Những quốc gia chịu rủi ro lớn nhất khi Ukraine khóa van khí đốt từ Nga sang Châu Âu
Ukraine chính thức ngắt dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong thị trường năng lượng khi cả hai bên không đạt được thỏa thuận mới…
Ngay vào ngày đầu năm mới vừa qua, Ukraine đã ngừng dòng chảy khí đốt của Nga sang một số quốc gia Châu Âu, chấm dứt sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của Moscow trên thị trường năng lượng Châu Âu.
Tập đoàn năng lượng nhà nước của Nga Gazprom đã xác nhận thông tin, cho biết hoạt động xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Châu Âu qua Ukraine đã dừng vào ngày 1/1/2025.
Động thái này, vốn đã được dự đoán từ trước, đánh dấu kết thúc thỏa thuận vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraine khi cả hai bên đều không sẵn lòng ký một thỏa thuận mới trong bối cảnh chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.
Nga, nước đã xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua hệ thống đường ống của Ukraine từ năm 1991, tuyên bố rằng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự thay đổi nguồn cung này. Hiện tại, Moscow chỉ có thể vận chuyển khí đốt qua đường ống TurkStream, kết nối Nga với Hungary, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Slovakia, Áo và Moldova nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ diễn biến này. Trích dẫn dữ liệu từ Rystad Energy, đây là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào lượng khí đốt của Nga qua đường trung chuyển Ukraine trong năm 2023, với Slovakia nhập khoảng 3,2 tỷ m³, Áo nhận 5,7 tỷ m³ và Moldova 2 tỷ m³.
Theo ước tính của Reuters, dự kiến Ukraine sẽ mất khoảng 1 tỷ USD doanh thu vận chuyển và Gazprom mất gần 5 tỷ USD doanh thu từ bán khí đốt.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Ủy ban châu Âu cho biết họ đã làm việc với các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc thắt chặt nguồn cung để đảm bảo toàn bộ khối 27 quốc gia sẵn sàng đối phó với tình huống này.
Áo khẳng định họ đã chuẩn bị tốt cho tình huống này, nhưng các quốc gia khác lại lo lắng hơn nhiều. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo rằng quyết định chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt của giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động khủng khiếp đối với EU nhưng lại chẳng gây nhiều thiệt hại cho Nga. Ông Fico cũng đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine.
Trong khi đó, Moldova, quốc gia không phải thành viên EU, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày vào tháng trước vì lo ngại về an ninh năng lượng.
Theo dữ liệu mới nhất từ nhóm công nghiệp Gas Infrastructure Europe, các kho dự trữ khí đốt của EU hiện đang đầy khoảng 73%. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nước tiêu thụ khí đốt nhiều nhất, mức dự trữ hiện gần 80%.
"EU có thể sẽ cần khoảng 7,2 tỷ m³ khí đốt bổ sung từ thị trường LNG. Các trạm tiếp nhận tại Ba Lan, Đức, Lithuania và Italy có thể chuyển tiếp nguồn khí này đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Slovakia và Áo”, ông Christoph Halser, nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Nhận định về vấn đề này, ông Henning Gloystein, người đứng đầu nhóm năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, việc thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Nga - Ukraine hết hạn sẽ không đe dọa đến an ninh năng lượng của EU trong mùa đông năm nay nhờ các bước chuẩn bị từ trước và thời tiết mùa đông đỡ lạnh giá hơn trên hầu hết khu vực châu Âu.
Ông Gloystein nhận định rằng giá khí đốt trong những tháng tới có thể sẽ phụ thuộc vào các diễn biến chính trị và điều kiện thời tiết thực tế.
"Về chính trị, hiện đang có các cuộc đàm phán giữa một số thành viên EU để tìm ra giải pháp thỏa hiệp cho phép khôi phục một phần nguồn cung. Tuy nhiên, chưa có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán vào thời điểm đầu năm mới. Còn về thời tiết, dự báo cho thấy nhiệt độ sẽ cao hơn mức trung bình trong phần còn lại của mùa đông”, ông Henning Gloystein nói thêm