Những người gieo chữ ở vùng biên
Dạy học ở vùng biên giới là công việc đầy vất vả, gian nan, bởi nơi đây điều kiện sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tại các điểm trường của huyện biên giới Bù Gia Mập, có những thầy, cô giáo đã dành trọn tuổi trẻ của mình để quyết tâm gieo chữ nơi dây.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Trương Nhật Nam trở về quê hương và công tác tại điểm trường Sơn Trung thuộc Trường tiểu học Nguyễn Huệ, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập. “Học sinh ở đây đều là người dân tộc S'tiêng nên còn nhiều hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng Việt, khiến việc học của các em trở nên khó khăn hơn. Đặc thù môn Tin học cần các công cụ, máy móc hiện đại để giảng dạy, tuy nhiên, với một trường vùng biên giới, điều này còn nhiều bỏ ngỏ. Dù vẫn còn đó những khó khăn nhưng tôi nhận thấy nhiều em rất khao khát được học và tôi càng cảm nhận rõ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) cần biết về công nghệ thông tin để giúp ích cho tương lai các em sau này. Vì vậy, để bám trường, bám lớp, tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa” - thầy Nam chia sẻ.
Tại Trường tiểu học Hai Bà Trưng, xã Đức Hạnh, thầy Trần Văn Thái đã dành trọn tuổi trẻ của mình với những bài giảng. 25 năm gắn bó, thầy Thái luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS. Vì thế, ngoài dạy học, thầy Thái cùng các thầy, cô giáo còn cùng nhau giúp đỡ để hành trình đến trường của các em được trọn vẹn. Thầy Thái chia sẻ: “Tôi biết học sinh của mình còn rất nhiều em hoàn cảnh khó khăn, nên ngoài giờ dạy học trên lớp tôi luôn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ để các em có đầy đủ sách vở, đồng phục. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng tạo ra những bài giảng ấn tượng nhất để các em thích đi học, thích đến trường. Tôi sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục”.
Trường tiểu học Hai Bà Trưng thành lập năm 1990. Khi mới thành lập trường gặp rất nhiều khó khăn, giáo viên được điều động khắp các tỉnh, thành về đây. Tuy nhiên, qua 34 năm xây dựng, trưởng thành, mỗi giáo viên đều tâm huyết, gắn bó với trường. Mặc dù cuộc sống mỗi người có thể gặp những thử thách, khó khăn riêng nhưng các thầy, cô luôn “giữ lửa” nhiệt huyết với nghề, qua đó góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hai Bà Trưng LÂM KHÁNH ĐỨC
Cũng như thầy Thái, thầy Nguyễn Văn Đức là giáo viên thể dục Trường tiểu học Hai Bà Trưng. Bên cạnh nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, thầy Đức còn như người bạn, người cha giúp đỡ các em hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh DTTS. Thầy Đức chia sẻ: Để gắn kết học trò, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, tôi thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh. Ngoài ra, tôi thường xuyên trò chuyện để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ các em trong học tập, đặc biệt là khả năng giao tiếp lưu loát tiếng Việt cho học sinh DTTS. Đồng thời, tôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm để trao học bổng, tặng quà, tạo điều kiện cho các em đến trường. Trong những năm tháng đứng trên bục giảng, bản thân tôi đôi lúc cũng vô cùng trăn trở khi đối diện với những khó khăn, vất vả. Nhưng tôi luôn nghĩ: “Nếu mình từ bỏ, tương lai của các em sẽ ra sao?”, và chính điều đó đã níu tôi ở lại gắn bó với nơi này.
Dù còn đó những khó khăn, vất vả nhưng chính lòng nhiệt huyết, yêu nghề thầy cô đã mang đến cho các em cả một kho tàng tri thức, thắp lên ngọn lửa hy vọng, vượt qua trở ngại để đến trường, hướng đến tương lai tươi sáng hơn.