Những người lo tết sớm, đón xuân muộn
Tết với 'nhà' nào cũng quan trọng, nhưng với cánh nhà báo, nhà đài thì tết luôn có không khí và tâm thế rất riêng. Những ngày giáp tết, trong khi cán bộ, nhân viên ở các ngành khác thảnh thơi hoặc hối hả sắm sửa cho gia đình thì cánh báo chí lại đầu tắt mặt tối chạy tin, bài cho các số báo hay chương trình đặc biệt đón Xuân. Rồi suốt dịp tết, người ta nghỉ ngơi hoặc ngao du đây đó thì những người làm báo vẫn 'trên từng cây số', nhưng không phải đi du xuân mà là đi tác nghiệp!
Làm báo là phải chấp nhận vất vả, phải nhao ra đường trong lúc thiên hạ nghỉ lễ, tết, nhưng vất vả nhất là những người làm truyền hình. Tầm tháng 12 dương lịch, khi các phóng viên báo giấy, báo điện tử réo nhau chạy bài tết thì cánh nhà đài vẫn chưa thể bắt tay vào công việc. Do đặc thù của báo hình là chuyển tải thông tin chủ yếu bằng hình ảnh nên chỉ khi tết đến cận kề, các phóng viên mới có thể ghi hình cho tác phẩm của mình. Thế nên những ngày cận tết, các phóng viên nhà đài thường bơ phờ vì ban ngày thì vội vã đi ghi hình, đêm về phải thức viết bài, dựng hình. Tôi có người bạn suốt 20 năm công tác ở đài truyền hình tỉnh, tết nào anh cũng bận túi bụi với các chương trình ghi hình thời sự, văn nghệ, giải trí... Và dịp tết nào vợ anh cũng gọi điện phàn nàn:
- Cũng làm báo mà thấy chị thảnh thơi, còn chồng em lúc nào cũng vội. Cứ tết là ảnh bảo em chịu khó dọn nhà, sắm tết và đi tết nội, ngoại, vì ảnh bận việc không giúp được!
Tôi động viên:
- Đặc thù nghề nghiệp mà em. Làm các chương trình xuân thì phải cận tết mới thực hiện được. Phản ánh không khí đón giao thừa thì bắt buộc phải có mặt ở sự kiện. Sau đó lại phải thực hiện các công đoạn kỹ thuật và biên tập nữa.
- Vẫn biết thế. Chỉ thương anh ấy năm nào cũng trở về nhà lúc hơn 2 giờ sáng của ngày đầu năm mới! Mà không hiểu sao vất vả thế mà ảnh vẫn vui!
- Vì chú ấy yêu nghề. Làm báo mà ngại vất vả là không trụ được đâu em!
- Khổ nỗi con bé lớn nhà em cũng tấp tểnh theo nghề bố. Em bảo trong nhà chỉ một người làm báo là đủ rồi, nhưng nó thích. Mà cũng lạ, nghe nó phán như thánh khi xem các chương trình bố làm, em cũng “hỉnh mũi” lên mới chết chứ!
Các MC của BPTV thực hiện buổi tọa đàm với khách mời nói về tết Việt - Ảnh: Trương Hiện
Tôi cũng làm báo, nhưng là báo giấy. Dù có bớt vất vả hơn so với báo hình, nhưng quả thực làm báo là nghề không chỉ vất vả mà còn hao tâm tổn lực. Nếu không đam mê, hẳn sẽ rất ít người chọn nghề báo. Còn nhớ lần đầu tiên được đăng một mẩu tin con con trên báo tỉnh, tôi mừng đến rơi nước mắt và vội vàng đạp xe hơn mười cây số về khoe bố mẹ, nghĩ lại cứ thấy buồn cười. Giờ đã nghỉ hưu, tôi vẫn chưa buông bút, vẫn cộng tác với Báo Bình Phước, với Tạp chí Văn nghệ và Đặc san Người làm báo trong tỉnh. Có người thấy tôi vẫn đều đặn có bài trên báo, thi thoảng còn đi nhận giải này giải nọ thì bảo: Hưu rồi, để đầu óc được nghỉ ngơi! Nhưng với tôi và những người trót đam mê nghề báo, được viết, được đăng là niềm vui, hạnh phúc. Niềm vui ấy không hẳn vì nhuận bút mà bởi mình vẫn còn có được “sân chơi” trí tuệ và bổ ích, để được đóng góp trí tuệ, tâm huyết với nghề. Và tôi nhận ra rằng, chỉ có nghề báo mới mang đến cho tôi những trải nghiệm quý giá mà không có bất cứ nghề nào mang lại được!
Khi còn làm báo ở miền Bắc, việc chọn đề tài và chuẩn bị viết báo xuân với tôi có vẻ thuận lợi hơn. Ở một vùng đặc trưng của xứ Bắc, có má đào thiếu nữ trong làn gió heo may se lạnh cuối đông và chồi non lộc biếc bừng nhú trên cành; có dòng người với khăn, áo đủ màu len trên những con phố nhỏ sắm tết khiến người ta luôn cảm nhận được mùa xuân, mùa hạnh phúc, mùa sinh sôi nảy nở đang đến gần. Những hình ảnh quen thuộc, thân thương trong tiết trời se lạnh những ngày giáp tết luôn tạo nguồn cảm xúc dồi dào để tôi thực hiện những bài viết cho số báo đặc biệt chào xuân. Nhưng khi vào Bình Phước, dù cái tết đầu tiên đã đến rất gần, tôi vẫn không tìm được đề tài để viết. Tháng trước tết là cao điểm mùa khô, đi đến đâu cũng bắt gặp những vườn cây khô héo vì thiếu nước. Trong dòng người hối hả ngoài đường, thật khó phân biệt giới tính hay trẻ, già bởi ai cũng mang kính đen, găng tay và khẩu trang kín mặt để tránh nắng, tránh bụi. Giữa khung cảnh và tiết trời nóng bức ấy, tôi không tìm được cảm xúc để viết. Hì hụi mấy đêm viết rồi xóa, tôi vẫn không có được sản phẩm ra hồn. Bí quá, tôi đành viết hoài niệm về những tết xưa, khi tôi còn bé tý mà vẫn háo hức chạy sau gánh hàng của mẹ đi chợ tết.
Nhóm phóng viên thời sự của BPTV tác nghiệp tại Học viện Chính trị khu vực II Thành phố Hồ Chí Minh trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 - Ảnh: T.H
Ai đó đã viết làm báo tết là một thú vui gian khó. Báo tết phải tạo được sự khác biệt về chủ đề, nội dung chứ không nặng về thông tin, số liệu. Đọc báo tết mà chỉ toàn những con số, sự kiện thì chẳng ai đọc hết bài. Từ những con số, sự kiện ấy, người viết phải đưa được hình ảnh, đưa cảm xúc vào và chuyển tải đến bạn đọc. Hình ảnh trong báo tết phải là những hình ảnh đẹp, sống động. Cảm xúc trên báo tết phải là cảm xúc lành mạnh, thăng hoa, có khả năng mang đến cho người đọc sự lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên và có sức lan tỏa sâu rộng. Vì thế, người viết phải tìm kiếm, ấp ủ, nung nấu cả năm mới có được đề tài tâm đắc. Cũng chính vì thế, có những thời điểm tìm được đề tài ưng ý, có thể viết phóng bút, tôi đành phải bấm bụng để dành cho báo tết. Cho dù vất vả, nhọc nhằn, nhưng những người làm báo luôn cảm nhận được niềm vui trong công việc. Với những người làm báo, tết, mùa xuân đến từ khi hoa đào, hoa mai còn chưa khoe sắc, nghĩa là người làm báo phải hình dung và chạy đua với thời gian để mang đến cho độc giả những trang báo tết, những chương trình chào xuân đặc sắc nhất. Và trong khi mọi nhà còn đang vui xuân đón tết thì các nhà báo vẫn không ngừng đi thực tế, nghe ngóng, quan sát, tác nghiệp để có những tác phẩm nóng hổi, mang hơi thở cuộc sống để kịp thời phục vụ công chúng. Thế nên có người nói, cánh nhà báo là những người lo tết sớm nhưng lại đón xuân muộn hơn mọi nhà. Nhưng có người lại nói, nhà báo luôn được “ăn” tết sớm hơn, lâu hơn những người khác. Tôi thấy ý nào cũng đúng!
Đón chào xuân mới Ất Tỵ, những người làm báo ở Bình Phước cũng như trên mọi miền Tổ quốc lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Họ giống như những cánh én chao liệng không ngừng nghỉ trong những ngày đầu xuân mới để lắng nghe, để cảm nhận cuộc sống, để mang đến cho mọi người, mọi nhà không khí tươi vui, phấn khởi và thắp lên niềm tin, hy vọng về những điều tốt đẹp nhất!