Những người gìn giữ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã sống và làm việc tại nhiều nơi, nhưng Phủ Chủ tịch là nơi Người gắn bó lâu nhất trong 15 năm cuối đời (1954-1969).

Du khách tham quan nhà sàn, ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Du khách tham quan nhà sàn, ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Sau 55 năm kể từ khi Người ra đi, những tài liệu, hiện vật, cảnh quan nơi đây vẫn hiện diện sống động. Làm được điều đó, có sự đóng góp không nhỏ của những người đang ngày đêm miệt mài gìn giữ, trông coi, chăm sóc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vào sáng sớm tinh mơ, chúng tôi được chứng kiến cảnh lao động hăng say của các cán bộ, nhân viên, người lao động nơi đây. Khi những hạt sương còn đọng trên lá, trong không khí thoang thoảng mùi đất ẩm sau đêm, đã nghe tiếng lách cách tỉa cành, cắt cỏ, xới đất, tưới cây…, cùng nhịp chổi đều đều trên các sân, hè, lối đi.

Người cẩn thận lau chùi, quét tước, dọn dẹp vệ sinh, người tỉ mỉ sắp xếp, căn chỉnh, đặt lại từng tài liệu, hiện vật vào đúng vị trí trưng bày quy định. Tất cả đều phải bảo đảm đúng tiến độ để mọi công việc hoàn tất trước 7 giờ 30 phút sáng - thời điểm Khu Di tích bắt đầu mở cửa đón khách.

Đi trong không gian thơm lành, ngát xanh của vườn cây Bác Hồ, anh Lê Nguyên Hưng, Trưởng phòng Bảo quản môi trường di tích, người công tác tại đây suốt 20 năm qua say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ý nghĩa gắn với các loài cây di tích như: cây đa kiên trì, cây đa rễ vòng, cây vú sữa, cây bưởi Pô-mê-lô…

Anh và các đồng nghiệp đều được tìm hiểu về giá trị lịch sử của những hiện vật tiêu biểu, nên ai nấy đều nhớ những câu chuyện cảm động về Bác khi Người còn hiện diện ở đây, để từ đó thêm hiểu, thêm trân trọng những hiện vật và thêm yêu, tự hào về công việc mình đang được đóng góp. Anh Hưng cho biết, chưa tính thảm cỏ và các cây hàng rào, chỉ riêng cây thân gỗ trong Khu Di tích đã có 1.922 cây thuộc nhiều loài, họ thực vật khác nhau.

Trong đó, có những cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng, chăm sóc và đặt tên; có những cây Người mang từ nước ngoài về hoặc được đồng bào trong nước gửi tặng… “Dù quy trình chăm sóc tương tự cây xanh bên ngoài, song với các cây di tích thì còn cần chăm sóc theo nguyên tắc bảo tồn, tức là phải tìm cách kéo dài tuổi thọ của cây lâu nhất có thể”.

Nói tới đây, anh Hưng đưa chúng tôi đến khu vực cây trường xanh trước cửa Nhà H67, là cây dường như đã chứng kiến những ngày tháng cuối cùng của Bác. Dưới gốc cây trường xanh, Hội đồng y, bác sĩ trong nước và nước ngoài cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ngồi họp bàn về bệnh tình của Người để tìm phương án điều trị tốt nhất.

Thời điểm anh Hưng về công tác, cây bị sâu đục thân tàn phá rất nặng. Từ năm 2010, tình trạng cây kém dần và đến năm 2018 thì xác định khó có thể cứu được. Nhiều phương án đã được đưa ra, từ việc nhân giống cây cho tới tìm cây tương tự để dự phòng thay thế. Rất may sau đó, Khu Di tích đã tìm được một doanh nghiệp sản xuất phân bón có cách cứu cây. Sau nhiều cuộc họp bàn thảo, tất cả thống nhất tạo xương sống chống đỡ cho cây, loại bỏ phần thân, rễ bị mục, cung cấp chất dinh dưỡng từ dưới gốc…

Được chữa lành từng bước, những lộc non trên cây dần nhú, cây được hồi sinh trong niềm hân hoan vui sướng của mọi người. Thế mới thấy, để có thể giữ vườn cây, ao cá, quang cảnh trong Khu Di tích bốn mùa trong lành, tốt tươi là cả hành trình không đơn giản, nhất là trong điều kiện môi trường khí hậu khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều, lại đón lượng khách tham quan liên tục nên các tài liệu, hiện vật khó tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp từ thời tiết, con người.

“Cả phòng tôi có 23 cán bộ, trong đó 15 người đảm nhận chăm sóc môi trường di tích ngoài trời, 8 người phụ trách bảo quản tài liệu, hiện vật trong nhà. Lúc mọi người nghỉ là giờ chúng tôi làm việc, bất kể ngày nắng hay mưa. Bản thân tôi và các đồng nghiệp luôn cảm thấy vinh dự và tự hào với công việc”, anh Hưng chia sẻ.

Bước vào Nhà H67, nơi Bác Hồ dưỡng bệnh trong hơn 10 ngày cuối đời, chúng tôi kính cẩn dâng lên bàn thờ của Người nén nhang thơm. Trong phòng, hai tấm bản đồ chiến sự được treo ngay ngắn; những tập sách báo, tài liệu đọc dở vẫn trên bàn làm việc, cả chiếc giường nhỏ Bác nằm cũng như còn lưu hơi ấm của Người…

Vừa tỉ mỉ làm công tác vệ sinh các tài liệu, hiện vật trong nhà di tích, chị Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Bảo quản môi trường di tích vừa tâm sự về công việc chị đã làm suốt 31 năm qua. Chị cho biết, Khu Di tích là loại hình bảo tàng sinh hoạt đời sống danh nhân hiện đang trưng bày gần 1.800 đơn vị hiện vật trong điều kiện là kho mở hoàn toàn nên việc bảo quản, gìn giữ các tài liệu, hiện vật diễn ra đồng thời với công tác phát huy giá trị hiện vật.

Đó là lý do bên cạnh chế độ tu bổ định kỳ, chống xuống cấp di tích được thực hiện vào mùa khô, thì các công việc bảo quản thông thường diễn ra hằng ngày rất quan trọng. “Buổi sáng, chúng tôi phải rời nhà từ rất sớm để kịp đến cơ quan làm nhiệm vụ vệ sinh, lau chùi từng tài liệu, hiện vật, từng ngôi nhà di tích… trước giờ đón khách. Buổi trưa, sau khi khách về, chúng tôi lại đóng cửa, tắt đèn để hạn chế ánh sáng làm hư hại hiện vật.

Trước giờ đón khách buổi chiều, chúng tôi thực hiện vệ sinh qua các nhà di tích, hết giờ thì buông rèm, cất các hiện vật để tiếp tục thực hiện bảo quản chuyên môn”. Chị Xuân kể, công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi phải cẩn trọng từng chút một. Ngay cách tiếp cận, cầm nắm, vệ sinh như thế nào để bảo quản được hiện vật lâu nhất cũng cần tuân thủ những quy tắc, chẳng hạn khi đặt, để sách phải nâng niu bằng hai tay, phải dùng găng tay để ngăn mồ hôi không ảnh hưởng tới tài liệu…

Kết thúc câu chuyện với chị Xuân cũng là lúc mặt trời lên cao, Khu Di tích Phủ Chủ tịch bắt đầu mở cửa. Hòa lẫn dòng người vào thăm nhà sàn Bác Hồ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh anh Nguyễn Minh Hà, nhân viên bảo vệ của Khu Di tích đang đứng phân luồng, hướng dẫn du khách tham quan.

Dưới cái nắng chói chang, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán không làm mất đi phong thái điềm tĩnh của người lính đã gắn bó với công việc này suốt 30 năm qua kể từ khi xuất ngũ. So với nhiệm vụ bảo vệ tại nhiều nơi khác, anh Hà cùng các đồng nghiệp trong tổ phải trực tại các chốt của Khu Di tích 24/24 giờ, phải đứng liên tục ngoài trời trong suốt thời gian khách tham quan và không được rời khỏi vị trí trực dù thời tiết khắc nghiệt đến mấy.

Đặc biệt, bên cạnh thực hiện những công việc nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho Khu Di tích, nhắc nhở du khách tuyệt đối tuân thủ quy tắc khi tham quan, các anh còn phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh như: lúc có trẻ lạc thì tìm cách liên hệ người giám hộ, có người cao tuổi gặp vấn đề sức khỏe thì lập tức kết nối với nhân viên y tế…

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng chia sẻ: 365 ngày trong năm, các cán bộ, nhân viên Khu Di tích không nghỉ ngày nào, nhiều người ở bộ phận bảo vệ, bảo quản môi trường di tích thậm chí không có khái niệm thứ bảy, chủ nhật. Càng vào dịp lễ, Tết, khi khách tham quan đông hơn thì công việc của họ càng vất vả.

Ban Giám đốc luôn thấu hiểu, trân trọng, ghi nhận và cố gắng quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó với cơ quan và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích, để nơi đây mãi là “địa chỉ đỏ” hội tụ và lan tỏa di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nhung-nguoi-gin-giu-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-phu-chu-tich-5019824.html
Zalo