Những người 'giữ lửa' ở bản làng

Bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ người có uy tín của tỉnh Quảng Ninh là những tấm gương sáng trong việc tích cực vận động, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình, bản làng văn hóa…

Ông Đặng Ngọc Phú với mô hình trồng tre lấy măng mang lại thu nhập cho bà con xã Bắc Sơn (TP Móng Cái, Quảng Ninh).

Ông Đặng Ngọc Phú với mô hình trồng tre lấy măng mang lại thu nhập cho bà con xã Bắc Sơn (TP Móng Cái, Quảng Ninh).

Ở thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, do việc giao đất giao rừng từ nhiều năm trước không rõ ràng, diện tích giáp ranh khó phân định, nên đã xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng của các hộ dân trên địa bàn.

Cứ mỗi lần trong thôn xảy ra tranh chấp, ông Bế Sinh Nghiệp lại là người đầu tiên đứng ra giải quyết. Thôn Ngàn Vàng Dưới có 44 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Sán Chỉ sinh sống. Hơn 10 năm qua, ông Bế Sinh Nghiệp đã tham gia hòa giải, xử lý thành công nhiều vụ việc phức tạp. Ông đã thường xuyên phối hợp với chính quyền phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác, sản xuất đất rừng với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn.

Ông Nông Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: “Ông Bế Sinh Nghiệp là người tiên phong, vận động gia đình và bà con trong công tác trồng, phát triển rừng. Ông cũng thành lập ra hợp tác xã trồng hồi cùng với một số hộ gia đình để xây dựng quỹ hoạt động cho thôn. Ông là người có uy tín trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp nhỏ trong dân, từ việc kêu gọi, gặp gỡ, tìm hiểu, vận động để người dân cùng nhau hòa giải, xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ gia đình, thôn bản”.

Với suy nghĩ bảo vệ đường biên, cột mốc cũng là bảo vệ đất đai của tổ tiên mình, hơn 40 năm qua, ông Đặng Ngọc Phú (67 tuổi, đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, thôn Pẹc Nả, xã Bắc Sơn) cần mẫn trồng tre dọc bờ sông biên giới. Là người có uy tín, hơn ai hết ông Phú ý thức được việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đối với ông Phú, trồng tre là việc thiết thực ông có thể làm.

Từ bờ sông biên giới đến diện tích đất trong vườn nhà, nơi nào có thể là ông Phú trồng hoặc vận động con cái, bà con hàng xóm trồng tre.

Không chỉ trồng tre giữ đất, những năm qua, ông Phú luôn tham gia bài trừ hủ tục, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Phú trở thành cầu nối, tích cực tuyên truyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân bảo vệ vùng biên vững mạnh. “Chính những phong tục lạc hậu đã làm cho cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Dân bản chúng tôi giờ đây đã dần hiểu ra và kiên quyết loại bỏ những điều lạc hậu ấy” - ông Phú nói.

Ông Lục Thành Chung - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm 2024, toàn tỉnh có 391 người có uy tín. Để xây dựng đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các cơ sở, ngành liên quan, UBND các địa phương triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ này. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng tham mưu văn bản đề nghị UBND tỉnh công nhận danh sách 7 người có uy tín được tôn vinh tại Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024.

Riêng năm 2024, người có uy tín Quảng Ninh đã tham gia trên 200 lượt ý kiến đóng góp, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng vật nuôi...

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-nguoi-giu-lua-o-ban-lang-10298061.html
Zalo