Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng STEAM trong giáo dục mầm non
Sinh hoạt chuyên môn giáo dục mầm non là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEAM, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Ngày 17/12, Phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, đơn vị vừa tổ chức sinh hoạt chuyên môn Giáo dục Mầm non cấp huyện lần thứ 3 (năm học 2024 - 2025) tại trường Mầm non Tư Mại.
Theo ông Phan Thế Đông - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng, hội nghị sinh hoạt chuyên môn Giáo dục Mầm non cấp huyện là nhiệm vụ trọng tâm của bậc học mầm non, đây là dịp giao lưu, trao đổi chuyên môn, thăm quan học tập mô hình trường học “lấy trẻ làm trung tâm”.
Dự sinh hoạt chuyên môn, các đại biểu được tham quan điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, phòng hành chính quản trị…, môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm của Trường Mầm non Tư Mại. Đồng thời, dự 2 hoạt động giáo dục: Hoạt động học (Hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại lớp mẫu giáo 4-5 tuổi ”; hoạt động LQVT đề tài số chẵn, số lẻ trong phạm vi 8 tại lớp 5 - 6 tuổi”). Bên cạnh đó, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và hoàn thiện tiêu chí môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Chủ trì nội dung thảo luận tại hội nghị, bà Vũ Thị Hạnh – chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng cũng làm rõ một số nội dung về việc thiết kế tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt quan tâm nhấn mạnh đến nội dung, phương pháp giáo dục Stems.
Dựa trên cơ sở đã có của hội nghị sinh hoạt chuyên môn bà Vũ Thị Hạnh cũng đề nghị 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong các cơ sở GDMN trên địa bàn toàn huyện Yên Dũng cập nhật nội dung của buổi sinh hoạt chuyên môn và áp dụng linh hoạt, phù hợp, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của mỗi cơ sở, tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động trong Chương trình giáo dục mầm non.
Qua hội nghị, Phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng thống nhất nội dung chỉ đạo chuyên môn, xây dựng kế hoạch và phát triển Chương trình giáo dục mầm non phù hợp với bối cảnh của từng đơn vị, đánh giá việc thực hiện chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng giáo dục mầm non và phát triển môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giải quyết khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện của từng trường. Thúc đẩy tinh thần học tập, chia sẻ kinh nghiệm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ năm học, đóng góp cải tiến chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn toàn huyện.