Những người nào nên hạn chế ăn rau ngót?
Rau ngót là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, rau ngót ngon, giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Thành phần dinh dưỡng của rau ngót
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, rau ngót còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như rau tuốt, rau bù ngót, rau bồ ngót. Rau thường được dùng để nấu canh với hương vị thơm ngon, thanh mát, đặc biệt là chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất nên rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Theo đó, trong 100g rau ngót chứa hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng sau:
5,3g đạm.
3,4g tinh bột.
169mg canxi.
2,7mg sắt.
64,5mg phốt pho.
6mcg carotin.
185mg vitamin C.
2,2g vitamin PP.
100mcg vitamin B1.
400mcg vitamin B2.
Những ai nên hạn chế ăn rau ngót?
Rau ngót tuy giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BSNT Phan Bích Hằng - khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, những nhóm người dưới đây được khuyến cáo nên hạn chế ăn rau ngót:
- Phụ nữ mang thai: Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ rau ngót quá nhiều có thể gây co bóp tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai. Do đó, phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng đầu, nên hạn chế hoặc tránh sử dụng rau ngót.
- Người có vấn đề về thận: Rau ngót chứa purin, hợp chất có thể chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể. Đối với những người có vấn đề về thận hoặc bị gout, việc tiêu thụ rau ngót có thể làm tăng nguy cơ tích tụ axit uric, gây hại cho sức khỏe.
- Người bị huyết áp thấp: Rau ngót có thể làm giảm huyết áp, do đó những người có tiền sử huyết áp thấp nên cân nhắc trước khi sử dụng.
Rau ngót không chỉ là một loại thực phẩm bổ dưỡng mà còn là một dược liệu quý trong Y học cổ truyền, với nhiều tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng rau ngót cần phù hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả.