Báo chí cách mạng Việt Nam - Cánh chim báo bão của Đảng

Bài 5:
BÁO CHÍ CÁCH MẠNG: TIẾNG TRỐNG TRẬN TỔNG KHỞI NGHĨA TOÀN QUỐC, KHAI MỞ CÁNH CỬA ĐỘC LẬP DÂN TỘC

BPO - Độc lập, tự do là điều mà các tầng lớp nhân dân mong chờ ngày Tổng khởi nghĩa toàn quốc giành chính quyền để thoát khỏi ách nô lệ, xiềng xích của chủ nghĩa thực dân. Bởi từ năm 1941-1945, phong trào Việt Minh phát triển khắp cả nước, không khí đấu tranh cách mạng ngày càng sục sôi. Đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8-1945, có một lực lượng âm thầm nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, hiệu triệu lòng dân, phát lệnh nổi dậy đồng loạt trên toàn quốc đó là: Báo chí cách mạng Việt Nam. Với ngòi bút sắc bén, báo chí đã thực sự trở thành vũ khí chính trị đắc lực, đồng hành cùng Đảng, nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập.

Báo chí thúc đẩy phong trào cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa

Ngay sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập 1941-1945 đã hình thành và phát triển thành một hệ thống báo chí từ Trung ương đến cơ sở, trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh đến toàn thể nhân dân. Báo chí cách mạng Việt Nam trở thành công cụ chính yếu trên mặt trận tư tưởng đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, vận động, giác ngộ, cổ vũ toàn dân tham gia Mặt trận Việt Minh từ Cao Bằng theo con đường Nam tiến thông xuống các tỉnh miền xuôi tỏa ra cả nước. Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945, báo chí cách mạng tuy vẫn là bất hợp pháp nhưng đã công khai trước nhân dân ở những “tổng hoàn toàn”, “châu hoàn toàn”, các khu giải phóng, những nơi giáp đô thị nhưng chính quyền địch đã tê liệt trước cao trào quần chúng và Việt Minh đã nắm quyền quản lý mọi việc chính trị - xã hội ở địa phương.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang), ngày 4-5-1945 để chuẩn bị các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa toàn quốc

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang), ngày 4-5-1945 để chuẩn bị các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa toàn quốc

Thời kỳ này đã có nhiều tờ báo và tạp chí in trong nước. Trong đó, nổi bật là Báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo; Báo Cứu Quốc do Tổng bộ Việt Minh xuất bản ngày 25-1-1942; “Cờ Giải Phóng” (năm 1942) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh… nổi bật lên như la bàn chỉ đạo tinh thần cho toàn dân tộc. Ngoài ra, tại Hà Nội, xuất hiện các tờ báo công khai như: Tiếng nói của chúng ta, Tin tức, Lao động, Đời nay, Bạn trẻ. Tại miền Trung (chủ yếu là Thừa Thiên Huế và Nghệ An) có các tờ báo: Hồn trẻ, Giết giặc, Quyết chiến, Tiếng dân, Vì nước và nhiều báo khác ở Nam Bộ… liên tục đăng tải những chỉ thị, bài viết, bài ca đấu tranh cách mạng rất phong phú. Tờ báo của Trung ương Đảng với các tờ báo địa phương đã hòa thành bản hòa ca cách mạng sâu rộng.

Lán Nà Nưa, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm việc trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945

Lán Nà Nưa, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm việc trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945

Báo Cứu quốc và Báo Cờ Giải phóng (1942-1945) là hai tờ báo có nhiều cống hiến nhất vào tổ chức lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Báo Cứu quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức và động viên nhân dân các dân tộc trong cả nước đứng lên chiến đấu giải phóng dân tộc, chống đế quốc phát xít Pháp - Nhật và các hạng tay sai, các tổ chức phản động do chúng lập ra để hòng cứu vãn sự sụp đổ của chúng. Báo Cờ Giải phóng vạch trần thủ đoạn thâm độc của phát xít Nhật và bọn Việt gian tay sai của Nhật. Ngày 25-3-1945, Báo Cờ Giải phóng số 11, có bài Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương, nhận định tính chất đó là “một cuộc cướp giật mà kẻ thù chủ động là bọn đế quốc quân phiệt Nhật”, “mục đích mưu lợi riêng cho giặc Nhật”… Nhật đã thay Pháp độc quyền cai trị Đông Dương, nhưng rất lúng túng trong việc lập ra một bộ máy tay sai, vừa đưa bọn tay sai ra, vừa phải sử dụng cả bộ máy mục nát cũ của Pháp…

Từ các vùng nông thôn đến đô thị, từ miền xuôi lên ngược, báo chí cách mạng phát triển là đòn bẩy quan trọng giúp quần chúng nhân dân giác ngộ, hiểu đúng về nhiệm vụ lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, những bài viết như “Độc lập hay là chết!” đã trở thành lời hiệu triệu vô cùng thiêng liêng, trở thành khẩu hiệu trên các bàn biểu ngữ, ở các cuộc tuần hành, biểu tình trước giờ G.

Từ tin chiến thắng đến hiệu triệu Tổng khởi nghĩa

Tháng 5-1945, khi phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, báo chí cách mạng đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đăng tin chiến thắng và mở chiến dịch tuyên truyền rộng khắp về nguy cơ sụp đổ của phát xít Nhật tại châu Á. Tờ Cờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, liên tục đăng tải các bài viết phân tích cục diện quốc tế, kêu gọi nhân dân chuẩn bị sẵn sàng chớp thời cơ.

Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, tháng 8-1948 của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước được truyền đi khắp nơi trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 Ảnh: baotanghochiminh.vn (Ảnh tư liệu Báo Quân đội nhân dân)

Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, tháng 8-1948 của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước được truyền đi khắp nơi trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 Ảnh: baotanghochiminh.vn (Ảnh tư liệu Báo Quân đội nhân dân)

Đặc biệt, sau sự kiện Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15-8-1945, trên các số báo Cờ Giải phóng, Việt Nam độc lập, Mặt trận Việt Minh đã phát đi hiệu lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến! Hãy đứng dậy! - những câu chữ được in đậm trên trang nhất các tờ báo cách mạng như đánh trống giục tỉnh hàng triệu trái tim người Việt. Đó không chỉ là lời kêu gọi, đó là sự chỉ đạo, là mệnh lệnh của lịch sử qua trang báo. Bản hiệu triệu do Ủy ban Khởi nghĩa Trung ương gửi đi có nội dung: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến! Đồng bào hãy nhất tề đứng dậy, giành lấy chính quyền!”. Bản hiệu triệu này được in trên các báo và truyền đi bằng truyền đơn, truyền miệng, loa tay… đến từng làng bản, phố phường.

Theo hồi ức của nhà báo, chiến sĩ cách mạng (Bảo tàng báo chí Việt Nam): “chỉ trong vòng 2-3 ngày sau lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi bằng báo chí, hàng chục tỉnh, thành từ Bắc chí Nam đã đồng loạt nổi dậy”. Báo chí được ví như “tiếng trống trận khai mở cánh cửa độc lập”.

Phát lệnh Tổng khởi nghĩa qua những trang báo

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, tình hình Đông Dương diễn biến nhanh chóng. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh vào ngày 15-8, thời cơ ngàn năm có một đã đến với đường lối, sách lược và sự chuẩn bị của Trung ương Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vận động toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Hệ thống báo chí cách mạng từ Trung ương đến địa phương gần như chuyển đề tài tuyên truyền về xây dựng tổ chức Mặt trận Việt Minh sang tuyên truyền, vận động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc với khẩu hiệu: “Đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền”. Trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Nội dung nhật lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc trước ngày 15-8-1945 đã được đăng trên các báo: Cứu quốc; Cờ giải phóng; Dân mới; Kháng địch… với các mục: bình luận, xã luận, thơ, ca dao, vè mang đậm chất cổ động, nội dung kêu gọi hành động giành chính quyền về tay nhân dân. Bằng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền như: báo chí viết bằng tay, báo in li tô, báo viết trong tù ngục, báo viết ở nông thôn… Đây là phương thức phát hành độc đáo, sinh động, hiệu quả nhất trước cách mạng tháng Tám năm 1945 của báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần nhân bản hàng triệu bài báo có tính chỉ đạo hành động cách mạng trong cả nước, động viên toàn dân tận dụng thời cơ đứng lên đấu tranh giành chính quyền.

Tổng Luyên, tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể, Bắc Kạn) nơi Bác Hồ dừng chân nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang)

Tổng Luyên, tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể, Bắc Kạn) nơi Bác Hồ dừng chân nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang)

Ảnh trái: Đồng bào Sài Gòn hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ảnh phải: Ngày 14-8-1945, đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh Tư liệu: Báo Quân đội nhân dân

Ảnh trái: Đồng bào Sài Gòn hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ảnh phải: Ngày 14-8-1945, đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh Tư liệu: Báo Quân đội nhân dân

Ngày 14 đến ngày 15-8-1945, tại xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào nhanh chóng ra quyết định Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, bài hiệu triệu Tổng khởi nghĩa được đăng trang trọng trên báo Cờ Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Với lời lẽ hiệu triệu mạnh mẽ: “Dân tộc ta đã đến lúc đứng lên giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Độc lập hay là chết!”, báo chí cách mạng đã thay cho súng đạn, phát đi lời kêu gọi thiêng liêng đến toàn thể đồng bào cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh tư liệu

Đình Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) nơi diễn ra Đại hội Đại biểu quốc dân vào ngày 16-8-1945, nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng

Đình Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) nơi diễn ra Đại hội Đại biểu quốc dân vào ngày 16-8-1945, nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng

Quốc dân Đại hội được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 đến 17-8-1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo... Đại hội đã quán triệt đường lối của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh.

Tại Hà Nội, báo Cứu quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh liên tục ra các số đặc biệt tuyên truyền, vận động khởi nghĩa. Trong khi đó, ở các tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An…, các tờ báo địa phương phát động phong trào, truyền đơn được rải khắp làng quê, chợ búa. Có thể nói, báo chí đã giúp thống nhất tinh thần, hành động và quyết tâm toàn dân tộc trên một mặt trận truyền thông cách mạng chưa từng có.

Mít tinh giành chính quyền cách mạng tại Sóc Giang (Hà Quảng) tháng 8-1945. Tranh: Tư liệu

Mít tinh giành chính quyền cách mạng tại Sóc Giang (Hà Quảng) tháng 8-1945. Tranh: Tư liệu

Trong thời khắc lịch sử ấy, nhiều tờ báo cách mạng đã trở thành phương tiện trực tiếp phát lệnh khởi nghĩa, tiêu biểu như: Cờ Giải phóng (số ra ngày 16 và 17-8-1945) đăng tuyên cáo khẩn cấp của Việt Minh, kêu gọi nhân dân nổi dậy. Tin Việt Nam, cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc, đăng tải liên tiếp các bài “phát động phong trào cách mạng”, hướng dẫn hành động cụ thể cho từng tầng lớp. Báo Bầu trời mới của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội phát hành đêm 17-8 đã kêu gọi học sinh, sinh viên “bỏ giảng đường, cầm súng lên đường giải phóng Thủ đô”.

Cũng trong thời gian này, các đài phát thanh bí mật do Việt Minh vận hành đã phát sóng bài viết từ báo chí đến toàn quốc. Trong vòng một tuần, cả nước có hơn 30 tỉnh, thành giành chính quyền trong hòa bình hoặc bằng khởi nghĩa vũ trang.

Báo chí đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hơn 50.000 người dân Hà Nội và đại diện các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập sáng ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập sáng ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Ngay sau đó, các tờ báo Cứu quốc, Độc lập, Cờ Giải phóng, Bầu trời mới... đồng loạt đăng toàn văn Tuyên ngôn Độc lập, cùng ảnh tư liệu về ngày lễ. Bản Tuyên ngôn Độc lập vừa được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong, thì ở dưới không khí hồ hởi được báo Cứu quốc số 36 lột tả sống động: “Dứt lời tuyên ngôn đanh thép có một giá trị lịch sử lớn lao, tất cả quốc dân dưới đài đều đồng thanh cất tiếng lên hoan hô như sấm vang, trong một sự nhiệt liệt say sưa chưa bao giờ thấy”. Tiếp theo chương trình, các thành viên Chính phủ làm lễ tuyên thệ: “Sẽ kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc; trong lúc giữ nền độc lập, sẽ quyết vượt qua mọi nỗi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Báo Cứu quốc đăng bản Tuyên ngôn độc lập

Báo Cứu quốc đăng bản Tuyên ngôn độc lập

Những tờ báo in tại chỗ được chở bằng xe đạp, xe ngựa, người chạy bộ đi rải khắp phố phường Hà Nội và mang về các tỉnh. Báo Cứu quốc (cơ quan của Tổng bộ Việt Minh) đã in 50.000 bản số đặc biệt, trong đó có dòng chữ nổi bật: “NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT NƯỚC ĐỘC LẬP!”. Các tờ báo đã ghi lại chi tiết không khí xúc động tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội): “Hàng vạn người đứng lặng trong nghiêm trang, nước mắt hòa cùng tiếng hát vang bài Quốc ca... Giây phút thiêng liêng đã đến!”.

Ở các địa phương trong cả nước, báo tường, báo giấy viết tay cũng chép lại bản Tuyên ngôn Độc lập để phổ biến tới nhân dân. Một số cán bộ tuyên huấn còn chép lại từng dòng rồi đọc to cho bà con trong các làng xã nghe, bởi phần lớn dân ta khi ấy chưa biết chữ. Ở Côn Đảo, bài xã luận đầu tiên của tờ “Độc lập” ra đời trong hệ thống nhà tù thực dân, kêu gọi mọi người các tầng lớp hãy đoàn kết, sẵn sàng hy sinh để kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Báo “Độc lập” ra đời công khai ở giữa nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” tuy hình thức còn rất thô sơ nhưng đó là mốc son đánh dấu chặng đường đấu tranh gian khổ, hy sinh của bao thế hệ yêu nước và cách mạng.

Nhà báo Sơn Tùng, tác giả “Búp sen xanh”, từng kể lại: “Chưa bao giờ tôi thấy ngôn từ của báo chí lại có sức lay động mãnh liệt đến vậy. Mỗi chữ trong Tuyên ngôn Độc lập là một viên đạn bắn tan xiềng xích nô lệ trong lòng hàng triệu con người”.

Báo chí - “cương lĩnh đỏ” nối liền Trung ương với toàn dân

Từ vùng rừng núi Việt Bắc đến các đô thị Hà Nội, Sài Gòn, Huế…, báo chí đã đóng vai trò như “cương lĩnh đỏ” truyền mệnh lệnh cách mạng từ Trung ương Đảng, từ Việt Minh đến từng cơ sở. Trong thời điểm không có mạng viễn thông, không có hệ thống thông tin đại chúng hiện đại, chính báo chí và truyền đơn cách mạng là công cụ truyền tin hiệu quả nhất.

Theo thống kê không đầy đủ của Mặt trận Việt Minh, từ tháng 5 đến tháng 8-1945, cả nước đã phát hành hơn 1,2 triệu bản báo, truyền đơn, tờ rơi tuyên truyền cách mạng. Báo chí trở thành bản đồ tư tưởng, định hướng hành động cho hàng triệu con tim khát khao độc lập.

Tờ báo lúc ấy không đơn thuần là sản phẩm in ấn, mà còn là ngọn cờ hiệu, tiếng kèn xung trận, ánh đuốc trong đêm tối mất nước. Chính vì vậy, trong tâm khảm người dân thời ấy, “có báo cách mạng là có cách mạng sắp về!”.

Từ khi báo chí cách mạng Việt Nam ra đời 1925-1945, các đồng chí lãnh đạo của Đảng rất quan tâm đến báo chí, trực tiếp quyết định ra báo, viết bài và sửa bài, tổ chức in và phát hành. Tấm gương của nhà báo cách mạng quốc tế, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với báo chí được các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh… ra sức học tập và đều là những cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng. Đó là một trong những nhân tố bảo đảm cho báo chí giữ vững tính Đảng và chất lượng của các bài viết, nhất là những bài mang tư tưởng chỉ đạo, vạch rõ phương châm, đường lối hành động, đồng thời cổ vũ, tổ chức, bồi dưỡng cho các cán bộ tham gia làm báo.

Bút sắt - lửa nóng - tim hồng

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là kết tinh sức mạnh toàn dân tộc, của chiến lược chính trị tài tình, của lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần không chịu khuất phục, sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản hùng ca ấy, báo chí cách mạng là bản nhạc trầm hùng vang lên từ lòng đất, chắt lọc từ nước mắt, máu và khát vọng.

Từ khí thế của cách mạng tháng Tám, cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ vì độc lập, tự do của Tổ quốc làm nức lòng quân, dân cả nước. Ngay sau khi nhận được điện báo, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí cao với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và UBND Nam Bộ, kêu gọi quân dân cả nước hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến. Nhiều đoàn quân Nam tiến đã được cử vào sát cánh cùng quân - dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ chống quân xâm lược Pháp.

Ngòi bút không chỉ là công cụ tuyên truyền, mà là ngọn lửa soi đường. Báo chí đã làm nên lịch sử bằng chính sức mạnh của sự thật, của lý tưởng và khát vọng độc lập, tự do. Tinh thần ấy, sứ mệnh ấy vẫn tiếp tục lan tỏa cho tới hôm nay, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm báo cách mạng bước vào thời đại mới, giữ vững ngọn lửa đã được thắp lên từ mùa thu lịch sử năm 1945.

80 năm đã trôi qua kể từ mùa thu cách mạng 1945, vai trò của báo chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mãi mãi được lịch sử ghi nhận. Báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là người đưa tin, mà còn là người hiệu triệu - tổ chức - hành động, đồng hành cùng Đảng và nhân dân, góp phần quyết định vào thành công của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và nối tiếp những thắng lợi vĩ đại của dân tộc sau đó. Hôm nay, mỗi nhà báo càng thấm thía hơn lời Bác dạy năm xưa về nhiệm vụ của người làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với vai trò, trách nhiệm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi lan tỏa hào khí Cách mạng tháng Tám để “mặt trời chân lý” luôn soi sáng con đường dân tộc Việt Nam vươn tới sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Nhà báo ĐOÀN NHƯ VIÊN, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước

Trường Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/173176/bao-chi-cach-mang-viet-nam-canh-chim-bao-bao-cua-dang
Zalo