Những phát hiện qua kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của Sở Y tế Vĩnh Phúc

Trước thông tin về vụ việc kinh doanh sữa giả liên quan đến Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma), Sở Y tế Vĩnh Phúc đã rà soát toàn bộ các quy định, những việc đã và đang làm nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Sở Y tế kiểm tra, hậu kiểm tại Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe châu Âu (thành phố Vĩnh Yên).

Đoàn công tác Sở Y tế kiểm tra, hậu kiểm tại Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe châu Âu (thành phố Vĩnh Yên).

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: Tại tỉnh Vĩnh Phúc, hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group chỉ thành lập các chi nhánh, không tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Tháng 8/2024, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện kiểm tra, hậu kiểm tại chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty Hacofood Group tại địa chỉ theo giấy đăng ký kinh doanh: B21, khu Thảy Nảy, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện của chi nhánh Vĩnh Phúc thuộc Công ty Hacofood Group báo cáo không có sản phẩm thực phẩm tồn kho. Đoàn kiểm tra thực tế cũng nhận thấy không có sản phẩm thực phẩm tồn kho.

Đoàn đã lập biên bản kiểm tra, yêu cầu cơ sở này tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với các sản phẩm của Công ty.

Công ty Hacofood Group phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các sản phẩm, tính phù hợp, an toàn của sản phẩm do công ty công bố, tự công bố theo quy định; tự thực hiện kiểm tra, rà soát; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty Rance Pharma, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch kiểm tra hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong năm 2025, tuy nhiên chưa đến thời điểm thực hiện kiểm tra, hậu kiểm.

Ông Đặng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc thông tin: Trong giai đoạn từ năm 2021 đến ngày 31/3/2025, các chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group đã nộp 215 bộ hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm) và Sở Y tế theo danh mục thủ tục hành chính.

Trong đó, Công ty Rance Pharma nộp 145 bộ hồ sơ, Công ty Hacofood Group nộp 70 bộ hồ sơ. Các bộ hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm được Sở Y tế chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định. Từ năm 2024 đến nay, Sở Y tế Vĩnh Phúc không có thêm bất kỳ hồ sơ nào từ hai công ty này.

Sở Y tế Vĩnh Phúc đã tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm lĩnh vực thuộc thẩm quyền trên địa bàn quản lý. Quý I/2025, ngành y tế đã kiểm tra, giám sát 1.236 lượt cơ sở, phát hiện 81 cơ sở còn một số lỗi chưa đạt yêu cầu, nhắc nhở 81 cơ sở.

Cùng thời gian này, Sở Y tế đã thực hiện cấp 3 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình; 8 bản tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, 2 giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Hiện nay, Sở Y tế Vĩnh Phúc thành lập hai đoàn kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định pháp luật tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thành viên của các đoàn có cán bộ công an và công chức Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia.

Kiểm tra tại Công ty cổ phần Sữa và đồ uống Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Kiểm tra tại Công ty cổ phần Sữa và đồ uống Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Qua việc thực hiện các quy định pháp luật tại địa phương, đặc biệt là qua kiểm tra các chi nhánh của hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group, Sở Y tế Vĩnh Phúc phát hiện một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, khó triển khai thực hiện. Sở đề xuất, kiến nghị, đề xuất điều chỉnh một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cụ thể là, việc thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm phải có thời hạn và quy định rõ về chủ thể đăng ký. Trong công tác kiểm nghiệm phục vụ công bố sản phẩm, phải thực hiện kiểm nghiệm cả chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn; kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Phải quy định phương thức kiểm tra phù hợp đối với từng loại hàng hóa.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quy định pháp luật cần có quy định bắt buộc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương đối với thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và thực phẩm bổ sung.

HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-phat-hien-qua-kiem-tra-giam-sat-an-toan-thuc-pham-cua-so-y-te-vinh-phuc-post878751.html
Zalo