Những người hùng chèo thuyền cứu người ở vùng lũ dữ
Khi những người dân vùng nguy hiểm được di dời an toàn, những gói hàng cứu trợ cuối cùng được trao đến tay người dân, họ lặng lẽ rút quân. Những người hùng ấy là cán bộ công an, chiến sĩ quân đội và cả những đoàn thiện nguyện đến từ nhiều tỉnh.
Sau 3 ngày bị nước lũ cô lập, tại vùng rốn lũ thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến thời điểm này nước cơ bản đã rút. Nước chỉ còn đọng lại ở những tuyến đường có nền đường thấp.
Theo lời kể của người dân địa phương, đây là lần đầu họ chứng kiến cơn lũ lụt kinh hoàng đến như thế, mặc dù trước đó, chính quyền địa phương đã có thông báo tình hình mưa lũ phức tạp nhưng ít ai nghĩ, mực nước dâng cao trong đêm, cả thành phố bị cô lập, mất điện, nước trong thời gian dài.
Nhớ lại thời khắc kinh hoàng đó, cụ Nguyễn Tiến Công (70 tuổi, trú tại phường Phan Thiết) kể: "Phải 20 năm rồi chúng tôi mới chứng kiến trận lũ lớn như vậy. Trước đó, từ thông tin của chính quyền, những hộ dân ở vùng trũng thấp đã được di tản đến nơi an toàn. Với gia đình tôi, nhà cao nên không di tản lúc đó.
"Thế nhưng, khi bị nước lũ bao vây tứ phía, thức ăn, nước uống cạn kiệt. Lúc đó, để được tiếp tế chúng tôi phải ghi từng tờ giấy để chuyển ra ngoài. Sau đó, từng chiếc thuyền của lực lượng công an, bộ đội và người dân đi đến từng gia đình tiếp tế".
Trong những ngày lũ lớn, mực nước sông Lô không ngừng dâng cao, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, lực lượng quân đội, công an đã huy động nhiều ca nô, thuyền của người dân ở các địa phương khác đến di tản người dân ngay trong đêm.
Phan Thiết là một trong 13 phường, xã của thành phố Tuyên Quang đang trong tình cảnh nước lũ bủa vây tứ phía. Thống kê của UBND thành phố ngày 11/9 cho thấy, có gần 14.000 hộ gia đình bị ngập nước. Trong đó, phường Tân Quang đang có trên 8.000 hộ bị ngập, phường Minh Xuân trên 1.000 hộ.
Kể lại thời khắc chèo thuyền trong đêm tối mịt mùng, đại úy Nguyễn Gia Nghĩa (cán bộ công an tỉnh Tuyên Quang) cho biết: "Chúng tôi được chỉ huy phân công lái thuyền đến những nơi ngập sâu trong biển nước. Đêm đó, ngoài vận chuyển lương thực, nước uống khi trở ra điểm tập kết, chúng tôi chở thêm hàng trăm lượt người dân đến nơi an toàn".
"Cả thành phố Tuyên Quang ngập sâu từ 3 đến 5m trong biển nước. Phương tiện lúc đó chỉ có thuyền của lực lượng và các đoàn thiện nguyện chở đến. Lúc đó, chúng tôi chẳng ai bảo ai, cứ cho thuyền đi khắp các tuyến đường để di chuyển người dân", anh Nghĩa nói thêm.
Đại diện nhóm thiện nguyện đến từ tỉnh Hòa Bình, anh Nguyễn Hưng cho biết, những ngày cả tỉnh Tuyên Quang chìm trong biển nước, nhóm anh cùng với lực lượng, các nhóm thiện nguyện phân chia từng gói hàng, nhu yếu phẩm tập kết ngay tuyến đường Bình Thuận (lối vào TP Tuyên Quang) để cung ứng hàng hóa.
"Từ những mảnh giấy viết tay được chuyển đến, anh em phân chia từng thuyền để đưa hàng đến nhà người dân đang cần. Trong vô vàn người được chúng tôi di tản đến nơi an toàn, có nhiều trường hợp là cụ ông, cụ bà chúng tôi phải cõng từng người từ mái nhà xuống thuyền", anh Hưng nhớ lại.
Trong tình cảnh đó, rất nhiều đoàn cứu trợ từ nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hòa Bình, TP.HCM, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có mặt tại Tuyên Quang để triển khai tiếp tế nhu yếu phẩm. Còn bên trong thành phố, những tờ giấy viết tay gửi ra lực lượng công an, quân đội được chuyển liên tục với hi vọng hàng tiếp tế sẽ được chuyển đến sớm hơn.
Trong thời gian thành phố bị ngập, do mất điện lưới, điện thoại không thể liên lạc, những tờ giấy viết tay như cầu nối giữa lực lượng cứu trợ và người dân vùng rốn ngập.
Anh Bình, một thiện nguyện đến từ tỉnh Quảng Bình cho hay, ngoài đồ cứu trợ, nhóm của anh cũng mang theo những chiếc thuyền đánh cá được vận chuyển bằng xe đến vùng lũ để giúp đỡ đồng bào. Anh cho biết, sống ở vùng rốn lũ đã quen nên nhóm anh chủ động mang theo thuyền để hỗ trợ lực lượng di chuyển người dân.
Còn anh Tình - một thành viên trong đoàn cứu trợ nói thêm, trong những người được anh em đưa lên thuyền di chuyển có lẽ đáng nhớ nhất là khi bắt gặp những trường hợp người già. Bởi, bình thường để di chuyển người già đã khó rồi nay lại phải đứng cheo leo trên thuyền vừa đỡ người lên.
"Có cụ già khi nước lên gia đình cụ phải lên trú ở tầng 2 để chờ lực lượng tới di chuyển. Khi con cái muốn di dời nhưng cụ lại không đồng ý. Lúc đó, có một người trong lực lượng quân đội đi theo đã ôm lấy cụ đưa xuống thuyền", anh Tình nhớ lại.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ảnh hưởng của mưa lũ khiến 3 người chết; 3.546 nhà dân bị ảnh hưởng; 3.989 hộ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra nhiều trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị ngập, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị; trên 7.000ha diện tích lúa, hoa màu thiệt hại; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về tài sản trên toàn tỉnh bước đầu xác định khoảng trên 500 tỷ đồng.