Những sự cố 'phanh ma' của xe tự lái Trung Quốc

Mẫu SUV hạng sang Li Auto L9 liên tục xuất hiện trên tiêu đề báo chí vì hệ thống hỗ trợ người lái gây tai nạn, phát hiện ma ở nghĩa trang...

 Mẫu xe Li Auto L9. Ảnh: Li Auto.

Mẫu xe Li Auto L9. Ảnh: Li Auto.

Phanh khẩn cấp tự động (AEB) là tính năng phổ biến trên nhiều ô tô, nhằm giảm tốc độ phương tiện khi tài xế không nhận ra mối nguy hiểm trước mắt hoặc không thể phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, những hệ thống tự động này không hề hoàn hảo.

Một sự cố hy hữu gần đây ở Trung Quốc là minh chứng mới nhất. Trong đó, "nhân vật chính" là Li L9, mẫu SUV hạng sang cỡ lớn của nhà sản xuất Trung Quốc Li Auto.

Nhầm biển quảng cáo là xe thật

Cụ thể, ngày 11/5, bài đăng “Li L9 nhận nhầm biển quảng cáo là xe thật, phanh gấp và gây tai nạn” đã lan truyền trên mạng xã hội nước này. Một chủ xe Li L9 ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc cho biết khi đang lái xe trên đường cao tốc với hệ thống hỗ trợ người lái (ADAS), xe phát hiện hình ảnh một chiếc xe tải nhỏ phía trước nên tự động phanh gấp.

Trong đoạn video quay lại, chiếc L9 đang chạy với tốc độ 80 km/h trên đường cao tốc G70. Hình ảnh xe tải phía trước hóa ra là một biển quảng cáo bên đường. Theo đoạn phim, chiếc xe ngay lập tức giảm tốc độ, phanh gấp và gây ra tai nạn. Đây là một thao tác nguy hiểm, chỉ có thể thực hiện trên đường cao tốc thông thoáng, ít xe.

Theo trang tin The Autopian, hãng Li Auto thừa nhận rằng sự việc hệ thống hỗ trợ lái xe ADAS đã xác định nhầm hình ảnh xe quảng cáo là xe thật, đồng thời hứa sẽ sớm tung ra bản cập nhật cho hệ thống này.

Sự cố như trên - thường biết đến với tên gọi “phanh ma” - được cho là không quá hiếm gặp trên các mẫu xe có trang bị hệ thống hỗ trợ người lái bán tự động.

 Biển quảng cáo bị Li Auto L9 nhầm là xe tải. Ảnh: Douyin.

Biển quảng cáo bị Li Auto L9 nhầm là xe tải. Ảnh: Douyin.

Có tên là AD-Max, hệ thống ADAS của Li Auto L9 hoạt động bằng cách sử dụng nhiều cảm biến khác nhau. Hệ thống này dùng 2 GPU Nvidia Orin-X để xử lý. AD-Max còn được trang bị cụm 6 camera độ phân giải 8 MP và 5 camera 2 MP để nhận dạng các vật thể xung quanh.

Nhưng hiện tại, công nghệ lái xe thông minh mới chỉ ở giai đoạn L2. Điều này có nghĩa là hệ thống và thuật toán của các hãng ôtô vẫn chưa đủ trưởng thành để thay thế hoàn toàn con người khi điều khiển phương tiện.

Theo tiêu chuẩn Trung Quốc, cấp độ 2 (L2) được phân loại là hỗ trợ lái xe kết hợp. Hệ thống ADAS trên xe có thể tự điều khiển đồng thời cả vô lăng và phanh trong một số trường hợp.

Nhưng tài xế vẫn phải luôn tập trung và luôn sẵn sàng can thiệp, tự điều khiển xe bất cứ lúc nào cần thiết. Do đó, trách nhiệm chính vẫn thuộc về người điều khiển. Autopilot của Tesla, Audi Traffic Jam Assist, Nissan ProPilot là một vài cái tên khác được phân loại vào hệ thống tự lái cấp độ 2.

Hệ thống hỗ trợ lái không hoàn hảo

Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên Li Auto L9 xuất hiện trên đầu đề báo chí vì gây tai nạn do “phanh ma”. Nhiều sự cố đã xảy ra dù Li Auto L9 được trang bị hệ thống hỗ trợ lái tân tiến với cảm biến lidar, radar và siêu âm cùng với nhiều camera.

 Hệ thống ADAS trong xe Li Auto L9. Ảnh: Li Auto.

Hệ thống ADAS trong xe Li Auto L9. Ảnh: Li Auto.

Gần đây nhất, ngày 15/6, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện thông tin loạt xe Li Auto đã xảy ra va chạm ở Sán Đầu, Quảng Đông, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Vụ việc xảy ra trong buổi tụ tập của câu lạc bộ xe Sán Đầu của Li Auto với khoảng chục chiếc ôtô chạy theo đội hình.

Đột nhiên, xe dẫn đầu giảm tốc độ khiến một số xe đi phía sau đồng loạt va chạm. Sự cố khiến tổng cộng 5 xe hư hỏng.

Theo Pandaily, nguyên nhân là xe đã kích hoạt cảnh báo va chạm và phanh tự động khẩn cấp trước khi va chạm. Xe phía sau chạy với tốc độ cao, bám quá sát xe phía trước, kết hợp với tình trạng đường trơn do trời mưa nên đã xảy ra tai nạn.

Hồi tháng 1, một người dùng Li Auto L9 cũng chia sẻ bài viết và video về sự cố của hệ thống hỗ trợ lái trên trang cá nhân.

Cụ thể, khi xe phía trước giảm tốc độ và chuyển làn sang trái với tốc độ 55 km/h, chiếc Li Auto L9 trong video đã không chủ động phanh hoặc nhắc nhở chủ xe đang đi với tốc độ 113 km/h. Cuối cùng, 2 xe va chạm vào nhau. Tài xế cho rằng đây là lỗi của hệ thống tự lái.

Thậm chí, hệ thống ADAS trên một chiếc Li Auto L9 còn từng phát hiện một vài bóng người đang di chuyển giữa nghĩa trang. Quan trọng là sau khi kiểm tra bằng mắt thường, người này cho biết thực chất không hề tồn tại bóng dáng của bất kỳ ai xung quanh xe.

 Tai nạn hồi tháng 1 của Li Auto L9. Ảnh: CNC.

Tai nạn hồi tháng 1 của Li Auto L9. Ảnh: CNC.

Trước sự việc này, hãng Li Auto khẳng định đây không phải là một hiện tượng siêu nhiên hay liên quan đến tâm linh. Trên thực tế, nó là do khả năng nhận dạng của các cảm biến hiện nay vẫn còn hạn chế.

Không chỉ Li Auto L9, xe điện của các nhà sản xuất khác như Xpeng Motors, Nio, Aito và Tesla cũng dính vào các vụ tai nạn tương tự do những hạn chế trong hệ thống hỗ trợ người lái.

Nói với trang tin địa phương Yicai, một chuyên gia cho biết các hệ thống hỗ trợ lái xe thông thường sử dụng camera và radar sóng milimet để cảm biến. Song, độ chính xác của camera khi nhận dạng vật thể rất thấp.

Trong khi đó, radar sóng milimet rất chính xác khi nhận dạng mọi thứ, nhưng lại kém nhạy hơn với các vật thể tĩnh. Vì vậy, những hệ thống như vậy không hoàn hảo.

“Khi các nhà sản xuất ôtô quảng cáo hệ thống lái xe thông minh, họ thường nhấn mạnh vào tính năng này, khiến một số người dùng quá tin tưởng vào hệ thống tự động. Các hãng nên thông báo cho chủ xe về những hạn chế của các hệ thống hỗ trợ lái và những rủi ro tiềm ẩn”, vị chuyên gia đề xuất.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-su-co-phanh-ma-cua-xe-tu-lai-trung-quoc-post1486010.html
Zalo