Những người lính Bộ đội Cụ Hồ tại châu Phi
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc lan tỏa hình ảnh đẹp và phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ trên trường quốc tế.
Những phẩm chất đặc trưng như tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, ý chí kiên cường và sự tận tụy hết mình với nhiệm vụ không chỉ là truyền thống của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam mà còn là bản sắc được các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam duy trì và phát huy mạnh mẽ trong thực hiện các sứ mệnh quốc tế.
Ấm áp hình ảnh những nữ chiến sĩ mũ nồi xanh
Trong câu chuyện về cuộc sống và công việc mà Thiếu tá Vũ Thị Hương Thùy chia sẻ với chúng tôi khi đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc ở Nam Sudan đều toát lên tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, sẵn sàng tiếp tục cống hiến. Hương Thùy - cô sĩ quan, giảng viên có vóc dáng nhỏ nhắn của tổ Lý luận Phương pháp, Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đảm nhận một vị trí không hề dễ dàng với nữ giới - Quan sát viên quân sự (QSVQS). Ngồi lọt thỏm trong chiếc xe Nissan patrol cỡ lớn, nữ sĩ quan đã kiên trì luyện tập với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp để vượt qua cuộc sát hạch lái xe số sàn hai cầu, vốn luôn là nỗi lo lắng của các sĩ quan mới tới địa bàn.
Hương Thùy được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Phân khu Unity, địa bàn Bentiu của Nam Sudan, nhưng công việc của một QSVQS thường xuyên phải đi công tác tới địa bàn khác. Có lần cả nhóm của cô gần như bị lạc đường trong rừng cọ vì không tìm được địa điểm cần tới, cũng có chuyến đi theo định vị thì trước mặt là cả một con sông ngập nước không thể đi qua. Mỗi lần như vậy, Hương Thùy cùng các đồng nghiệp chỉ còn cách sử dụng bộ đàm, liên lạc với trợ lý ngôn ngữ người địa phương để nắm thông tin từ xa. “QSVQS không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, thậm chí cả ngày lễ cũng làm việc nên áp lực và cường độ công việc khá căng. Với nữ quân nhân, vấn đề bảo đảm sức khỏe là rất cần thiết”, Hương Thùy cho biết. Sau tất cả những vất vả đó, điều khiến Hương Thùy vui nhất là mỗi khi cô giới thiệu mình là người Việt Nam thì ai cũng biết. Sau câu nói “Viet Nam is very good!”, họ thể hiện thái độ khâm phục lịch sử đấu tranh anh hùng, nỗ lực phát triển vươn lên của Việt Nam và mong muốn học tập kinh nghiệm.
Với vai trò sĩ quan tham mưu huấn luyện tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - Trung tá Đỗ Thị Hiếu đã giúp các sĩ quan mới tham gia phái bộ hiểu rõ hơn nhiệm vụ của mình, làm sao để thích nghi và ứng phó, nắm bắt tình hình an ninh phức tạp, môi trường khắc nghiệt tại đây. Các sĩ quan mới thường gặp một số khó khăn, nhất là việc thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, văn hóa địa phương, môi trường, dịch bệnh đáng lo ngại, như sốt rét, đậu mùa khỉ, tiêu chảy... Trong đó, sốt rét luôn là "cơn ác mộng" đối với các nhân viên phái bộ. Có những sĩ quan mới mắc bệnh sốt rét ác tính, một số người không may đã tử vong ngay trong những tuần đầu tiên!
Bởi lý do đó, các sĩ quan tham mưu huấn luyện, những người họ tiếp xúc đầu tiên khi mới tới phái bộ, trở thành chỗ dựa tinh thần, là nơi họ nhận được nhiều sự giúp đỡ. Chị Hiếu cho biết, sự hỗ trợ về tinh thần khi mới tới phái bộ là rất cần thiết, ngoài những hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn thông qua khóa huấn luyện dẫn nhập một tuần dành cho các sĩ quan mới.
“Tôi hiểu rằng, công việc của mình không chỉ dừng lại ở việc đóng góp phương pháp và chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là việc xây dựng niềm tin, khơi dậy lòng dũng cảm và sự tự tin cho các sĩ quan, những người sẽ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ, góp phần vào sứ mệnh GGHB”, Trung tá Đỗ Thị Hiếu chia sẻ.
Với tác phong chuyên nghiệp và sự điềm tĩnh, chị đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với đơn vị bạn và đồng nghiệp tại phái bộ, nhận được sự yêu mến của bạn bè quốc tế. Nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam đã góp phần lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, từ chính những việc làm giản dị, nhỏ bé mà ý nghĩa.
Tích cực thực hiện nhiệm vụ quốc tế
Cách đây hơn 10 năm, Bộ Quốc phòng đã thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam, tiền thân của Cục GGHB hiện nay. Cũng trong hôm đó (ngày 27/5/2014), Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ xuất quân tiễn Trung tá Trần Nam Ngạn và Trung tá Mạc Đức Trọng - hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên lên đi làm nhiệm vụ Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan (Phái bộ UNMISS). Từ chỗ gửi 1-2 sĩ quan độc lập sang làm việc, sau hơn 10 năm, đến nay, QĐND Việt Nam đã cử hơn 1.000 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.
Tham gia các sứ mệnh tại những khu vực xung đột và chịu nhiều thử thách, các chiến sĩ mũ nồi xanh của QĐND Việt Nam đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ GGHB. Trong quá trình đó, họ không chỉ hỗ trợ các hoạt động quân sự mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người dân bản địa, tham gia các công tác nhân đạo và tái thiết cộng đồng. Hình ảnh người lính Việt Nam trong bộ quân phục xanh của Liên hợp quốc với nụ cười thân thiện và đôi tay sẵn sàng giúp đỡ đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, tình thương yêu và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Điều này đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam - một quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn mong muốn góp phần xây dựng một thế giới ổn định, hòa bình.
Năm 2018, QĐND Việt Nam lần đầu tiên triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 cán bộ, nhân viên quân y cùng các trang, thiết bị y tế tại Phái bộ UNMISS. Hiện nay, QĐND Việt Nam đang tích cực làm mọi công tác chuẩn bị để xây dựng tổ chức biên chế, huấn luyện nâng cao năng lực và triển khai thê đội số 7 tại Phái bộ này trong năm 2025. Các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam luôn đảm bảo chăm sóc sức khỏe, điều trị cho nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương với chất lượng cao. Nhất là, việc áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, phù hợp với điều kiện dã chiến thực tế tại địa bàn; tiến hành thành công các ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca bệnh nguy hiểm đảm bảo an toàn. Những kết quả nổi bật đó được lãnh đạo, các cơ quan Liên hợp quốc và chỉ huy Phái bộ UNMISS cũng như chính quyền địa phương đánh giá cao về tinh thần cống hiến, sự tận tâm, tận tụy, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y sĩ, bác sĩ và trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, chất lượng, tạo dấu ấn đặc biệt tại địa bàn…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng mũ nồi xanh của QĐND Việt Nam đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với người dân cũng như chính quyền sở tại, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu, quý trọng thông qua các hoạt động hỗ trợ, thiết thực giúp cải thiện đời sống của người dân. Nổi bật là dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, đóng bàn ghế học sinh, làm nhà, dựng lớp học, khoan giếng, tặng máy phát điện, khám bệnh, cấp khẩu trang phòng dịch, cấp phát thuốc miễn phí... Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của QĐND Việt Nam được ghi nhận như một sáng kiến, mô hình tham khảo tốt và được ví như “luồng gió mới” trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.