Những người 'gieo chữ trên non'

Trong số các giáo viên (GV) ở vùng cao Khánh Sơn chúng tôi gặp gỡ, dẫu còn nhiều khó khăn trong chặng đường "gieo chữ trên non", nhưng tâm nguyện của họ vẫn luôn một lòng gắn bó với học trò miền núi. Chính vì thế, ngoài nhiệm vụ chính là lên lớp truyền đạt tri thức, các cô còn lên rẫy vận động học trò ra lớp, trăn trở tìm cách thu hút các em đến trường...

Góc trò chơi của cô Mấu Thị Phẩu và các bé.

Góc trò chơi của cô Mấu Thị Phẩu và các bé.

Giờ học cuốn hút

Tại giờ chào cờ ở Trường THCS Sơn Lâm (thôn Du Oai, xã Sơn Lâm), sau khi cô Nguyễn Khôi Nguyên - GV dạy Văn, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp thông báo chủ đề tuyên truyền về trường học không khói thuốc lá, 10 học sinh (HS) tiến ra với bìa, giấy, chai lọ, dung dịch… Sân trường bỗng thành phòng thí nghiệm ngoài trời. Mấy bạn thường ngày hiếu động cũng lặng yên theo dõi. Em Nguyễn Vũ Thiên Phước - Lớp phó học tập lớp 8B trải tờ giấy đo độ pH có hình lá phổi màu vàng sáng, dùng cọ quết lên dung dịch bazơ không màu. Trong chốc lát, hình lá phổi chuyển màu tối. Tất cả HS ồ lên đầy hứng thú. Thầy cô giáo cũng ngạc nhiên vì cách tuyên truyền lôi cuốn thị giác này. Tác hại của khói thuốc lá với sức khỏe con người đã được giới thiệu một cách sinh động, dễ nhớ. Giờ chào cờ dường như quá ngắn với các HS. Sáng kiến của cô Nguyên tiếp tục gây hiệu ứng tương tự ở Hội thi sáng kiến truyền thông Trường học không thuốc lá cấp tỉnh tổ chức ngày 30-11 và giành giải nhì.

Cô Nguyễn Khôi Nguyên hướng dẫn học sinh tuyên truyền trực quan về tác hại của khói thuốc lá.

Cô Nguyễn Khôi Nguyên hướng dẫn học sinh tuyên truyền trực quan về tác hại của khói thuốc lá.

Chúng tôi tới Trường Mầm non Hoàng Oanh (thôn Ma O, xã Sơn Trung) khi cô giáo Mấu Thị Phẩu đang nhún nhảy cùng chiếc xúc xắc khổng lồ reo vui. Các em nhỏ cũng lắc lư theo cô. Vừa nhảy, cô vừa giơ ra 1 thẻ chữ cái. Các bé lập tức tìm, lấy ra thẻ chữ cái y hệt và đọc to. Trước khi các bé kịp chán, cô Phẩu đã mang ra cây xanh mô hình treo lúc lỉu trái cây và hô to: Cho cô xin trái cây có chữ “i”, 2 đội chơi lập tức giành nhau đi hái trái mít. Có bạn luống cuống hái nhầm, tiếng cười giòn lại bật ra... Giờ học chữ tiếp theo cũng đầy say mê. Màn hình máy tính hiện cảnh mấy bạn nhỏ đang nhảy và từ “Khiêu vũ”. Cô Phẩu chỉ vào từng chữ cái và đọc, trò ran ran đọc theo. Màn hình chuyển qua lễ hội trái cây ở huyện. Từng loại trái xuất hiện kèm tên gọi với chữ cái đầu in đậm. Cô phát âm trước, từng bạn nhỏ đọc theo... Cả lớp say sưa, không hay biết những giọt mồ hôi rịn trên trán của cô giữa ngày lộng gió...

Những cô giáo mến thương

20 năm theo nghề giáo, cô Nguyễn Thị Huân - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp vẫn không quên những ngày sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa), về dạy tại Trường Tiểu học Ba Cụm Nam (nay là Trường Tiểu học và THCS Ba Cụm Nam). Khi ấy mọi thứ thiếu thốn, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, HS thường xuyên nghỉ học. Năm 2011, cô chuyển về điểm lẻ Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp. Mỗi lần đi vận động, cô lại kể cho phụ huynh nghe về những tấm gương nỗ lực học tập và thành công. Ở lớp, cô lập một “tủ chống đói”, có đủ bánh kẹo, mì tôm và quần áo xin được. Có HS đến lớp đói muốn xỉu vì cha mẹ bận đi rẫy, nhà hết gạo, nhờ chiếc tủ mà ấm bụng ngồi học tiếp…

Cô Nguyễn Thị Huân trong giờ dạy.

Cô Nguyễn Thị Huân trong giờ dạy.

Năm 2019, chuyển sang làm quản lý, cô Huân quan tâm hơn đến chất lượng đào tạo đại trà và giáo dục mũi nhọn, xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết. Cô cho HS tiếp cận nhiều cuộc thi, chương trình giao lưu; đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ aerobic, cờ vua, tiếng Anh, viết chữ đẹp... Thành tích của trường tăng dần. Năm học vừa qua, trường có 4 người đạt GV dạy giỏi cấp huyện; 6 sáng kiến được cấp huyện công nhận; 3 HS được vinh danh trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh cấp quốc gia; 12 HS được vinh danh trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh cấp tỉnh; 1 HS đoạt giải đồng, 2 HS đoạt giải khuyến khích cuộc thi vẽ tranh mỹ thuật tỉnh năm 2024... Quan tâm đến một số HS bị khuyết tật, cô đi học khóa bồi dưỡng về giáo dục đặc biệt; lên danh sách, lập kế hoạch giáo dục HS. Cô từng quay nhiều clip cho cha mẹ các em xem về những hành vi bất thường của HS và thuyết phục cha mẹ đưa con đi kiểm tra để được tư vấn can thiệp hiệu quả hơn. Bằng sự chân thành, cởi mở, cô đã dần chinh phục được phụ huynh, được họ tâm sự, giúp họ phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ để can thiệp hiệu quả.

Cô Nguyễn Tường Vy và các bé trong giờ chơi.

Cô Nguyễn Tường Vy và các bé trong giờ chơi.

Cô Nguyễn Tường Vy chưa từng nghĩ sẽ xa quê Vạn Ninh để gắn bó lâu dài với học trò Trường Mầm non Anh Đào (thôn Apa 2, xã Thành Sơn). Ở đây cuộc sống, sinh hoạt, đi lại đều khó khăn. Nhiều hôm, leo đồi, đội mưa chở trẻ đi học, cả cô và cháu đều lấm lem bùn đất. Nhưng chính từ những ngày cực khổ cùng trẻ, cô và các bé quấn quýt nhau hơn. Cứ vậy, cô đã công tác 16 năm tại trường; nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là GV dạy giỏi cấp trường; năm học vừa qua được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Dạt dào tình cô trò

Ngày thi tuyển vào trường, cô Phẩu gặp lại cô giáo mầm non của mình. Bao năm đã qua, cô giáo già không quên bé Phẩu năm xưa. Cô nhẹ nhàng nói: “Cố lên, vào dạy với cô!”. Câu nói đơn giản đã khơi dậy kỷ niệm tuổi thơ gắn với cô giáo mầm non dịu hiền. Vào làm, không ít lần cảm thấy bất lực trước những cái miệng nhỏ la hét, khóc lóc, nhưng cô lại tự động viên hãy yêu thương trẻ hơn nữa, để được trẻ tin tưởng như người mẹ. “Có lần tôi đón một bé trai 4 tuổi. Cháu không chịu đi học, giãy dụa, la hét, quát tháo bằng tiếng Raglai. Tôi liền dỗ luôn bằng tiếng Raglai. Lập tức, bé nín bặt. Mấy bé trong lớp cũng thì thào: “Cô biết tiếng đó!”. Cả lớp trật tự hẳn, chịu nghe lời cô với tâm thế... đề phòng. Nhưng dần dần, cả lớp đã thích cô và dần... mất cảnh giác. Những em bé Raglai vừa rời vòng tay mẹ rất nhút nhát, sợ người lạ, cuối cùng đã tìm được cảm giác gần gũi khi có thể nói chuyện với cô bằng tiếng mẹ đẻ. Cô và trò không còn cách biệt. Lớp học ngày càng nhiều tiếng cười. 2 sáng kiến giúp trẻ mẫu giáo hứng thú làm quen với chữ cái, góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5 tuổi và mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp của cô đã được áp dụng hiệu quả tại một số trường khác. Liên tiếp 2 năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, cô Phẩu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. “Càng ngày tôi càng gắn bó với trẻ và muốn góp phần gì đó cho con em địa phương”, cô Phẩu tâm sự.

Yêu nghề, cô Nguyên đã có 5 sáng kiến nâng cao chất lượng giảng dạy. Cô cũng nhiều năm tham gia bồi dưỡng HS giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Văn; hướng dẫn HS tham gia thi kể chuyện về Bác Hồ cấp tỉnh, thi Giai điệu tuổi hồng. 2 năm học vừa qua, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Cô Nguyên còn nhiều mong ước, như mong cho 3 HS thuộc hộ nghèo ở thôn Kô Róa (xã Sơn Lâm) được hỗ trợ xe đạp để ngày ngày không phải đi bộ 4 - 5km, qua con dốc dựng đứng, tới trường đều đặn hơn... Buổi tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) vừa qua, trong những chiếc lá ghi lại cảm tưởng của HS trên cây phong mô hình, có một chiếc lá ghi dòng chữ: “Đối với lớp và riêng em, cô là người rất quan trọng. Cô đã dìu dắt, gắn bó, giúp cho chúng em trưởng thành hơn”. “Dòng chữ đó khiến tôi rất xúc động và cảm thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa để không phụ tình cảm đó của học trò”, cô Nguyên nói.

Giờ đây, cô Huân và HS đã như người một nhà. Gặp ở trường, các em chạy tới ôm cô, nói muốn tâm sự với cô. Còn cô, dẫu bận thế nào cũng tươi cười hỏi chuyện, cho các em cảm giác được tin tưởng, yêu thương. Có HS ra trường mười mấy năm vẫn về thăm, gửi quà cho cô. Có em lâu lâu về nhà xin cô nấu cơm cho, như ngày còn đi học được cô dẫn về nhà cho ăn, tâm sự đủ chuyện… Nhiều năm liền, cô Huân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 4 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2016 - 2017 được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh và nhận bằng khen của UBND tỉnh... Cô cho rằng, tình cảm chân thành của phụ huynh và tình yêu của HS dành cho mình chính là thứ quý giá nhất.

THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202412/nhung-nguoi-gieo-chu-tren-non-66829da/
Zalo