Những nông dân kiếm hàng tỷ đồng từ na Thái, mít không hạt
Đến phường Long Hưng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) hỏi ông Phan Văn Bịt (62 tuổi) ai cũng biết vì ông là người đầu tiên tại địa phương trồng na Thái. Ông Bịt cho biết, năm 2014, ông sang Bến Tre mua 260 gốc na Thái về trồng xen canh trong vườn bưởi 7.000m2. Năm thứ 2, do chưa biết cách trồng nên năng suất không cao.
Qua năm thứ 3, với 260 gốc, ông bán được 12 tấn trái/năm, với giá 60.000 đồng/kg. Sau đó, ông Bịt quyết định đốn toàn bộ vườn bưởi để trồng na Thái với 4.000 gốc trên diện tích 10 ha. Kỹ thuật chăm sóc cây na Thái của lão nông này là trước lúc cắt cành khoảng 10 ngày thì rải phân lân.
Lúc cây ra hoa, 20 ngày sau bón phân kali để nụ nhô lên. Sau đó, cần bón phân đạm, lân, kali theo tỷ lệ đồng đều để nuôi trái non. Trái được một tháng tuổi cho nhiều đạm hơn lân và kali,… Na Thái có trọng lượng từ 500-700 gram, giá bán hiện nay dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg.
![Ông Trần Minh Mẫn trồng mít không hạt, thu lợi nhuận cao.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51435371/09fb69be52f0bbaee2e1.jpg)
Ông Trần Minh Mẫn trồng mít không hạt, thu lợi nhuận cao.
“Na Thái có hương thơm, vị béo, ngọt thanh, ít hạt, rất được thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Hiện tại 1 ha thu hoạch được 2,5 tấn trái. Với diện tích và sản lượng lớn, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 4 tỷ đồng/năm", ông Bịt tiết lộ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng nhìn nhận mô hình trồng na Thái của ông Bịt rất hiệu quả, giá cả luôn ổn định nên mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, địa phương đã nhân rộng mô hình này bằng việc thành lập tổ hợp tác trồng na Thái với diện tích 16 ha.
Trong khi đó, ông Trần Minh Mẫn (76 tuổi, ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng mang về thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng loại mít không hạt. Ông Mẫn cho hay khoảng 18 năm về trước, ông được người bạn ở Tiền Giang cho trái mít ăn. Khi xẻ ra, ông Mẫn thấy giống mít này rất đặc biệt: không có mủ, xơ mít cũng ăn được giống như múi và không có hạt, trong khi các loại mít khác thì có hạt, xơ bỏ đi.
Thấy vậy, ông liền sang nhà bạn chiết nhánh giống mít này về trồng. Nhờ các giảng viên tại Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn, tạo kỹ thuật trồng, sau khi nhân giống thành công, ông Mẫn trồng thử 50 gốc xen trong vườn sầu riêng. “Sau 3 năm, mít cho trái vụ đầu tiên, 1 cây mít tôi để chỉ 4 trái, có trái nặng đến 20kg, lúc ấy bán với giá 50.000 đồng/kg. Nhiều người đã tranh nhau mua”, ông Mẫn bộc bạch.
Theo lời ông Mẫn, giống mít này cho thu hoạch 1 năm/vụ và cũng nhẹ công chăm sóc. Tuy nhiên, cần lưu ý khi cây vừa ra hoa thì thêm phân urê và khi trái già thì tăng cường rải phân kali để cho múi vàng, ngọt. Tính đến nay, ông Mẫn có 300 gốc mít, trái thì được siêu thị tại TP Hồ Chí Minh bao tiêu.
Ngoài ra, ông Mẫn còn bán cây giống cho nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc, miền Trung và thậm chí sang tận Campuchia, Lào, Thái Lan... Tổng cộng, với 2 nguồn thu từ mít không hạt, ông Mẫn đạt lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm, làm giàu cho gia đình. Giống mít không hạt giúp ông Mẫn đạt nhiều danh hiệu, như: nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và kỷ niệm chương “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam”.