Những người thầy đặc biệt của bà con vùng cao
Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: 'Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý'. Ở vùng cao, có những người thầy rất đặc biệt, không chỉ mang lại cho đồng bào con chữ, mà còn cầm tay chỉ việc, dạy nghề cho bà con, góp phần lớn vào sự đổi thay, tiến bộ trên những bản làng vùng cao.
Mùa này ở bản U Ma Tu Khoòng, xã Thu Lũm của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, sương mù bao phủ lấy bản làng khiến thời tiết vốn đã lạnh lại càng thêm rét buốt. Thầy giáo Trần Quốc Việt vẫn cần mẫn kiểm tra những thùng ong mật của bà con, rồi tỉ mỉ hướng dẫn bà con từ cách kiểm tra chất lượng mật đến việc chăm sóc con ong qua những ngày đông lạnh giá. Công tác tại một huyện miền núi nghèo xa xôi của tỉnh Lai Châu, có lẽ sự khó khăn trong đời sống của bà con đã là động lực thôi thúc để thầy Việt tiếp tục cống hiến giúp cho bà con thêm ấm no.
Ở những bản làng vùng cao xa xôi này, hầu hết các thầy cô giáo của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của huyện Mường Tè đều gắn bó với bà con bằng cách cầm tay chỉ việc, đồng hành cùng với bà con trong sự nghiệp của nhà nông.
Do không được học hành bài bải, nhận thức của bà con vùng cao có nhiều hạn chế, nhiều khi tưởng chừng như thầy cả thầy và trò sẽ bỏ cuộc, nhưng sự tận tụy của những thầy cô giáo đã khiến các học viên thêm cố gắng và trân quý những người thầy của họ hơn bao giờ hết.
Với lòng yêu nghề và khát khao cống hiến, những người thầy đặc biệt này đã giúp cho bà con trên những bản làng vùng cao xa xôi của huyện Mường Tè Lai Châu từng bước thoát khỏi sự lạc hậu, có hướng đi đúng hơn trong sản xuất và phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!