Những rào cản pháp lý nếu ông Trump muốn sắp xếp tinh gọn bộ máy chính phủ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch giao cho Bộ Hiệu suất Chính phủ dẫn đầu sắp xếp tinh gọn bộ máy, cắt giảm ngân sách chính phủ. song chuyên gia cho rằng việc này sẽ phải đối mặt rào cản pháp lý.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền sắp tới là cắt giảm 2.000 tỉ USD từ ngân sách nhà nước. Kế hoạch cắt giảm sẽ do Bộ Hiệu suất Chính phủ - tỉ phú Elon Musk và tỉ phú Vivek Ramaswamy đồng lãnh đạo - dẫn đầu thực hiện.

Hai doanh nhân này đã đề xuất các ý tưởng như đình chỉ hàng loạt quy định, cắt giảm lực lượng lao động liên bang và thậm chí xóa bỏ một số cơ quan chính phủ.

Tuy nhiên, nỗ lực của tổng thống đắc cử trong việc cắt giảm các chương trình liên bang và trách nhiệm tài chính mà quốc hội Mỹ đã thông qua qua nhiều thế hệ có thể đối mặt những rào cản pháp lý lớn, theo tờ The Wall Street Journal (WSJ).

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Không dễ xóa bỏ các cơ quan chính phủ

Các chuyên gia pháp lý tỏ ra hoài nghi về các đề xuất của ông Trump và các cố vấn của ông nhằm loại bỏ hoàn toàn một số cơ quan chính phủ.

Ông Trump đã nêu ý tưởng xóa bỏ Bộ Giáo dục, trong khi tỉ phú Musk kêu gọi loại bỏ Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) - cơ quan được quốc hội thành lập sau khủng hoảng ngân hàng 2008-2009.

Tuy nhiên, do Bộ Giáo dục và CFPB, giống như các cơ quan liên bang khác, được thành lập bằng luật pháp, việc xóa bỏ các cơ quan này đòi hỏi một đạo luật từ quốc hội Mỹ. Ngay cả khi đảng Cộng hòa có thể tập hợp được đa số tại Hạ viện để giải thể các cơ quan này, khả năng Thượng viện thông qua gần như bằng không.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds đã đưa ra một dự luật chuyển giao công việc của Bộ Giáo dục sang các cơ quan khác. Tuy nhiên, chưa rõ việc này có thực sự tiết kiệm chi phí hay không khi những nhiệm vụ đó vẫn phải được thực hiện.

Theo ông Rounds, một số cải cách có thể thực hiện thông qua quy trình hòa giải ngân sách, cho phép thông qua luật với đa số phiếu mà không cần đạt ngưỡng 60 phiếu tại Thượng viện.

Quy trình hòa giải ngân sách là một thủ tục đặc biệt ở Thượng viện Mỹ. Quy trình này cho phép Thượng viện thông qua các dự luật liên quan đến ngân sách (như chi tiêu hoặc thuế) chỉ với đa số phiếu đơn giản (51/100), thay vì cần đạt ngưỡng 60 phiếu.

Tuy nhiên, chuyên gia Richard Kogan nói với WSJ rằng quy trình hòa giải ngân sách không phù hợp để giải thể toàn bộ một cơ quan, vì quy trình này chỉ tập trung vào các thay đổi ngân sách.

Theo chuyên gia này, thay vì giải thể hoàn toàn một cơ quan chính phủ, nhiều khả năng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ tập trung vào việc cắt giảm quyền lực của các cơ quan này.

Quốc hội nắm quyền kiểm soát ngân sách

Các luật sư nhận định rằng nếu ông Trump cố gắng đơn phương giữ lại ngân sách mà quốc hội đã phê duyệt cho một mục đích cụ thể, ông Trump có khả năng sẽ thua kiện tại tòa. Hành động này được gọi là “giữ lại ngân sách” (impoundment).

Trong hệ thống hiến pháp Mỹ, quốc hội chịu trách nhiệm quyết định cách huy động và phân bổ ngân sách – thường được gọi là “quyền kiểm soát ngân sách”. Sau đó, nhánh hành pháp sẽ chi tiêu số tiền này theo các quyết định của quốc hội.

Sau những tranh cãi về ngân sách với Tổng thống Richard Nixon, quốc hội Mỹ đã thông qua luật năm 1974 nhằm ngăn tổng thống đơn phương thay đổi các khoản ngân sách mà quốc hội đã phê duyệt.

Luật này, được gọi là Đạo luật Kiểm soát Việc Giữ lại Ngân sách, cho phép tổng thống gửi yêu cầu lên quốc hội để rút lại ngân sách đã phê duyệt. Tuy nhiên, quốc hội có toàn quyền quyết định chấp nhận hay từ chối đề xuất của tổng thống.

Trong chiến dịch tranh cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, ông Trump đã gọi đạo luật này là “hoàn toàn vi hiến". Tuy nhiên, theo GS luật David Super của ĐH Georgetown (Mỹ), Tòa án Tối cao Mỹ khó có khả năng ủng hộ quan điểm của ông Trump.

Trong vụ kiện “Train v. City of New York” nổi tiếng năm 1975, Tòa án Tối cao đã nhất trí bác bỏ việc Tổng thống Nixon giữ lại ngân sách. Đáng chú ý, phán quyết này có sự đồng thuận của thẩm phán William Rehnquist - một nhà bảo thủ có tiếng do chính ông Nixon bổ nhiệm.

“Thẩm phán Rehnquist bảo thủ không kém gì các thẩm phán hiện nay, nhưng ông vẫn đồng tình với phán quyết bác bỏ việc ông Nixon giữ lại ngân sách mà không có bất kỳ ý kiến phản đối nào” - GS Super nói.

Cắt giảm quy định cần rất nhiều thời gian

 Tỉ phú Vivek Ramaswamy (trái) và tỉ phú Elon Musk - những người được ông Trump đề cử giữ chức đồng lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ. Ảnh: CNBC NEWS

Tỉ phú Vivek Ramaswamy (trái) và tỉ phú Elon Musk - những người được ông Trump đề cử giữ chức đồng lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ. Ảnh: CNBC NEWS

Theo ông Musk và ông Ramaswamy, Bộ Hiệu suất Chính phủ đang cố gắng tìm ra những quy định không cần thiết, cản trở sự đổi mới. “Hành động này sẽ giải phóng các cá nhân và doanh nghiệp khỏi những quy định phi pháp chưa từng được quốc hội thông qua, đồng thời kích thích nền kinh tế Mỹ” - ông Musk và ông Ramaswamy chia sẻ với WSJ.

Tuy nhiên, quá trình cắt giảm quy định sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các cơ quan liên bang đã được quốc hội trao quyền ban hành quy định để thực hiện luật pháp, đồng thời thiết lập cơ chế lấy ý kiến từ người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng quy định.

Theo Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) năm 1946, các cơ quan liên bang phải tuân thủ quy trình cụ thể để đảm bảo minh bạch và thông báo trước khi thông qua hoặc hủy bỏ quy định.

Việc không tuân thủ APA từng khiến các kế hoạch của ông Trump gặp thất bại. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ kế hoạch của ông Trump về hủy bỏ chương trình DACA - vốn cho phép người không phải công dân Mỹ, được đưa đến Mỹ khi còn nhỏ, làm việc hợp pháp và tránh bị trục xuất.

Tòa án cho rằng chính quyền ông Trump đã không đánh giá đúng tác động của việc chấm dứt chương trình này hoặc cung cấp đủ lý do hợp lý cho việc chấm dứt.

Ông Musk và ông Ramaswamy cho rằng kế hoạch của Bộ Hiệu suất Chính phủ về giảm quy định được hỗ trợ từ phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao trong vụ Loper Bright Enterprises v. Raimondo. Phán quyết này đã hạn chế quyền của các cơ quan liên bang trong việc tự giải thích luật và quyết định cách áp dụng luật.

Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết này không giúp ích cho Bộ Hiệu suất Chính phủ.

Trước vụ Loper Bright, các cơ quan liên bang có thể linh hoạt thay đổi cách hiểu đối với những luật mơ hồ. Sau phán quyết, cách tiếp cận linh hoạt này đã bị cấm, theo GS luật Nicholas Bagley từ ĐH Michigan (Mỹ).

“Nếu một cơ quan cố gắng áp dụng cách hiểu mới của luật để biện minh cho việc hủy bỏ một quy định, tòa án sẽ ngăn chặn hành động đó” - GS Bagley nhận định.

Yêu cầu nhân viên nhà nước làm việc trực tiếp

Bộ Hiệu suất Chính phủ có cơ sở pháp lý vững chắc hơn khi đưa ra đề xuất yêu cầu nhân viên liên bang quay lại văn phòng làm việc 5 ngày mỗi tuần.

“Nếu nhân viên liên bang không muốn đến làm việc, người nộp thuế Mỹ không nên phải trả tiền cho đặc quyền được đưa ra trong thời kỳ COVID-19 về làm việc tại nhà” - theo tỉ phú Musk và tỉ phú Ramaswamy.

Các chuyên gia pháp lý cho biết ông Trump có quyền yêu cầu nhân viên liên bang đến làm việc trực tiếp tại văn phòng trong tuần làm việc.

Theo GS luật Aram Gavoor của ĐH George Washington (Mỹ), một yêu cầu như vậy thuộc phạm vi “quản lý cơ bản các cơ quan” và không cần một sắc lệnh hành pháp.

Tuy nhiên, chính quyền ông Trump sẽ phải tuân thủ các hợp đồng lao động của công đoàn đã được đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, nếu những hợp đồng này cho phép làm việc từ xa.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-rao-can-phap-ly-neu-ong-trump-muon-sap-xep-tinh-gon-bo-may-chinh-phu-post829236.html
Zalo