Những rủi ro cho Israel nếu dốc toàn lực trong xung đột với Hezbollah
Hezbollah được đánh giá là đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với Hamas và nếu Israel muốn cùng lúc đánh lớn trên cả hai mặt trận, họ sẽ phải đối diện với nguy cơ dàn trải binh sĩ gây bất lợi không nhỏ.
Hezbollah mạnh hơn cả Hamas
Theo hãng tin CNN, sau gần một năm giao tranh ở Gaza, Israel bắt đầu quay sang tấn công mạnh mẽ vào lực lượng Hezbollah ở Lebanon với những đợt không kích dồn dập khiến gần 560 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương.
Một câu hỏi đặt ra cho Israel lúc này là liệu họ có đủ khả năng tiến hành đồng thời hai cuộc chiến trên hai mặt trận khác nhau trong bối cảnh suốt một năm qua, binh sĩ Israel gần như không được ngơi nghỉ cùng với áp lực ngày càng gia tăng từ người dân về một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao đổi con tin.
Kể từ ngày 8/10/2023, chỉ một ngày sau đợt đột kích bất ngờ của Hamas vào Israel, Hezbollah và Israel đã thường xuyên có những đợt giao tranh xuyên biên giới nhằm về phía đối phương.
Hezbollah tuyên bố họ tấn công Israel nhằm phản đối cuộc chiến ở Gaza và yêu cầu ngừng bắn, đổi lấy việc họ ngừng nổ súng về phía Israel.
Tuy nhiên, sau hai loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah mà lực lượng này cáo buộc do Israel tiến hành. Cả hai bên đã liên tục tăng cường các cuộc giao tranh nhằm về phía đối phương.
Các chuyên gia nhận định trong trường hợp Israel muốn đánh tổng lực với Hezbollah, họ nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Hamas và vì thế, cái giá phải trả có thể cũng đắt hơn.
"Hezbollah không phải là Hamas", nhà nghiên cứu cao cấp Yoel Guzansky tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv, từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia qua 3 đời Thủ tướng Israel nhận định.
Theo ông Guzansky, Hezbollah có tiềm lực quân sự đáng gờm.
Minh chứng rõ nhất là hồi cuối tuần qua, Hezbollah đã có đợt không kích chọc sâu vào lãnh thổ Israel gây ảnh hưởng đến các khu vực Kiryat Bialik, Tsur Shalom và Moreshet gần cảng Haifa, cách khu vực biên giới phía Nam của Lebanon khoảng 40km.
Không chỉ sở hữu những loại vũ khí hiện đại, Hezbollah còn có trong tay những loại vũ khí chiến lược thông qua sự hỗ trợ của các đồng minh tại khu vực Trung Đông như Iran, Iraq và Yemen.
Các nhà phân tích quân sự ước tính Hezbollah hiện có khoảng từ 30-50.000 binh sĩ. Tuy nhiên, theo thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, lực lượng này hiện có hơn 100.000 chiến binh và lực lượng dự bị. Ngoài ra, Hezbollah còn sở hữu khoảng từ 120-200.000 quả rocket và tên lửa.
Vũ khí quan trọng nhất của Hezbollah chính là những quả tên lửa đạn đạo tầm xa với số lượng lên đến hàng nghìn quả, trong đó có khoảng 1.500 tên lửa có độ chính xác cao với tầm bắn từ 250-300km.
Binh sĩ giãn mỏng, kinh tế ảnh hưởng
Trong khi đó, theo CNN, Israel là một quốc gia có diện tích nhỏ và nhân lực quân đội không quá lớn. Trong bối cảnh Israel đang tăng tốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thứ 2, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phải điều chuyển một số đơn vị then chốt tại Gaza lên biên giới phía Bắc.
"Khi bạn phải chiến đấu nhiều hơn một mặt trận, bạn sẽ không thể đầu tư quá nhiều cho từng mặt trận. Đó sẽ là một cuộc chiến hoàn toàn khác biệt", bà Orna Mizrahi, chuyên gia nghiên cứu về Hezbollah tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant xác nhận, trọng tâm chính của các cuộc giao tranh đã dịch chuyển về hướng Bắc và Israel đã điều động binh sĩ cùng các nguồn lực quan trọng nhất tới đó.
Trong số các đơn vị được điều lên mặt trận phía Bắc có Sư đoàn 98, lực lượng lính dù tinh nhuệ của Israel còn được biết đến với tên gọi Utzbat HaEsh với quân số vào khoảng từ 10-20.000 binh sĩ.
Theo chuyên gia Guzansky, việc điều động binh sĩ và các nguồn lực trọng yếu đến Lebanon không đồng nghĩa cuộc chiến tranh tại Gaza đã chấm dứt mà chỉ cho thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang muốn giải quyết vấn đề ở mặt trận phía Bắc trước áp lực phải bảo vệ những người đi sơ tán trở về an toàn.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích và giới chức quân sự Israel đều cho rằng Lực lượng Phòng vệ Israel đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Chỉ riêng cuộc chiến với Hamas đã khiến quân đội Israel phải tuyển mộ thêm 295.000 binh sĩ dự bị. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Tình hình càng thêm khó khăn khi chi tiêu quân sự của Israel gia tăng chóng mặt còn nền kinh tế nước này lại đang suy giảm.
Hồi đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Amir Yaron cảnh báo các cuộc chiến tranh có thể khiến Israel tiêu tốn khoảng 67 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025, tương đương 13% GDP của nước này.
Ngoài ra, việc mở rộng quy mô xung đột cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá tín dụng của Israel khiến nhà nước Do Thái phải chịu lãi suất cao hơn. Kể từ khi chiến tranh nổ ra hồi tháng 10/2023, nhiều hãng tín dụng đã đánh tụt mức độ tín nhiệm của Israel.
Trong thông cáo đưa ra hồi tháng 8, hãng đánh giá tín dụng Moody cảnh báo, cuộc chiến toàn diện giữa Israel với Hezbollah hoặc Iran có thể gây hệ lụy nghiêm trọng cho Israel trong con mắt của các chủ nợ.
Chính vì thế, theo chuyên gia Mizrahi, việc Israel có đủ khả năng thực hiện cuộc chiến trên hai mặt trận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của Mỹ.
"Lực lượng phòng vệ Israel có thể chiến đấu lâu dài trên cả hai mặt trận và chúng tôi có thể làm được điều này nếu chúng tôi nhận được sự ủng hộ về đạn dược từ phía Mỹ", bà Mizrahi nhận định.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nếu chiến tranh tổng lực nổ ra, Mỹ chắc chắn sẽ can thiệp vào cuộc chiến để ủng hộ Israel.