Những phụ nữ góp sức chuẩn bị cho Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản 'Tuyên ngôn Độc lập' lịch sử, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong những ngày hào hùng của lịch sử cách đây 79 năm, cùng với đồng bào cả nước, có những phụ nữ đã góp sức mình chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Bà mẹ làng Gạ đón Bác Hồ về Hà Nội

Mấy ngày sau khi Hà Nội giành chính quyền thành công (19/8/1945), căn nhà của cụ Nguyễn Thị An (SN 1896, ở làng Gạ, còn gọi là Kẻ Gạ, xã Phú Thượng, huyện Nam Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi đầu tiên đón Bác Hồ và đoàn cán bộ dừng chân trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội.

Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 23/8/1945, đồng chí Khánh (bí danh của đồng chí Hoàng Tùng) hối hả chạy vào báo với cụ An: "Gia đình chuẩn bị đón khách thượng cấp từ Chiến khu trở về".

Cụ Nguyễn Thị An (áo đỏ, đứng giữa) cùng gia đình đón Chủ tịch nước Võ Chí Công về thăm-26/1/1995.

Cụ Nguyễn Thị An (áo đỏ, đứng giữa) cùng gia đình đón Chủ tịch nước Võ Chí Công về thăm-26/1/1995.

Nhận được tin, cụ An liền sai mọi người trong nhà nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc ở căn nhà khách 5 gian, quét dọn và lau rửa toàn bộ giường, tủ, phản, bộ trường kỷ. Khoảng 2 tiếng sau, khi trời đã nhá nhem tối, đồng chí Khánh có dẫn đoàn cán bộ gồm 12 người đến nhà.

Trong đoàn có một cụ già để râu dài, mắt sáng, người gầy gò như mới ốm dậy. "Cụ già Thượng cấp" được đoàn bố trí nằm nghỉ ở gian giữa nhà trên chiếc sập gỗ, phía trên sập có chiếc quạt kéo bằng tay mắc ở trần nhà.

Tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn Độc lập…

Đến ngày 2/9/1945, cụ An qua lời kể của con gái (bà Công Thị Thu) mới biết vị thượng khách đó là Bác Hồ, cụ đã ôm con gái vào lòng, rưng rưng nước mắt và nói: "Con ơi, đó là hồng phúc cho nhà mình rồi!".

Căn nhà của gia đình cụ An vốn là một cơ sở Cách mạng tin cậy của Trung ương Đảng suốt giai đoạn 1941 - 1945. Con trai của cụ An là ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) được Đảng giao nhiệm vụ đón, nuôi giấu, bảo vệ đoàn cán bộ và Bác Hồ trong thời gian ở tại căn nhà của gia đình (từ 23 - 25/8/1945).

Vợ chồng thương nhân hiến 5.000 cây vàng cho Cách mạng

Trong ngày 25/8/1945, Bác Hồ đã rời nhà cụ An di chuyển đến nhà số 48 Hàng Ngang ở, làm việc, hội họp. Đây là căn nhà của vợ chồng thương nhân Hoàng Thị Minh Hồ - Trịnh Văn Bô, được sử dụng để buôn bán tơ lụa, vải vóc, thuộc loại hãng buôn lớn nhất Hà Nội thời điểm đó.

Vợ chồng thương nhân Hoàng Thị Minh Hồ - Trịnh Văn Bô

Vợ chồng thương nhân Hoàng Thị Minh Hồ - Trịnh Văn Bô

Tại đây, Bác Hồ đã cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thể chế và thành phần của Chính phủ lâm thời; về tổ chức ngày lễ Độc lập… Đặc biệt, Bác đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thời gian Bác và các đồng chí làm việc tại đây đã được gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ tận tâm chăm sóc chu đáo. Cũng như cụ An, mãi cho tới ngày 2/9/1945, gia đình bà mới biết vị khách đặc biệt được cán bộ cách mạng giới thiệu là "ông cụ dưới quê" lên chơi chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đọc Tuyên ngôn Độc lập sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Không chỉ là địa chỉ đỏ của Cách mạng, ngay sau đó, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng "Quỹ độc lập", phong trào "Tuần lễ vàng" do Chính phủ phát động, vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ còn hiến tặng hơn 5.000 cây vàng cho cách mạng. Trong bối cảnh toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng lâm thời gần như trống rỗng, nghĩa cử của vợ chồng bà vô cùng cao đẹp.

Hai cô gái kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập

Chuẩn bị cho lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, riêng việc kéo cờ trên lễ đài, Bác Hồ gợi ý Ban tổ chức nên chọn thành phần nữ tiêu biểu, như vậy càng thêm ý nghĩa của ngày Độc lập... Lĩnh hội ý kiến của Bác, tối 1/9/1945, Chi đội trưởng Giải phóng quân Đàm Quang Trung đã phân công nữ giải phóng quân người Tày - Đàm Thị Loan.

Hai phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong Ngày Độc lập 2/9/1945: Bà Đàm Thị Loan (bên trái) và bà Lê Thi

Hai phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong Ngày Độc lập 2/9/1945: Bà Đàm Thị Loan (bên trái) và bà Lê Thi

"Hạnh phúc đến thật bất ngờ. Những năm tháng hoạt động lại lướt nhanh trong đầu óc tôi. Trước đây ở Việt Bắc mỗi lần giương cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lên trong các cuộc mít tinh là chúng tôi lại mơ ước có ngày lá cờ thiêng liêng này sẽ tung bay tự do trên nền trời của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng đã thực sự trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập" (trích hồi ký "Đàm Thị Loan - Từ Việt Bắc đến Tây Ninh").

Đến sáng 2/9/1945, tại buổi lễ mít tinh, nữ sinh Trường Đồng Khánh (nay là Trường THCS Trưng Vương) Lê Thi dẫn đầu Đoàn phụ nữ Hàng Bông đến Quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong ban tổ chức Ngày lễ Độc lập đến thông báo cử một phụ nữ lên kéo cờ. Các chị em trong đoàn đồng thanh cử nữ sinh Lê Thi.

Theo lời kể của bà Đàm Thị Loan và bà Lê Thi, cả hai đều ở trong tâm trạng hồi hộp, xúc động đợi chờ giờ phút trọng đại thiêng liêng của đời mình: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được kéo lá cờ đỏ sao vàng trên lễ đài trong ngày Độc lập.

Trường Hùng (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-phu-nu-gop-suc-chuan-bi-cho-ngay-bac-ho-doc-tuyen-ngon-doc-lap-20240830213613932.htm
Zalo