thành công.

Chính thức nghiêm cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình bên ngoài nhà trường

Ngày 3.1, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm. học thêm.

Theo Thông tư, nghiêm cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình bên ngoài nhà trường với chính học sinh mà mình phụ trách tại trường.

Quy định này nhằm giải quyết tình trạng một số giáo viên ép buộc học sinh tham gia lớp học thêm, dẫn đến sự mất công bằng giữa học sinh và gây áp lực không đáng có. Động thái này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, đảm bảo học sinh tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường

Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư 29 mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh gồm:

Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt;

Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không tổ chức dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học.

Bên cạnh đó, Thông tư 29 cũng quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lí an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Việt Nam phấn đấu vào top 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á

Tuần qua Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Chiến lược, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

 Việt Nam phấn đấu vào top 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 tầm nhìn 2045

Việt Nam phấn đấu vào top 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 tầm nhìn 2045

Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ.

Đồng thời, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Đặt mục tiêu số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.

dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%. Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào học ngoại ngữ trong trường học

Tại Lễ phát động phong trào học ngoại ngữ, nhân rộng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, ngoại ngữ đã trở thành chiếc chìa khóa vàng, mở ra cánh cửa tri thức, hội nhập quốc tế và cơ hội nghề nghiệp. Việc thông thạo ngoại ngữ không chỉ giúp chúng ta giao lưu văn hóa mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh cá nhân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào học ngoại ngữ trong trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào học ngoại ngữ trong trường học

Để cụ thể hóa việc thực hiện giải pháp đó, Bộ GDĐT tổ chức phát động phong trào học ngoại ngữ, nhân rộng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ cấp tiểu học với mục tiêu tổ chức phong trào học ngoại ngữ, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ nhu cầu học tập, trao đổi thông tin và công việc.

Theo Vụ trưởng Trần Văn Đạt, việc phát triển và nhân rộng mô hình tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, tăng cường xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ cần phải ưu tiên các hoạt động theo định hướng nghề nghiệp, phục vụ nhu cầu công việc và hỗ trợ kết nối việc làm. Vì vậy, Bộ GDĐT đề nghị các cấp chính quyền, địa phương quan tâm, tạo điều kiện để việc phát động phong trào học ngoại ngữ, xây dựng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các nhà trường thực sự hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và toàn thể các em học sinh.

Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được Bộ GD-ĐT ban hành gồm 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực khác nhau gồm: Thể chất, tình cảm và xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, thẩm mĩ, tiếp cận với việc học.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Bộ chuẩn quy định, trẻ em 5 tuổi là trẻ em trong độ tuổi từ 60 - 71 tháng (71 tháng 29 ngày). Bộ chuẩn là tập hợp những chuẩn, chỉ số thuộc các lĩnh vực, định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ em 5 tuổi. Chuẩn là những mong đợi trẻ em 5 tuổi biết và có thể làm được sau quá trình giáo dục.

Theo đó, những năng lực cơ bản trong lĩnh vực thể chất được phản ánh thông qua sức khỏe thể chất; thực hiện các kỹ năng vận động; hiểu biết, thực hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.

Cảnh báo giả mạo con dấu và chữ ký lãnh đạo Bộ GD-ĐT để lừa đảo học bổng

Ngày 4.1, Bộ GD-ĐT đã phát đi cảnh báo về tình trạng giả mạo con dấu và chữ ký lãnh đạo Bộ trên văn bản giả mạo nhằm lừa đảo học bổng, đặc biệt nhắm đến học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Theo đó, tại văn bản giả mạo này cho biết Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xét duyệt 5 suất học bổng, trị giá 30.000 USD mỗi học bổng cho sinh viên.

 Trang Fanpage chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát thông tin cảnh báo

Trang Fanpage chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát thông tin cảnh báo

Ngoài các giấy tờ cá nhân, văn bản yêu cầu đối tượng là sinh viên muốn đăng ký học bổng phải có chứng nhận tài sản, đảm bảo tài chính, sao kê ngân hàng (theo mẫu). Thời hạn hoàn thành trước ngày 3.1.

Bộ GD-ĐT khuyến cáo mọi cá nhân cần kiểm tra thông tin chính thức từ website hoặc kênh liên lạc của các trường và Bộ. Đồng thời, các trường đại học và cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, minh bạch hóa thông tin học bổng để ngăn chặn các hình thức lừa đảo tinh vi.

Quốc Việt (tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-su-kien-giao-duc-noi-bat-tuan-qua-post401140.html
Zalo