Kho vũ khí quân sự của lực lượng Houthi có những gì?
Hôm 8/11, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố bắn một tên lửa siêu thanh trúng mục tiêu trong căn cứ không quân Nevatim ở sa mạc Negev, miền Nam Israel. Đây là lần thứ 2 Houthi sử dụng loại tên lửa siêu thanh có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 16, tức là gấp 16 lần vận tốc âm thanh (19.755 km/h). Đáng chú ý, tên lửa này chỉ là một trong số hàng loạt vũ khí hiện đại khác mà lực lượng Houthi đang sở hữu.
Tên lửa siêu thanh bí ẩn
Theo tin từ hãng Reuters, Nevatim là một trong những căn cứ không quân lớn nhất của Israel và là nơi đóng quân của 3 phi đoàn tiêm kích tàng hình F-35I do Mỹ sản xuất. Căn cứ này từng là mục tiêu bị Iran tập kích trước đó hơn một tháng. Nguồn tin từ quân đội Israel (IDF) cũng xác nhận thông tin về một tên lửa được phóng đi từ lãnh thổ Yemen và lao về phía Israel.
Người phát ngôn của lực lượng Houthi cho hay, tên lửa này là Palestine-2 do chính Yemen sản xuất. Với thiết kế 2 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, Palestine-2 có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 16, tức là gấp 16 lần vận tốc âm thanh (19.755 km/h) và có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 2.150 km. Đặc biệt, tên lửa này có khả năng cơ động ở tốc độ như vậy và có đặc điểm tàng hình nhằm vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới.
Hồi tháng 9, khi lực lượng Houthi lần đầu tiên phóng Palestine-2, tên lửa này đã bay được 2.040 km trước khi bắn trúng mục tiêu ở miền Trung Israel.
Lúc đầu, dựa vào những hình ảnh và video được công bố, giới quân sự phương Tây vẫn cho rằng, có vẻ như tên lửa mà lực lượng Houthi nói thực chất là tên lửa Khiebar Shekan của Iran hoặc một biến thể nhất định của tên lửa này. Ngoài ra, có khả năng Palestine-2 không phải là siêu thanh theo nghĩa thông thường của từ này bởi thời gian bay của tên lửa (theo tuyên bố của cả Houthi và IDF là 11,5 phút).
Đại diện của IDF còn khẳng định, trước tháng 9/2024, lực lượng Houthi đã giới thiệu tên lửa này ít nhất 2 lần: một lần dưới tên gọi Hatem và lần thứ hai dưới tên gọi Palestine. Do đó, tên lửa được phóng đi hồi tháng 9 và hôm 8/11 mới được gọi là Palestine-2.
Khiebar Shekan là tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn của Iran do đơn vị hàng không vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sản xuất. Đây là thế hệ tên lửa thứ ba của IRGC và được công bố vào năm 2022, tại một buổi lễ có sự tham dự của các chỉ huy quân sự Iran nhân dịp kỷ niệm 43 năm Cách mạng Iran. Tên lửa này được đẩy bằng nhiên liệu rắn và đầu đạn của nó có thể cơ động ở giai đoạn cuối với mục tiêu là tránh được các hệ thống phòng không. Khiebar Shekan có khả năng bắn trúng mục tiêu với tầm bắn 1.450 km và mang theo đầu đạn 500 kg.
Năm 2023, có vẻ như Iran đã giới thiệu một phiên bản tên lửa khác có tên Khiebar Shekan-2. Sự thay đổi dễ thấy nhất ở phiên bản Khiebar Shekan-2 nằm ở đầu đạn, hiện có hình nón và dài hơn so với phiên bản trước, có hình nón ba cạnh. Nhiều nguồn tin ở Iran khẳng định, đầu đạn của Khiebar Shekan-2 được làm từ vật liệu composite tiên tiến, nhẹ hơn. Những cải tiến này giúp tăng khả năng chịu nhiệt, cải thiện khả năng cơ động và mở rộng tầm bắn (do giảm trọng lượng).
Một suy đoán nổi lên liên quan đến sự thay đổi này là có thể đây là nỗ lực tích hợp đầu đạn của tên lửa siêu thanh Fatah 1 hoặc một số bộ phận của tên lửa để thử nghiệm hiệu suất của nó. Chính vì lý do này nên phương Tây vẫn cho rằng tên lửa Hatem, hay Palestine hoặc giờ là Palestine-2 có nguồn gốc từ Khiebar Shekan.
Cũng có nhà phân tích quân sự chỉ ra sự tương đồng đáng kể giữa Khiebar Shaekan trong cấu hình của Palestine và Fatah 1 của Iran, từng được giới thiệu là một tên lửa siêu thanh tiên tiến. Khoảng cách giữa miền Trung Israel và các khu vực phía Bắc của lãnh thổ do Houthi kiểm soát là khoảng 1.800 km. Ngay cả khi lực lượng Houthi "làm tròn" phạm vi được báo cáo, thì nó vẫn xa hơn nhiều so với tầm bắn 1.450km của tên lửa Khiebar Shekan.
Trong khi đó, các chuyên gia của Liên hợp quốc thì khẳng định, lực lượng Houthi không thể chế tạo được vũ khí nguy hiểm nhất của họ nếu không có sự giúp đỡ của Iran và các nước khác. Vì thế, với tên lửa Palestine-2, nhiều khả năng tên lửa này đã được giảm đáng kể trọng lượng đầu đạn xuống mức tối thiểu cần thiết để bay. Một khả năng khác thực hiện nhiều cải tiến đối với tên lửa trong đó có việc làm tăng tầm bắn và thay đổi cấu hình bay của tên lửa.
Kho vũ khí khổng lồ
Một điểm đáng chú ý nữa là ngoài tên lửa siêu thanh Palestine-2 đang gây tranh cãi, lực lượng Houthi còn sở hữu nhiều loại vũ khí hạng nặng hiện đại khác. Farzin Nadimi, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông Washington khi trả lời phỏng vấn tờ The Iran Primer khẳng định rằng, từ cuối năm 2023, lực lượng Houthi đã “tự tin” khi tấn công các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ và trở thành nhóm vũ trang đầu tiên bắn tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Nguyên do là vì lực lượng này có nhiều loại tên lửa có tầm bắn tới 2.000 km và máy bay không người lái có tầm bắn lên tới 2.500 km.
Lực lượng Houthi đã sử dụng kết hợp các thành phần thiết bị từ Iran và các bộ phận hoặc vật liệu có sẵn trên thị trường để sản xuất máy bay không người lái tại Yemen. Ngày 19/7/2024, lực lượng Houthi đã tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có vào Tel Aviv (Israel) bằng máy bay không người lái tự sát. Samad-3 đã được cải tiến để có thể bay theo lộ trình gián tiếp khoảng 1.615km từ Yemen và tiếp cận từ phía Tây…
Farzin Nadimi đánh giá, lực lượng Houthi có tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, tên lửa hành trình, tên lửa biển đối biển, UAV tấn công và tự sát cùng một đội máy bay không người lái. Kho vũ khí này giúp lực lượng Houthi có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các địa điểm chiến lược ở phía Nam Israel bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo và UAV. Tên lửa đạn đạo của Houthis có tầm bắn xa là từ 1.600 km-2.000 km; trong đó phải kể đến tên lửa đạn đạo chống hạm Asif có tải trọng 500kg, giống tên lửa Khalij Fars của Iran; tên lửa đạn đạo Burkan-1 với tầm bắn 800km, tương đương với tên lửa Shahab-1 của Iran; tên lửa Burkan-2 giống Qiam-1 của Iran với tầm bắn 1.000km, trọng tải 250kg; tên lửa Burkan-3 hay còn gọi là Zulfiqar giống tên lửa Qiam/Rezvan của Iran với tầm bắn 1.200km.
Tháng 9/2023, Houthi còn cho ra mắt tên lửa đạn đạo Toofan giống tên lửa Shahab-3 với tầm bắn 1.950km và mang đầu đạn hạt nhân 800kg. Một số nguồn tin khác cho hay, Houthi đã sử dụng tên lửa Toofan khi đối chọi với Israel khiến IDF phải sử dụng đến tên lửa đánh chặn Arrow tầm cao và hệ thống tên lửa đánh chặn Iron Dome tầm ngắn để ngăn chặn. Ngoài ra, lực lượng Houthi còn có một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn như Karar ra mắt năm 2022, tầm bắn 300km; tên lửa đạn đạo chống hạm Mohit với tầm bắn 300 km, trọng tải 165kg; tên lửa Tankeel tương đương tên lửa Zoheir của Iran, ra mắt năm 2023, tầm bắn 500 km.
Về tên lửa hành trình, lực lượng Houthi có tên lửa hành trình chống hạm Al Mandab-1 với tầm bắn 40 km, trọng tải 165 kg; tên lửa Quds-4 có tầm bắn lên đến 2.000 km; tên lửa hành trình chống hạm Rubezh giống tên lửa P-21/P-22 của Nga với tầm bắn 80 km; tên lửa hành trình chống hạm Sayyad có trọng tải 200kg- phiên bản chống hạm của tên lửa hành trình Quds của Iran, được trang bị đầu dò radar và tên lửa Soumar ở nhiều dạng khác nhau có tầm bắn 2.000 km, có khả năng mang tải trọng 500 kg. Theo chuyên gia tên lửa Fabian Hinz, Soumar có kích thước nhỏ hơn tên lửa Quds của Iran và là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất chứ không phải từ trên không.
Dàn máy bay tấn công không người lái của Houthi gồm Qasef-1 với khoảng cách bay 200 km và hệ thống vũ khí gồm 45 kg thuốc nổ; Qasef-2K giống loại Ababil-T của Iran ra mắt năm 2019; Samad-2 ra mắt năm 2019 với khoảng cách bay lên đến 1.500 km, hệ thống vũ khí có thể bao gồm 18kg thuốc nổ; Samad-3 với khoảng cách bay 1.800km; Samad-4 ra mắt năm 2021 có khoảng cách bay lên tới 2.500 km và hệ thống vũ khí có thể bao gồm tới 45kg thuốc nổ; Waid-1 ra mắt năm 2023, tương đương Shahed-131 của Iran…