Những người trẻ kể chuyện ký ức đô thị
Xuất phát từ tình yêu di sản kiến trúc, một nhóm bạn trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM đã tự bỏ tiền, dụng công đi khảo sát thực địa, sục sạo tàng thư để mang tới cho cộng đồng những câu chuyện về hồn phố, đời người một cách độc đáo và hấp dẫn. Lấy tên nhóm là Tản Mạn Kiến Trúc, họ vẫn đang miệt mài với dự án lan tỏa tình yêu dành cho di sản…
Điều hành cùng lúc nhiều trang cộng đồng (fanpage) trên mạng xã hội, website; tác giả của một cuốn sách và hàng trăm bài khảo cứu về kiến trúc, lịch sử đô thị, văn hóa bản địa; thực hiện các hoạt động cộng đồng đa dạng như đi điền dã, tọa đàm, workshop, bách bộ tìm hiểu kiến trúc nhằm kết nối công chúng với các thảo luận đa chiều, phi định kiến về di sản Việt Nam… khối lượng công việc “khổng lồ” ấy lại được thực hiện chỉ với 8 thành viên: Nguyễn Trần Trọng Nghĩa, Trương Trần Trung Hiếu, Nguyễn Trịnh Anh Nguyên, Trần Nguyễn Tuấn, Nguyễn Chí Thành, Thạch Duy Khang, Lê Anh Huy, Phạm Nhật Tiến.
Các thành viên nhóm Tản Mạn Kiến Trúc thảo luận về di sản kiến trúc Việt Nam tại khuôn viên Nam Thi House (TP.HCM). Từ trái: Trần Nguyễn Tuấn, Nguyễn Trần Trọng Nghĩa, Trương Trần Trung Hiếu, Lê Anh Huy, Thạch Duy Khang, Nguyễn Trịnh Anh Nguyên. Ảnh: Trung Dũng
Ném đá dò đường
Trung Hiếu, một trong những sáng lập viên của nhóm Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT), cho biết các thành viên gặp nhau trong bối cảnh khá đặc biệt. Cách đây 5 năm, các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM rầm rộ chỉnh trang, xây dựng hạ tầng và bất động sản. Hệ lụy là nhiều công trình có giá trị kiến trúc lịch sử lâu đời bị giải tỏa, phá bỏ. Báo chí đưa tin; nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lên tiếng. Cùng với đó những hội nhóm tự phát trên mạng xã hội được lập ra để giãi bày tâm tư, niềm tiếc thương thậm chí cả bức xúc của những người yêu di sản dành cho các công trình bị phá dỡ.
Chia sẻ thông tin, vẻ đẹp của công trình khi nó còn hiện hữu sẽ tốt hơn là chờ đến khi nó sắp bị phá bỏ, thậm chí đã bị phá hủy hoàn toàn. Bảo tồn nên xuất phát từ việc khơi gợi tình yêu, niềm tự hào mà trước đây người ta chưa có dịp để thể hiện"
Anh Nguyên, thành viên nhóm TMKT
Là những người trẻ quan tâm đến các công trình kiến trúc đẹp, Trọng Nghĩa, Trung Hiếu, Nguyễn Tuấn, Chí Thành… cũng dõi theo các hội nhóm này và không ngại chia sẻ quan điểm. Không phủ nhận vai trò của truyền thông cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tuy nhiên theo Trung Hiếu, người ngoài lĩnh vực, đặc biệt là những người trẻ rất khó nắm bắt các kiến thức hàn lâm và cách tiếp cận vấn đề nặng về học thuật. Đã vậy, tin tức bảo tồn di sản phản ánh kiểu sự vụ dẫn tới những đứt gãy về thông tin, rời rạc các số liệu trong khi tài liệu lưu trữ khó tiếp cận số đông. “Chúng tôi bàn với nhau là cần một hình thức truyền thông nào đó có thể truyền tải được câu chuyện bằng thông tin gần gũi, hấp dẫn đến cộng đồng, đặc biệt là dành cho những người đồng trang lứa”, Trung Hiếu kể.
Nhóm bạn này cũng phát hiện việc bày tỏ tình yêu với di sản không thể chỉ kêu gào, khóc thương mỗi khi công trình bị xâm phạm. Trong bức tranh ảm đạm đó họ phát hiện ra điểm sáng, là còn rất nhiều công trình vẫn hiện diện mà ít ai kể về nó. “Chúng tôi muốn tạo ra không gian đối thoại, nơi không chỉ những di sản kiến trúc nổi tiếng mà ngay cả những công trình ít được chú ý hơn vẫn có một câu chuyện riêng để kể với công chúng. Chia sẻ thông tin, vẻ đẹp của công trình khi nó còn hiện hữu sẽ tốt hơn là chờ đến khi nó sắp bị phá bỏ, thậm chí đã bị phá hủy hoàn toàn. Bảo tồn nên xuất phát từ việc khơi gợi tình yêu, niềm tự hào mà trước đây người ta chưa có dịp để thể hiện” - Anh Nguyên, một thành viên khác của TMKT, tiếp lời.
Với cách tiếp cận đó, nhóm TMKT chính thức được thành lập năm 2019. Để có thông tin và hình ảnh sống động, nhóm lăn xả vào các chuyến đi thực địa. Khởi đầu là các công trình kiến trúc công cộng, những địa điểm đông người tới lui. Theo thời gian, quy mô công trình tăng lên, loại hình công trình ngày càng đa dạng và địa bàn cũng mở rộng từ TP.HCM ra các địa phương lân cận, rồi xuôi về miền Tây.
Nhờ các thành viên học nhiều chuyên ngành như kiến trúc, nhân học, nghệ thuật, lịch sử, du lịch, lại có sẵn nhiệt huyết và sự sốt sắng của tuổi trẻ nên các chuyến khảo sát kiến trúc thực địa diễn ra đều đặn. Mỗi chuyến đi sẽ có những đầu việc cụ thể giống nhau được đặt ra nhưng trải nghiệm thu được thì hoàn toàn khác biệt.
Vì nhiều thông tin phải thu thập, xử lý mà mỗi thành viên còn có công việc riêng của mình nên không phải chuyến đi nào cũng tập hợp được đầy đủ cả nhóm. Thay vào đó, tùy công trình và địa điểm mà nhóm tự phân công nhân sự đi thực địa. Dữ liệu và hình ảnh cập nhật cuối ngày, các thành viên ở nhà sẽ hỗ trợ từ xa hoặc đưa ra các yêu cầu nếu phát hiện mảng dữ liệu mình phụ trách còn thiếu.
Nhờ cách làm việc choàng gánh, “ăn rơ” với nhau như vậy nên từ tư liệu và hình ảnh thực tế, nhóm tiến hành phân tích, chọn lọc. Cộng với việc sục sạo tài liệu ở tàng thư; đọc sách báo, công trình nghiên cứu nước ngoài nên TMKT có thể tự tin kể một câu chuyện riêng, sinh động về công trình kiến trúc, hay thậm chí là một hạng mục nhỏ của công trình ấy với cộng đồng.
Hàng trăm bài viết về vẻ đẹp, giá trị của công trình kiến trúc, điều làm nên hồn cốt phố thị, những câu chuyện về phận người, về không gian văn hóa trong mối quan hệ khăng khít với công trình đó liên tục được giới thiệu trên các trang cộng đồng, website của nhóm. Đặc biệt, những chuỗi tọa đàm, workshop được tổ chức nhặt kỳ, cả trong và ngoài nước, thu hút rộng rãi các đối tượng ở nhiều độ tuổi, ngành nghề tham dự.
Và cũng nhờ đã gặt hái đầy tay nên thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, điều kiện đi lại bị hạn chế, thậm chí nhiều tháng liền giãn cách xã hội, nhóm TMKT vẫn đều đặn ra sản phẩm. Đây còn là khoảng thời gian các thành viên dốc sức để cuốn sách khảo cứu đầu tiên của nhóm: Tản mạn kiến trúc Nam bộ - một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX) ra mắt vào năm 2022.
Là một trong những cây viết chủ lực của nhóm, Trung Hiếu cho biết thời gian đầu TMKT tiếp cận cộng đồng vẫn khá rụt rè với các bài viết kiểu “ném đá dò đường” bởi chưa biết cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ sẽ phản ứng thế nào trước cách kể chuyện di sản khác lạ này. Nhìn lại các thành phẩm đầu tiên, nhóm cũng tự nhận là văn phong kể chuyện sao mà ngô nghê. Tuy nhiên, chính sự giản dị, bình dân ấy, cùng với lượng thông tin ngồn ngộn được làm cho dễ tiếp cận với số đông đã chạm được sự quan tâm của cộng đồng trẻ yêu di sản.
"Không có ai tẻ nhạt trên đời và không có công trình nào là không có đời sống riêng của nó". Anh Nguyên cho rằng thành công của nhóm là tìm được những câu chuyện để kể với mọi người. “Thậm chí, chỉ là câu chuyện về một ngôi mộ, trông như một phế tích giữa đồng ở Vĩnh Long, nhưng khi chia sẻ lập tức đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa khủng khiếp trên mạng xã hội. Chính câu chuyện này cũng giúp TMKT tiến thẳng đến social media một cách ấn tượng”, Anh Nguyên nhớ lại.
Trưởng thành cùng dự án
KTS. Nguyễn Trần Trọng Nghĩa, một trong những sáng lập viên của TMKT, cho biết trong 5 năm làm truyền thông cộng đồng, TMKT trải qua một số thay đổi về hướng nghiên cứu cũng như cách tiếp cận vấn đề. Thời gian đầu, nhóm tập trung vào các thực thể kiến trúc cụ thể. Tuy nhiên, thời gian giãn cách vì Covid-19 mang lại cơ hội phản tư cho các thành viên, ngẫm nghĩ về con đường phía trước.
Rõ ràng nhóm đã thành công trong việc tiếp cận, mô tả công trình kiến trúc ở chiều sâu thẩm mỹ của không gian nhưng lại bỏ mất tầm quan trọng của con người, là người sống trong những công trình ấy và cả cộng đồng liên đới với di sản. Và truyền thông di sản không thể chỉ là luồng thông tin một chiều mà cần gia tăng đối thoại các quan điểm về di sản, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật. “Hướng hoạt động bền vững nhất, ổn nhất là phát triển năng khiếu học thuật nhiều hơn, vừa dung hòa được hoạt động xã hội vừa phát triển hoạt động nghiên cứu”, KTS. Trọng Nghĩa nhận định.
Các cuộc tọa đàm, workshop bắt đầu được TMKT mở ra. Đây là cách nối dài và khơi gợi đối thoại giữa cộng đồng, các chuyên gia với những câu chuyện mà nhóm đã chia sẻ trên các trang cộng đồng của nhóm. Mỗi chuyên đề các thành viên sẽ thay nhau đảm nhiệm vai trò dẫn dắt câu chuyện. Đó không chỉ là dịp để kể chuyện mà ở chiều ngược lại, nhóm sẽ nghe câu chuyện được kể từ khán giả.
Anh Nguyên cho biết làm các tọa đàm mới thấy di sản vẫn có sức hút đặc biệt với đông đảo mọi người, và thật ra người trẻ không hề vô cảm với những chuyển động của nhịp sống đô thị: “Nhiều người dự xong chuỗi đối thoại “Trà đàm” với nhóm đã chia sẻ rằng sống ở thành phố đã lâu, hàng ngày đi qua hàng cây cổ thụ, qua những biệt thự hay ngôi trường và thấy đẹp nhưng chỉ dừng lại ở ấn tượng thị giác. Rồi một ngày không biết tại sao ngôi nhà đó lại bị đập đi, cái cây kia bị hạ xuống, họ không biết di sản sẽ đi về đâu. Vì vậy rất cần những câu chuyện được kể để ký ức thành phố được lưu giữ”.
Với định hướng hoạt động rõ ràng nên chất lượng học thuật của các tọa đàm ngày càng tăng, thể hiện qua việc TMKT đã hợp tác với nhiều giáo sư ở nước ngoài về Việt Nam, cũng như các nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế về di sản của nhiều tổ chức, trong nhiều chuyên đề. Sân chơi này dần trở thành sinh hoạt đời sống cuối tuần, cuối tháng để mọi người bàn với nhau những nghiên cứu mới về di sản.
Đặc biệt, các nghiên cứu của nhóm còn được giới thiệu với sinh viên Học viện Mỹ thuật Nanyang (Singapore). Tháng 6 vừa qua, nhóm TMKT đã có bài tham luận tại Hội nghị Quốc tế về Khảo cổ học và Mỹ thuật Đông Nam Á - SPAFACON 2024 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan)…
“Chúng tôi trưởng thành cùng dự án”, Anh Nguyên bộc bạch. Trưởng thành trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế và đặc biệt là trong học thuật. Tốt nghiệp ngành văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Anh Nguyên từng đi một con đường khác là marketing và đã có một vài thành công nhất định. Tuy nhiên dù thu nhập cao, cuộc sống ổn định nhưng Nguyên không cảm thấy hạnh phúc. Rồi Nguyên quyết định học tiếp chuyên ngành nghệ thuật so sánh. Đây là cầu nối đưa Nguyên tới với nhóm TMKT. “Ban đầu tôi không phải là người tích cực lắm. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước, từ cộng đồng nên ngày càng học được nhiều hơn và trưởng thành trong nghiên cứu. Cái quan trọng nhất là công việc nghiên cứu cho tôi nguồn thu nhập đủ sống và làm cho tôi hạnh phúc”, Anh Nguyên nói.
Là những người tổ chức sự kiện chúng tôi cũng bất ngờ, cứ nghĩ làm kiến trúc chắc chỉ dân kiến trúc nghe thôi nhưng không ngờ có nhiều cộng đồng, kể cả bác sĩ, luật sư, dân kinh doanh… Điều đó khiến chúng tôi hạnh phúc bởi TMKT từ cộng đồng mà ra thì vì cộng đồng mà phục vụ"
KTS. Nguyễn Trần Trọng Nghĩa
Với Trung Hiếu, điều tâm đắc nhất là các cá tính trẻ trong nhóm, người lớn nhất sinh năm 1993, với chuyên môn ban đầu không liên quan mật thiết với nhau nhưng khi làm chung đã cố gắng dung hòa, cố gắng hiểu nhau. Trung Hiếu nói vui rằng nhóm có 8 người thì ai cũng là nhóm trưởng bởi phải ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Công việc truyền thông di sản là việc phụ bởi mỗi người đều có công ăn việc làm riêng, thậm chí có người còn đang đi học. Là những người trẻ, họ cũng chịu những câu thúc trong cuộc sống. “Có đôi lần nhóm tự hỏi nhau là mình đã làm được những gì và tại sao mình lại làm công việc này. Công việc cả ngày đầy áp lực nhưng điều lạ là đụng tới di sản thì nhiều khi 10-11 giờ đêm mọi người vẫn rôm rả nhắn tin trên nhóm bàn luận một chi tiết, một câu chuyện hoặc một việc gì đó sắp tới sẽ làm. Chính niềm vui đó cuốn mình đi tới”, Trung Hiếu chia sẻ.
Các thành viên TMKT cho rằng ra được cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam bộ là một cột mốc quan trọng. Theo Trung Hiếu trước khi ra sách, hình thức tồn tại của dự án vẫn là một trang mạng xã hội. Xuất bản phẩm này đã góp phần định danh cho công việc và vai trò của nhóm. Đặc biệt, ấn phẩm được bán hết chỉ sau khoảng 20 giờ mở bán, hiện đã tái bản tới lần thứ ba: “Điều đó chứng tỏ công việc nghiên cứu này có hướng ra và được cộng đồng chấp nhận nên nhóm có thể yên tâm làm tiếp những dự án khác”.
Anh Nguyên tiếp lời: “Theo cách nghĩ truyền thống, một nhóm làm nghiên cứu không thể không có ấn phẩm giấy. Tính chất của mạng xã hội là mọi thứ trôi theo thời gian. Rồi trong tương lai, Facebook liệu có lặp lại câu chuyện như Yahoo Messenger, Yahoo! 360? Vì vậy ra sách là quy tắc mang truyền thống học thuật, cũng là truyền thống của việc lưu trữ. Sách giấy là vật liệu bền bỉ nhất, có thể tồn tại hàng trăm năm, khác với tuổi thọ ngắn hơn rất nhiều của đĩa mềm, ổ cứng lưu trữ. Ngoài ra, tiếp cận văn bản từ sách người ta sẽ đọc một cách cẩn thận, gia tăng sự tương tác học thuật và biết đâu những phản biện từ người đọc sẽ là cơ hội để nhóm học hỏi thêm”.
Theo Anh Nguyên, với những người làm nghiên cứu ở nước ngoài, thông thường sau 2-3 năm xuất bản thì phải nghĩ đến việc tái bản để có thể hiệu đính, cập nhật thông tin. Về phần mình, nhóm TMKT cũng đã chuẩn bị cho một phiên bản hoàn thiện hơn cho cuốn sách đầu tay vào lần tái bản tới...
Sức sống mới cho di sản
Nhắc lại quan điểm từng chia sẻ, rằng kiến trúc được xây nên vì những ước mơ của con người và câu chuyện về kiến trúc chỉ trở nên trọn vẹn khi được kể từ góc nhìn của những người ngày ngày sống cùng kiến trúc, là sự nối dài của di sản vật chất lưu lại thành ký ức, Trung Hiếu cho biết qua điền dã mới thấy không chỉ đô thị mà ngay cả nông thôn cũng đã đối mặt với cơn lốc bê tông hóa, những ngôi nhà cổ, công trình có giá trị kiến trúc đang đối diện nguy cơ bị phá bỏ. Chính vì vậy, một mặt TMKT vẫn kiên trì tăng cường nhận thức cộng đồng về di sản qua hoạt động xuất bản và truyền thông, mặt khác nhóm gấp rút thúc đẩy xây dựng bộ dữ liệu về di sản kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật.
Các thành viên TMKT cho rằng một trong những điều mà công tác bảo tồn đang gặp trở ngại là những người sống cùng công trình di sản chưa nhận được lợi ích kinh tế tương xứng với giá trị ngôi nhà. Việc bảo tồn do vậy khó trọn vẹn và bền vững khi công trình được quan tâm bảo vệ nhưng những người sống trong đó lại chịu cảnh sống kém tiện nghi, thiếu thốn. “Tôi thấy một số trường hợp đã đẩy trách nhiệm cho chủ nhà quá nhiều, một số trường hợp khác lại trông đợi vào chính quyền nhiều quá. Tìm được tiếng nói chung giữa các bên thực sự cần nhiều sức lực và còn khó khăn. Nếu dung hòa được Nhà nước và tư nhân cùng làm; có các chuyên gia, nhà chuyên môn cùng tham gia ý kiến thì tôi tin rằng sẽ ra được cách tiếp cận bền vững”, Trung Hiếu chia sẻ.
Trung Hiếu cũng cho biết TMKT đang trong giai đoạn thử nghiệm mô hình kinh tế di sản mà nhóm đề xuất. Đó là với những nhà có không gian nhỏ, công trình có một độ tuổi nhất định nhưng không phải là di sản cấp địa phương hay quốc gia thì giữ lại những gì cốt lõi, có giá trị lịch sử nhất của công trình, phần còn lại có thể thay đổi vài điểm trong cấu tạo để sử dụng vào những công năng khác như cửa hàng, không gian sinh hoạt, thảo luận, nghệ thuật… Như vậy sẽ tạo nguồn thu cho gia chủ và vẫn giữ được vẻ đẹp của công trình cũ.
Nói về tương lai, KTS. Trọng Nghĩa cho biết nhóm mong muốn trở thành cầu nối giữa giới nghiên cứu, nghệ sĩ, cộng đồng có cùng quan tâm đến di sản kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật nhằm gia tăng đối thoại về di sản. Hiện đã tạo ra được cộng đồng hơn 61.000 người yêu di sản (9.2024) nhưng các thành viên TMKT không nghĩ quá nhiều về con số mà nghĩ đến chất lượng của cộng đồng. “Những người tham dự các chương trình do nhóm tổ chức nhận xét cái hay của nhóm là có sự liên kết đa ngành. Là những người tổ chức sự kiện chúng tôi cũng bất ngờ, cứ nghĩ làm kiến trúc chắc chỉ dân kiến trúc nghe thôi nhưng không ngờ có nhiều cộng đồng, kể cả bác sĩ, luật sư, dân kinh doanh… Điều đó khiến chúng tôi hạnh phúc bởi TMKT từ cộng đồng mà ra thì vì cộng đồng mà phục vụ”, KTS. Trọng Nghĩa cho biết.
Khi được hỏi hiện nay nhiều cộng đồng, nhiều nhóm bạn trẻ cũng có hướng đi tương tự TMKT, vậy nhóm có sợ bị cạnh tranh? Đại diện nhóm, KTS. Trọng Nghĩa vui vẻ nói: “Không những không sợ mà còn cảm thấy vui vì đó là sự lan tỏa rất cần thiết để ai cũng có thể kể câu chuyện của họ. Chúng tôi không mong TMKT tồn tại như một dự án đơn lẻ mà muốn có một mạng lưới, có sự liên kết giữa các dự án với nhau. Điều đó tạo ra một cộng đồng di sản bền vững hơn”.
Lòng tin rất quan trọng
Trung Hiếu cho biết quá trình điền dã không phải lúc nào cũng thuận lợi: “Không ít gia chủ của những ngôi nhà cổ không đồng ý để TMKT khảo sát, hoặc cho khảo sát nhưng yêu cầu không được công bố. Nhiều ngôi nhà phải ghé thăm nhiều lần mới thuyết phục được gia chủ bởi ai lại dễ dàng mở cửa cho người lạ vào quay phim, chụp ảnh, hỏi đủ thứ chuyện xưa cũ. Chưa kể nhà người ta có những không gian riêng tư, những món đồ cổ quý giá..., nếu chụp hình đăng lên sợ sẽ mất an ninh.
Chúng tôi xác định cũng cần hiểu được tâm trạng, tính chất, những nhạy cảm của họ để tôn trọng. Lòng tin giữa những người làm nghiên cứu và đối tượng cung cấp thông tin rất quan trọng. Nhóm cam kết không tiết lộ tọa độ, địa chỉ... và chỉ đăng tải thông tin khi gia chủ đồng ý. Đồ họa không gian kiến trúc ngôi nhà thành một bản vẽ kỹ thuật, trừu tượng hơn sẽ đảm bảo sự riêng tư. Các thông tin khác sẽ lưu trữ để phục vụ việc nghiên cứu… Rất may là hướng giải quyết này được đa số chủ nhân các ngôi nhà cổ đồng thuận”.